Các xí nghiệp môi trường của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tích cực, chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện và UBND các phường, xã nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác vệ sinh môi trường và thu gom rác sinh hoạt, bảo đảm đường phố, địa điểm công cộng, khu vực dân cư sạch, đẹp. Các quận, huyện cũng đề xuất thành phố ban hành một số chủ trương, quy định để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác này trong thời gian đến.
Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tăng cường phương tiện cơ giới vệ sinh đường phố trong mùa mưa bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ngay trước mùa mưa bão năm 2024, công trình đường, cầu kết nối đường ĐT.601 và đường ADB 5 với thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) được khánh thành, đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom rác sinh hoạt đều đặn hơn ở thôn cuối cùng của huyện Hòa Vang. Những xe vận chuyển rác là hình ảnh bình thường hằng ngày trên các tuyến đường ở đô thị, nhưng với người dân ở thôn Lộc Mỹ, mãi đến mùa mưa năm nay mới thấy xe vận chuyển rác đến thôn vào ngày thứ Năm hằng tuần sau khi cầu mới được khai thác.
Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang Nguyễn Đức Thành cho hay: “Hiện xí nghiệp bố trí một chuyến xe thu gom, vận chuyển rác theo lộ trình từ đường ĐT.601 vào thôn Lộc Mỹ và về các thôn Nam Yên, An Định (xã Hòa Bắc), Trường Định (xã Hòa Liên), rồi đưa rác về bãi rác Khánh Sơn để xử lý chôn lấp theo quy định. Dù tần suất thu gom rác thưa như vậy, nhưng chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ công tác thu gom rác. Người dân tích cực phân loại rác tại nhà, đổ các loại rác còn lại vào thùng rác đúng ngày và thường xuyên ra quân vệ sinh môi trường để các tuyến đường, thôn, xóm luôn sạch sẽ.
Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cùng UBND các xã xây dựng phương án thu gom rác sinh hoạt đáp ứng tiêu chí vệ sinh môi trường của đô thị loại 4. Đặc biệt, huyện đang đề xuất thành phố đầu tư một trạm trung chuyển rác hiện đại và tiên tiến như ở trung tâm thành phố. Khi có trạm trung chuyển rác này, mô hình cơ giới hóa thu gom rác sinh hoạt trực tiếp tại nhà dân sẽ được triển khai, thực hiện nhiều và phổ biến hơn trên nhiều tuyến đường ở huyện”.
Ngày 25 và 26-11, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang đã phân bổ 30 xe ba gác chở thùng chứa rác do UBND huyện đầu tư cho các xã để thay thế các xe bị hư hỏng và bổ sung cho các tổ tự quản thu gom rác tại các thôn. Trước đó, huyện đã phân bổ nhiều thùng rác cho các thôn. Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang Huỳnh Tấn Bôn cho biết, trên địa bàn huyện có 112 tổ tự quản với 180 công nhân sử dụng xe ba gác chở thùng thu gom rác sinh hoạt tại hộ gia đình tại 109 thôn, 10 chợ, 3 khu tái định cư rồi vận chuyển đến điểm tập kết thùng rác.
Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang bố trí xe vận chuyển rác thu gom rác tại 230 điểm tập kết rác trên địa bàn huyện do các tổ tự quản mang đến sau khi thu gom tại các hộ gia đình hoặc do người dân tự mang rác đến; đồng thời, thực hiện thu gom rác trực tiếp tại nhà dân theo phương án cơ giới hóa trên một số tuyến đường. Hiện nay, việc thu gom rác sinh hoạt được thực hiện trên toàn bộ 113 thôn của huyện với khối lượng từ 80-85 tấn/ngày.
Tần suất thu gom rác sinh hoạt tại các xã khác nhau, đối với xã Hòa Bắc, do đường sá xa nên rác được thu gom 1 lần/tuần; các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước được thu gom 3 lần/tuần (tần suất thu gom rác cao ở khu dân cư tập trung đông, các tuyến đường chính); các xã còn lại 2 lần/tuần… Về lâu dài, thành phố cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ và phương thức thu gom, xử lý rác thải; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung liên quan đến bao bì lưu chứa từng nhóm rác, giá dịch vụ thu gom và vận chuyển rác…
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy đề nghị, thành phố cần sớm có cơ chế thu tiền rác theo khối lượng hoặc trữ lượng phát sinh như quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thấy được lợi ích trong việc phân loại rác tốt mà giảm thải bỏ rác, góp phần làm giảm áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác.
Thành phố cũng cần có các chính sách xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác sau phân loại trên địa bàn thành phố nói riêng. UBND quận Thanh Khê cũng kiến nghị UBND thành phố sớm ban hành quy định về quản lý phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho các sở, ban, ngành, địa phương và người dân triển khai đồng bộ; ban hành giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt (thay thế Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 18-11-2017), nhằm tạo động lực cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa thiết bị, phương tiện; ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý các loại rác nguy hại, rác cồng kềnh (phát sinh từ hoạt động phân loại rác của các hộ gia đình, cá nhân) trên địa bàn thành phố, được Nhà nước chi trả từ nguồn ngân sách, để các quận, huyện có cơ sở lập dự toán kinh phí thực hiện nội dung này theo phân cấp…
HOÀNG HIỆP
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/nang-cao-hieu-qua-chat-luong-ve-sinh-moi-truong-3995679/