Một góc TP. Buôn Ma Thuật, Đắk Lawsk. (Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk) |
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk sở hữu vị trí địa lý chiến lược về kinh tế, quốc phòng – an ninh cùng hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
Đắk Lắk là một trong các cực phát triển trong “tam giác phát triển” Việt Nam – Lào – Campuchia; có đường bộ, đường hàng không thuận lợi, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và một số tỉnh, thành khác. Lợi thế này giúp Đắk Lắk có thể mở rộng giao lưu liên kết phát triển kinh tế – xã hội và hợp tác với các địa phương trong và ngoài.
Tiềm năng rộng lớn
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó có gần 5.400 km2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đa số là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, sản lượng cao hàng năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, xoài,… Toàn tỉnh hiện có 237 sản phẩm OCOP (trong đó có 31 sản phẩm 4 sao, 206 sản phẩm đạt 3 sao) đủ khả năng xuất khẩu. Một số loại nông sản đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như sầu riêng, mắc ca, chuối, chanh dây,… Nổi bật nhất là cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh các sản phẩm trên, Đắk Lắk còn có thế mạnh về ngô lai, mật ong, sắn, mía. Tỉnh đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như phát huy hiệu quả tối đa trong sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.
Tỉnh còn sở hữu diện tích rừng và trữ lượng gỗ lớn nhất nước, toàn tỉnh có hơn 600.000ha đất lâm nghiệp. Trữ lượng gỗ đạt hơn 50 triệu m3 với nhiều chủng loại gỗ quý rất thuận lợi cho việc chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Hệ thống ao, hồ, sông, suối đa dạng và rộng lớn như Hồ Lắk, Ea Súp, Đắk Minh, Ea Kao… Đồng thời, Đắk Lắk có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng khác nhau, trong đó một số loại khoáng sản đã được xác định là: sét cao lanh với trữ lượng ước tính khoảng 60 triệu tấn, phân bố ở M’Drắk, Buôn Ma Thuột; sét gạch phân bố ở Krông Ana, M’Đrăk và nhiều nơi trong tỉnh.
Không chỉ thế, địa phương này còn có nhiều loại khoáng sản khác như Vàng (Ea Kar), chì (Ea H’Leo), phốt pho (Buôn Đôn), than bùn (Cư M’gar), đá quý (Opan, Jectit), đá ốp lát, đá xây dựng, cát xây dựng… được phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh, thích hợp để phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến.
Về du lịch, Đắk Lắk đang có lợi thế với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp du lịch cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như Hồ Lắk, Thác Dray Nur, Khu du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch Kotam, Khu du lịch sinh thái sân golf hồ Ea Kao… Đặc biệt, Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành một sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 dự kiến tổ chức vào tháng 3/2025 hứa hẹn sẽ mang đến cho các nhà đầu tư, chuyên gia, du khách, người yêu thích cà phê cơ hội hiểu thêm về cà phê, việc canh tác cà phê, cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh và cả những trải nghiệm thú vị thông qua chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội, từ các hội thảo, triển lãm chuyên ngành cà phê đến các sự kiện văn hóa, du lịch.
Mở không gian phát triển mới
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc đang mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh.
Theo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển hàng đầu cả nước.
Đắk Lắk định hướng phát triển xứng tầm các chức năng ở nhiều cấp độ vùng Tây Nguyên, quốc gia, quốc tế.
TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ nông nghiệp quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh có 31 đô thị; nghiên cứu thành lập khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê; tập trung phát triển khu công nghiệp Hòa Phú và Phú Xuân; nghiên cứu thành lập mới các khu công nghiệp tiềm năng (M’Đrắk, Ea Kar, Ea H’leo); phát triển 26 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát triển khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên tại TP Buôn Ma Thuột. Phát triển 4 sân golf tại hồ Ea Kao, hồ Ea Nhái, hồ Lắk, Buôn Đôn.
Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Đắk Lắk xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng điểm, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động quảng bá địa phương tại nước ngoài và mở rộng quan hệ hợp tác cấp địa phương.
“Điểm cộng” hấp dẫn
Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn nhân lực trẻ dồi dào… đã nhanh chóng đưa Đắk Lắk trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng công tác thu hút, kêu gọi đầu tư và xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, tỉnh ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong chuỗi hoạt động xúc tiến.
Cụ thể, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương tham mưu tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, hoàn thiện các quy định của pháp luật; quyết tâm đẩy mạnh, liên tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn.
Tỉnh còn nỗ lực triển khai các chương trình quảng bá địa phương ở các nước; tăng cường đối thoại, chủ động mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chương trình gặp gỡ được tổ chức tại tỉnh.
Tỉnh cũng đã chủ động hoàn thiện lập và phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung phát triển đô thị, nhất là các phương án sử dụng đất của các nông, lâm trường chuyển về cho địa phương quản lý làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh.
“Điểm cộng” hấp dẫn hơn của môi trường đầu tư ở Đắk Lắk phải kể đến việc tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đơn cử, tỉnh chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại cửa khẩu Đắk Ruê, Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân.
Cùng với đó là việc xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư bài bản; xây dựng và công bố các danh mục dự án thu hút đầu tư để làm cơ sở cho các nhà đầu tư quan tâm đề xuất thực hiện dự án…
Với việc tạo ra những điểm nhấn riêng biệt, hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư lớn đã tin tưởng quyết định đầu tư vào tỉnh. Trong ba năm (2021 – 2023), thu hút đầu tư toàn tỉnh đạt gần 113.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng GRDP theo giá hiện hành; có khoảng 3.911 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 53.350 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 12.775 đơn vị.
Cũng trong ba năm qua, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 31 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 11.672 tỷ đồng; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 75 dự án, xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá 8 dự án, xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu 6 dự án. Như vậy, cả huy động vốn và dự án mới đều tăng mạnh, điều này cho thấy dòng vốn đã được “chuyển đổi” thành nhà máy, dây chuyền sản xuất, các dự án đầu tư vào sản xuất – kinh doanh phục vụ sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Tính hết 6 tháng năm 2024, Đắk Lắk có hơn 47 nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, có 38 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư với tổng giá trị 3.746,8 tỷ đồng.
Hiện tại, Đắk Lắk nỗ lực mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh vượt trội. Tỉnh xác định, thành công trong thu hút đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Đắk Lắk từng bước hoàn thiện hình ảnh của mình trong mắt các nhà đầu tư, bạn bè trong nước và quốc tế. Vì vậy, nhà đầu tư hãy đến Đắk Lắk để tham quan, tìm hiểu và mở “kho báu” tiềm năng phong phú của mảnh đất Tây Nguyên màu mỡ này!