Hơn 1 năm đi vào hoạt động, bộ sản phẩm quy trình tuần hoàn với nguyên liệu cá trích của chị Võ Thị Hạnh Dung, chủ cơ sở 43Fcods (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) được đánh giá hiệu quả tích cực khi sản xuất, cung cấp hàng chục ngàn sản phẩm ra thị trường và nhận được phản hồi tốt. Ngoài ra, mô hình khởi nghiệp này cũng thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo ra việc làm cho lao động nữ và tiêu thụ sản phẩm của 17 hộ ngư dân.
Bộ sản phẩm quy trình tuần hoàn của chị Võ Thị Hạnh Dung, chủ cơ sở 43 Fcods (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tốt từ người dùng. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Bén duyên nhờ bán giúp cá trích
Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực y tế, chị Dung đã nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến để chế biến cá trích tươi thành sản phẩm có giá trị cao gồm: chà bông, bột ngọt, nước mắm. Được biết, cách đây vài năm khi công việc chính của chị là nhân viên công sở thì được người quen nhờ tìm kiếm đầu ra cho hải sản tươi, từ đó, chị “bén duyên” với những con cá trích. Theo chị Dung, nhu cầu tiêu thụ cá trích tại Đà Nẵng rất thấp vì nhiều xương, ít thịt trong khi hàm lượng dinh dưỡng cao. Chị nảy ra ý tưởng chế biến cá trích thành sản phẩm hợp khẩu vị của đại đa số mọi người và món chà bông cá trích đã ra đời.
Theo đó, cá trích thu mua về sẽ được các công nhân cắt làm 3 phần: thịt trên bụng, thịt dưới bụng, xương cá trích. Phần thịt trên bụng được dùng để tạo nên chà bông cá trích. Bình quân khoảng 5kg thịt cá trích trên bụng có thể chế biến được 1kg chà bông. Phần xương và thịt dưới bụng, chị áp dụng quy trình tuần hoàn để làm thành hạt nêm và nước mắm. Việc áp dụng quy trình này sẽ tận dụng được tất cả các bộ phận của cá trích, góp phần giảm tác động tiêu cực đối với môi trường. Các công đoạn chế biến được chị sửa đổi, cải tiến nhiều lần làm ra thành phẩm và nhận phản hồi tốt của khách hàng. Cũng vì vậy, chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô để sản xuất số lượng lớn sản phẩm ra thị trường.
Thành quả là từ tháng 3-2023 đến nay, cơ sở sản xuất của chị Dung bán ra trên 11.000 sản phẩm, chủ yếu vẫn là mặt hàng chà bông. Nhân công tại cơ sở có khoảng 15 người; cơ sở của chị còn hợp đồng với 17 hộ ngư dân đánh bắt cá tại biển Nam Ô. Hiện tại, giá các sản phẩm bán lẻ như chà bông cá trích 250.000 đồng/hũ 0,4 kilogram; hạt nêm là 350.000 đồng/hũ 0,5 kilogram; nước mắm 60.000 đồng/chai 0,5 lít.
Được biết, năm 2023, sản phẩm chà bông cá trích Nam Ô đạt giải Nhì hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu tổ chức. Nhờ đó, thương hiệu 43Fcods của chị Dung được nhiều người biết đến hơn. Bà Huỳnh Kim Bích Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Bắc cho hay, mô hình khởi nghiệp chế biến cá trích của chị Võ Thị Hạnh Dung được địa phương đánh giá cao vì không chỉ tạo việc làm cho bà con ngư dân, chị em phụ nữ tại địa phương mà các sản phẩm mang thương hiệu 43Fcods còn khẳng định sự nỗ lực mang lại cho người tiêu dùng thực phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao.
Khó khăn khi khởi nghiệp
Những sản phẩm làm từ cá trích được nhiều người đón nhận, nhưng để mở rộng thị trường, nâng cao vị thế thương hiệu tại Đà Nẵng vẫn là khó khăn với một thương hiệu mới như 43Fcods. Chị Dung chia sẻ, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn, thiếu định hướng tuyên truyền, thị trường phân phối còn quá nhỏ lẻ. Trong năm, cá trích thường được thu hoạch theo mùa từ tháng 1 đến tháng 7, các tháng còn lại thì thiếu nguyên liệu đầu vào. Giải pháp được chị sử dụng là bảo quản cá trích đông lạnh. Tủ lạnh chị đang sử dụng có dung tích bé và là loại không chuyên dụng nên chất lượng thịt cá, hàm lượng dinh dưỡng, hương vị thường không bằng so với loại tủ lạnh chuyên dụng. Tiếp đến, hộ kinh doanh của chị đang thiếu sự hướng dẫn để phát triển các sản phẩm.
“Tôi mong muốn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ chính quyền, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực chế biến thực phẩm sạch để hoàn thiện cơ sở, thiết bị, máy móc nhằm hiện đại hóa dây chuyển thủ công, tăng năng suất, bảo quản cá trích tốt hơn. Cùng với đó, tôi cũng muốn gia nhập các hiệp hội, hội, vườn ươm nhằm tiếp cận được công nghệ mới, nguồn thông tin, cơ hội kết nối, đầu tư để giải quyết các bài toán trước mắt của cơ sở”, chị Dung trăn trở.
Bà Huỳnh Kim Bích Hà nhìn nhận, trên thực tế, các sản phẩm được chế biến của 43Fcods có tiềm năng phát triển lớn khi Đà Nẵng có nguồn nguyên liệu cá trích chất lượng cao. Tuy nhiên, hộ kinh doanh này vẫn đang gặp rào cản trong các vấn đề về phát triển thương hiệu, việc thiếu định hướng tuyên truyền khiến nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp, khách hàng chưa biết đến những sản phẩm này. Mô hình khởi nghiệp của chị Dung luôn nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc Phan Văn Đại thông tin thêm, ngoài việc hỗ trợ tiếp cận thông tin – truyền thông, hướng dẫn các thủ tục trong xin cấp phép, phát triển thương hiệu cho mô hình khởi nghiệp này, phường đang tham mưu, kiến nghị với lãnh đạo quận, các cấp có thẩm quyền xem xét phương án đưa sản phẩm chà bông cá trích vào danh mục OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm). Ông Đại cũng mong muốn bộ sản phẩm này sẽ là mặt hàng biểu tượng đặc trưng được nhiều du khách, người dân Đà Nẵng biết đến, tìm mua.
CHIẾN THẮNG