Tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung làm tổ trưởng, với các thành viên là các lãnh đạo, chuyên viên của các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, UBND thành phố Đà Nẵng.
Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, hỗ trợ các bên liên quan về phương án đầu tư tổng thể khu bến cảng Liên Chiểu, cảng biển Đà Nẵng – phần kêu gọi đầu tư, đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực, cũng như phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, hướng dẫn chung các nhà đầu tư về hồ sơ, trình tự thủ tục trong quá trình các nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất đầu tư khu bến Liên Chiểu, cảng biển Đà Nẵng theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Các thành viên sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo phân công, tham gia đầy đủ các cuộc họp, cũng như nghiên cứu, đóng góp ý kiến chuyên môn về các vấn đề đưa ra thảo luận.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, thời gian qua, dự án Cảng Liên Chiểu đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế như tập đoàn Adani (Ấn Độ), MSC (Thuỵ Sĩ)…
Tháng 9/2024, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng Liên Chiểu. Trong đó, Đã Nẵng kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu quy hoạch khu bến Liên Chiểu với 3 bến cảng chính: Bến cảng container Liên Chiểu; Bến cảng tổng hợp, container và hàng rời Liên Chiểu; Bến hàng lỏng, khí Liên Chiểu.
Cụ thể, bến cảng container Liên Chiểu sẽ có quy mô 8 cầu cảng với tổng chiều dài 2.750m, có thể tiếp nhận tàu đến 18.000 TEU (200.000 DWT), và thêm 700m cầu cảng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5.000 tấn. Giai đoạn đến năm 2030, dự kiến phát triển từ 2 lên 4 cầu cảng, trong đó 2 cầu cảng ban đầu có khả năng đáp ứng lưu lượng hàng hóa từ 7,5 đến 11,9 triệu tấn, còn 2 cầu cảng còn lại sẽ phát triển dựa trên nhu cầu trung chuyển container quốc tế.
Bến cảng tổng hợp, container và hàng rời Liên Chiểu được quy hoạch với 6 cầu cảng, tổng chiều dài 1.550 m, có khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT và 500 m cầu cảng tiếp nhận tàu 5.000 tấn. Dự án sẽ được đầu tư và đưa vào hoạt động dần sau năm 2030 nhằm chuyển đổi công năng các khu bến Tiên Sa và Thọ Quang, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong khu vực.
Bến hàng lỏng, khí Liên Chiểu gồm 8 cầu cảng. Đến năm 2030, dự kiến xây dựng4 cầu cảng nhằm di dời các bến phao hàng lỏng hiện tại, và từ 1 đến 2 cầu cảng phục vụ kho dự trữ LNG, LPG mới tại Liên Chiểu, đáp ứng quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND TP Đà Nẵng khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng, đảm bảo công khai, minh bạch tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định liên quan. Đồng thời, chịu trách nhiệm đảm bảo tiến độ đưa các bến cảng vào khai thác hiệu quả đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang được Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng (chủ đầu tư) tổ chức thực hiện đầu tư, thi công (gồm đê chắn sóng, luồng tàu, đường vào cảng…) và dự kiến hoàn thành tháng 11/2025.
Đánh giá của Bộ GTVT, thời gian thi công, đưa vào khai thác 2 bến khởi động khu bến Liên Chiểu cho tàu container sức chở 100.000 tấn (8.000 Teu) với quy mô 750m cần khoảng 2-3 năm.
Cục Hàng hải VN được giao trách nhiệm tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời trong quá trình UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện đầu tư dự án ĐTXD Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư.