Phong trào khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn thành phố đang phát triển tích cực với đa dạng mô hình ở nhiều lĩnh vực. Trong đó có không ít mô hình khởi nghiệp ở huyện Hòa Vang được đánh giá sáng tạo, hiệu quả và lan truyền được cảm hứng đến đông đảo thanh niên.
Đón đầu xu hướng, mô hình Khu vườn trải nghiệm của anh Ngô Văn Quốc Huy chú trọng cung cấp dịch vụ cho khách nước ngoài. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Anh Ngô Văn Quốc Huy, đoàn viên thôn Túy Loan Đông 2 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mô hình “Khu vườn trải nghiệm”. Năm 2019, ý tưởng của anh được thực hiện trên diện tích 600m2 gồm một khu liên hợp kinh doanh cà phê, trồng cây và chăn nuôi (vườn – ao – chuồng), nhưng hoạt động chưa lâu thì Covid-19 ập đến, mô hình phải đóng cửa. Dù gặp nhiều khó khăn song bằng sự quyết tâm, anh tiếp tục “gầy dựng” lại khu vườn.
Anh Huy kể lại: “Năm 2018, sau khi tốt nghiệp đại học với chuyên ngành Kỹ thuật tự động hóa, tôi đi đây đó nhiều nơi để tìm hiểu, học tập các mô hình làm ăn, khởi nghiệp. Trong những ngày đầu, ý tưởng thực hiện dự án để khởi nghiệp chưa rõ ràng nên gặp những khó khăn về vốn, cách làm… Thời gian đó, tâm lý đè nặng khiến tôi gần như thấy quá sức, thậm chí có lúc bản thân đã bắt đầu nản chí. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của các bạn đoàn viên ở thôn cũng như từ xã và Huyện đoàn, dần dần tôi lấy lại tự tin và bước đi chắc chắn hơn. Qua gần 1 năm bắt tay gầy dựng, dần dần mô hình được định hình, thu hút sự quan tâm của mọi người. Từ đây, nhiều đơn vị lữ hành đã liên hệ, kết nối dẫn khách đến với khu vườn”.
Được biết, tại mô hình này, du khách được trải nghiệm nghề làm bánh tráng truyền thống Túy Loan; được tìm hiểu cách thức trồng, chăm sóc rau, quả sạch tại vườn. Học sinh các trường trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên đến tham quan, vui chơi, dã ngoại, sinh hoạt tại khu vườn. Trung bình một tháng, “Khu vườn trải nghiệm” đón khoảng 1.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tạo doanh thu cho anh gần 50 triệu đồng/tháng. Hiện tại, mô hình cũng tạo công ăn việc làm cho 15 người, trong đó có 6-10 người là thanh niên.
“Tuy mô hình mở ra thành công bước đầu, nhưng để duy trì hoạt động ổn định thì cần phải bắt kịp với xu hướng, nhất là lĩnh vực dịch vụ trải nghiệm. Vì khu vườn còn hướng đến đối tượng khách nước ngoài, do đó tôi đang tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu với bàn ghế, đồ ăn, chỗ lưu trú… Sắp tới, tôi sẽ xúc tiến với các hãng lữ hành để có thể đón đa dạng khách nước ngoài như Đức, Tây Ban Nha… vì hiện nay chỉ mới có khách đến từ Pháp tham quan mô hình”, anh Huy nói.
Còn với chị Hồ Thị Láng, thanh niên thôn Cồn Mong (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) khởi nghiệp với mô hình “Sương Ban Mai Quilling”. Chị là một thanh niên không may bị khuyết tật nhưng đã vượt lên nghịch cảnh, có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp và trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng.
Năm 2015, chị Láng đọc được thông tin tuyển sinh của chủ một cơ sở thiệp giấy xoắn và rồi chị khăn gói ra Hà Nội học nghề. Vừa học vừa làm suốt 3 năm, chị trở về Đà Nẵng nung nấu ý định khởi nghiệp với nghề làm tranh, thiệp giấy xoắn. Ban đầu, việc làm tranh giấy xoắn của chị không mấy thuận lợi vì đơn hàng ít, khiến chị thấy nản chí tính chuyện bỏ nghề. Lúc đó, nhận được sự động viên của cán bộ, các hội của địa phương và được hỗ trợ đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội, sản phẩm của chị có nhiều người biết đến hơn.
Chị Láng cho biết, để hoàn thành một tấm thiệp mừng phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, còn với một bức tranh giấy xoắn thì phải hai ngày mới xong. Sản phẩm của chị đa dạng chủ đề về phong cảnh, cây cỏ, thiên nhiên, con người… và nhờ bàn tay khéo léo tạo được sự khác biệt, nhiều khách hàng đã đặt hàng để tặng đối tác, bạn bè, người thân. Tùy theo kích thước và yêu cầu của khách hàng mà sản phẩm làm ra có giá bán khác nhau, như dòng thiệp có giá từ 30.000 – 60.000 đồng/cái, tranh giấy xoắn có giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng/bức.
Năm 2023, sản phẩm của chị đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức. Hiện tại, trung bình mỗi tháng mô hình của chị cung cấp từ 200-300 sản phẩm thiệp và doanh thu chủ yếu vào các tháng cuối năm vì trúng các đợt dịp lễ, Tết. Mô hình này cũng giúp tạo việc làm cho 1-2 chị em phụ nữ làm gia công tại địa phương.
“Thấu hiểu sự vất vả, khó khăn, dù sức khỏe có phần không cho phép nhưng tôi vẫn tham gia dạy nghề cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật ở các trung tâm hướng nghiệp trên địa bàn thành phố. Với nhu cầu đa dạng của thị trường, thời gian tới, tôi sẽ dành thời gian học hỏi, tìm tòi các sản phẩm mới về áo dài; đồng thời kỳ vọng tìm được thêm đầu ra cho sản phẩm thông qua các cửa hàng lưu niệm”, chị Láng chia sẻ.
Hằng năm trên địa bàn thành phố có nhiều cuộc thi, hoạt động khởi nghiệp được tổ chức. Thông qua các cuộc thi, chất lượng của những ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên ngày càng hoàn thiện, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn. Với mục đích hỗ trợ các thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp hiệu quả hơn, đến nay thành phố đã hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng để hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm khởi nghiệp, sử dụng các dịch vụ và sáng tạo, phát triển các dự án khởi nghiệp; có 12/19 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ với kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng; các chương trình ươm tạo được 172 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó gần 70% các dự án, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ.
TRẦN TRÚC
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202411/lan-toa-tinh-than-thanh-nien-khoi-nghiep-3993916/