Tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang những ngày cuối tháng 11, đa số các tàu thuyền Đà Nẵng và miền Trung đều nằm bờ vì thời tiết xấu do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc cũng như các đợt không khí lạnh tràn về. Cùng với đó, lao động đi biển ngày một khan hiếm, ngư trường dần hạn hẹp… càng khiến ngư dân khó khăn hơn.
Bên cạnh thời tiết xấu, nhiều tàu thuyền còn đối mặt với các khó khăn, thách thức. TRONG ẢNH: Nhiều tàu cá neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trong ngày 29-11. Ảnh: THANH NHÀN |
Qua ghi nhận, tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, tàu cá xếp trải dài san sát và chỉ lác đác vài ngư dân ra tàu chủ yếu để kiểm tra máy móc, thiết bị liên lạc, che đậy các vật dụng trên tàu. Đang loay hoay kiểm tra thiết bị liên lạc trên chiếc tàu ĐNa 91269 TS với công suất 540CV, anh Võ Văn Tùng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nói: “Đã gần một tháng sau chuyến biển gần nhất, tôi vẫn chưa thể đi lại vì thời tiết xấu. Giờ đang là mùa biển động nên ít đi hơn so với đợt tháng 6 và tháng 7. Ở Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, tầm tháng 9 trở đi là bắt đầu biển động đến tháng 3 năm sau và diễn biến thời tiết cũng ngày càng phức tạp. Tôi thường xuyên theo dõi trên báo, đài để nắm tình hình thông tin trong vòng 10 ngày tới, nếu gió êm thì lại đi ngay, dự kiến khoảng 2 tuần nữa tàu tôi sẽ lại ra khơi”.
Thời tiết thất thường vào mùa biển động không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tàu cá nằm bờ hàng loạt. Theo nhiều ngư dân, giá dầu đạt mức trên 20.000 đồng/lít – mức khá cao trong nhiều năm nay khiến ngư dân ra khơi không còn lời lãi. “Chuyến biển tôi đi 8 ngày thì tốn hơn 33 triệu đồng tiền dầu, trung bình tiêu hao khoảng 1.600 lít dầu. Tiền dầu năm nay so với 2 năm trước tăng gần gấp đôi. Nếu năm ngoái tổng thu từ các chuyến biển là 600-700 triệu đồng, thì năm nay giảm chỉ còn gần 400 triệu đồng. Cộng với chi phí khác đã gần 44 triệu đồng nên tiền lời thu được để chia cho các bạn tàu cũng thấp hơn. Thời điểm này, nguy cơ thua lỗ là trông thấy trước mắt nếu chuyến đánh bắt không đạt kết quả tốt. Trong khi đó, ngư trường ngày càng cạn kiệt nên tàu phải đi xa hơn, dài ngày hơn, cần lượng xăng dầu nhiều hơn nhưng ngược lại giá mua hải sản vẫn thấp”, anh Tùng cho biết.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngư dân vẫn luôn cố gắng bám với nghề biển của ông cha để lại. TRONG ẢNH: Anh Võ Văn Tùng kiểm tra các thiết bị liên lạc, sẵn sàng cho chuyến ra khơi sớm nhất. Ảnh: THANH NHÀN |
Sở hữu hai chiếc tàu lớn gồm ĐNa 91282TS công suất 900CV và ĐNa 91095TS công suất 825CV, anh Nguyễn Phương Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vẫn đang cho tàu nằm bờ và chưa rõ thời điểm nào ra khơi. Anh Bình cho hay, giá xăng dầu cứ tăng giảm liên tục nên ảnh hưởng rất nhiều tới chi phí cho mỗi chuyến tàu. Ngư trường thì càng ngày càng thu hẹp mà ngư dân chỉ có thể đánh bắt trong vùng cho phép, vì thế nguồn lợi thủy sản cũng theo đó mà sụt giảm. Chủ tàu thu nhập giảm nên người lao động cũng bị ảnh hưởng theo.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nghĩnh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đến nay đã ở độ tuổi 65 và có gần 40 năm với nghề biển nghẹn ngào cho biết: “Biển giả có lúc được lúc lỗ nhưng ngư dân chịu được, chứ cứ đi biển mà lỗ liên tiếp thì ai dám đi trong mùa biển động này. Hơn nửa đời người đi biển, tôi rất lo lắng vì nguồn nhân lực lao động ngày càng mai một. Nếu không có sự khuyến khích thì chỉ 10 năm sau là cạn kiệt người đi biển. Lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà, không duy trì được theo cái nghề của ông bà xưa để lại. Tôi may mắn là có con trai theo nghề nhưng còn đa số nhiều gia đình ngư dân khác là không còn tiếp nối”.
Ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhận định, mùa biển động năm nay, số lượng tàu cá nằm bờ cao hơn so với cùng kỳ của mọi năm. Dù cho thời tiết có phần bớt khắc nghiệt hơn so với các năm trước, nhưng các yếu tố khác tác động nên nhiều chủ tàu cá vẫn cho tàu nằm bờ.
Ngoài chi phí xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào cao so với những năm trước, khó khăn lớn nhất ngư dân đối mặt hiện nay là nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, chưa được phục hồi nên hiệu quả chuyến biển không cao. Cùng với đó, giá dầu và các nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong việc tìm kiếm lao động đi biển cũng là những thách thức lớn. Trong khả năng, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho tàu vào cảng từ các khâu giải quyết thủ tục, bố trí mặt bằng cho tàu, phối hợp với các cơ sở cung ứng hậu cần…
Theo thống kê từ Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, từ ngày 1-11 đến 28-11, có 452 tàu cập cảng, 307 tàu rời cảng; sản lượng thủy sản qua cảng là 6.975 tấn. Hiện nay, các tàu neo đậu tại khu vực âu thuyền Thọ Quang chủ yếu là các tàu khai thác ngoài khơi, xa bờ với các nghề lưới cản, lưới vây… Tìm hiểu tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, các loại cá lớn vẫn giữ mức ổn định trong những tháng gần đây như cá nục 35.000 đồng/kg, cá ngừ vằn có giá 55.000 đồng/kg, cá hố giá 100.000/kg, cá thu giá 200.000 đồng/kg, cá chim giá 110.000 đồng/kg…Còn tiểu thương bán thủy sản tại các chợ lẻ như chợ Đống Đa cho hay, thời gian gần đây, nguồn cá ở cảng Thọ Quang cung cấp rất ít cá lớn, bởi các tàu cá chỉ đánh bắt gần bờ do biển động. Một số loại cá nhỏ tăng giá có cá giò tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/lạng, cá phèn tăng từ 4.000 lên 6.000 đồng/lạng… |
TRẦN TRÚC – THANH NHÀN