Việc thi thoảng tâm sự chuyện buồn lên mạng, nhìn ở góc độ nào đó có thể mang đến lợi ích khi có thể trút ra nỗi lòng, giải tỏa phần nào phiền muộn, hay nhận được sự quan tâm và đưa ra lời khuyên từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Song, nếu việc đó diễn ra quá thường xuyên có thể gây tác dụng ngược.
Mệt mỏi với người “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”
Tung nỗi buồn riêng lên mạng thông qua những bài chia sẻ tất tần tật chuyện đời tư sẽ khiến người quen thấy mệt, vì bị truyền những năng lượng tiêu cực khi phải đọc những post đó, thậm chí bị coi là phiền phức.
Còn đăng bài than thở, nhờ tư vấn trong các hội nhóm, nhất là về chuyện tình yêu thì đa phần đều bị xúi chia tay, ly hôn, không thì cũng an ủi chung chung.
Chị Nguyễn Thanh Ngọc (30 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) tỏ ra ngao ngán khi nhắc đến nữ đồng nghiệp cùng chỗ làm. Chị Ngọc kể cô gái kia thuộc típ người có thói quen đăng gần như mọi thứ lên Facebook và Instagram dù chuyện lớn hay nhỏ, mà đa số bài đăng thường là vấn đề buồn, tiêu cực của bản thân.
“Thất tình, công việc hay tiền bạc không như ý, cãi nhau với đồng nghiệp cũng đăng hết lên mạng. Ban đầu tôi với mấy đồng nghiệp khác cũng quan tâm, hỏi han để an ủi. Nhưng riết rồi tần suất ngày một nhiều. Ngoài đăng bài, cô ấy còn đăng tới story. Tụi tôi thấy thôi cũng mệt”, chị Ngọc nói và cho hay chị chọn tránh xa từ từ, không muốn tương tác hay quan tâm gì nữa.
Tương tự, chị Lê Thị Kim Vy (làm kế toán, sống ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nói mình cũng có một người bạn “trời ơi đất hỡi”.
Kim Vy kể người bạn này 27 tuổi, mỗi lần yêu người mới là đăng ảnh liên tục để chứng tỏ mình hạnh phúc, tới lúc người này cãi nhau với người yêu hay thất tình thì cả… vũ trụ cũng biết khi nhìn vào Facebook cá nhân.
“Cách 1 – 2 ngày bạn này lại đăng bài than thở, hoặc vài tiếng chia sẻ mấy bài viết buồn của các page khác”, chị Vy cho biết. Thấy không ai quan tâm, người này đăng bài vào cả những group liên quan đến tình yêu, hôn nhân để tìm “đồng minh”.
Kết quả, 2/3 bình luận dưới bài đăng này đều là những câu như “ở đây chúng tôi vote chia tay”, “cứ lên mạng hỏi là cư dân mạng auto kêu chia tay”. Nhẹ nhàng hơn thì có người bảo “dân mạng không rõ chuyện của bạn, làm sao tư vấn? Sao không hỏi bạn bè hoặc tự mình đi tìm câu trả lời?”.
Vì cảm thấy quá phiền phức, chị Vy đã nhấn bỏ theo dõi Facebook người này. “Hủy kết bạn thì cũng kỳ, nên tôi bỏ theo dõi để khỏi phải tiếp nhận những kiểu năng lượng tệ hại như vậy nữa”, chị nói.
Lên mạng tâm sự bị mắng nặng lời, tổn thương nhân đôi
Anh Minh Cường (29 tuổi, ở quận Bình Thạnh) cho biết mới đây xem được bài viết một cô gái lên mạng kể chuyện mình lỡ mang thai lần thứ hai nhưng bạn trai không chịu trách nhiệm. Thay vì cùng người thân tìm cách giải quyết, cô này lại lên mạng nhờ cộng đồng mạng cho lời khuyên rằng nên giữ hay bỏ thai.
Khi đọc các bình luận phía dưới, anh Cường nhận thấy không nhiều người thật sự an ủi và đưa ra lời khuyên theo ý muốn của cô gái.
Thay vào đó, khá nhiều chỉ trích nặng lời như: “Nên xem lại bản thân mình, khỏi phải hỏi làm gì. Đọc bài này bực ghê”, “Nếu lên đây hỏi rồi thì cứ đẻ, rồi lên đây người ta nuôi cho”.
Anh Cường tâm sự: “Tôi đọc rồi lướt qua chứ cũng không biết nói gì. Bản thân tôi không bao giờ lên mạng than thở. Thử đặt trường hợp cô gái đó, lên mạng xin lời khuyên còn bị chửi thêm như vậy, càng tổn thương nhân đôi”.
Nhiều người trẻ cho biết việc bày tỏ mọi thứ, nhất là những chuyện buồn của cá nhân lên mạng thường sẽ phản tác dụng, thậm chí còn tổn thương nặng hơn nếu muốn nhận được sự an ủi hay lời khuyên.
Thay vào đó, hãy nghĩ những cách khác giải quyết trực diện vấn đề của mình. Nếu muốn tâm sự, hãy tìm đến bạn bè thật sự ngoài đời hoặc người có kinh nghiệm có thể cho ta lời khuyên, giải đáp khúc mắc.
Theo chị Kim Vy, cuộc sống ai cũng sẽ có những chuyện không vui. Việc đăng lên mạng, lên các hội nhóm gần như chẳng được gì khi mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
“Mang sự tiêu cực lên mạng vừa bị xa lánh, mà lại còn trở thành đề tài để những người khác soi mói, chê trách. Chẳng ai thật sự để tâm đến đâu vì người ta cũng bận giải quyết vấn đề của bản thân.
Chưa kể nếu đi xin việc, nhà tuyển dụng nhìn vào các nền tảng mạng xã hội của bạn chỉ thấy một “rừng” tiêu cực, than thở, chửi bới xã hội như thế thì ai mà dám nhận bạn vào làm”, chị Vy nhận định.