Đà Nẵng tin tưởng sẽ có một làn sóng đầu tư mới, khi Trung ương trao cho thành phố này những chính sách vượt trội, đặc thù, trong đó có thành lập Khu thương mại tự do.
Việc đầu tư hình thành cảng Liên Chiểu sẽ tạo động lực cho ngành logistics Đà Nẵng phát triển |
Vận hội mới
Giữa năm 2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 (Nghị quyết 136) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Ngay lập tức, quyết sách quan trọng này đã tác động tích cực, tạo nên sinh khí mới cho sự phát triển của Thành phố.
Dù tạo lập được nền tảng, trở thành đô thị lớn của cả nước, nhưng trong hành trình vươn ra biển lớn, Đà Nẵng đối diện không ít khó khăn, khi dư địa phát triển không còn nhiều.
Theo bà Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, bên cạnh thuận lợi về vị trí chiến lược, tài nguyên biển, cảng biển, phát triển du lịch, vận tải, hàng hải, thì Đà Nẵng gặp những thách thức về nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng, quy mô kinh tế, năng lực cạnh tranh… Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế thành phố.
Theo Đề án Phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt hơn 11%, tỷ lệ thuê ngoài đạt hơn 40%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 13% GRDP.
Các trung tâm logistics tại Đà Nẵng đáp ứng khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 20% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không. Đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt hơn 15%. Các trung tâm logistics tại Thành phố đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 40% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.
Trước bối cảnh đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 136 với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội đã tạo nên sức vươn mới cho Thành phố.
Cụ thể, nghị quyết của Quốc hội trao cho Đà Nẵng 30 cơ chế, chính sách. Về tổ chức chính quyền đô thị có 9 chính sách, gồm 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã áp dụng và 2 chính sách mới. Về cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện thí điểm 21 chính sách, trong đó có 6 chính sách tương tự các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện; 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn của Đà Nẵng và 5 chính sách mới.
“Nghị quyết 136 gồm nhiều nội dung kế thừa các địa phương khác, được đề xuất cho phép áp dụng tương ứng với điều kiện thực tế của Đà Nẵng và bổ sung mới một số cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực như đầu tư, tài chính, ngân sách, quy hoạch, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông… Trong đó, có những nội dung cụ thể về Khu thương mại tự do, phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu hút nhà đầu tư chiến lược; thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…”, bà Tùng thông tin.
Với hàng loạt nội dung quan trọng, chính sách mới mà Trung ương dành cho Đà Nẵng hứa hẹn tạo nên sự thay đổi lớn trên chặng đường phát triển trong thời gian tới của Thành phố.
Đáng chú ý, với ưu đãi hấp dẫn, Đà Nẵng hướng đến thu hút các nhà đầu tư chiến lược, với những dự án có vốn khủng. Ví dụ ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đào tạo. Thu hút đầu tư dự án kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng, bao gồm Khu thương mại – dịch vụ có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; trung tâm logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu; Khu sản xuất có quy mô vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến cảng biển Liên Chiểu, có quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỷ đồng trở lên…
Đà Nẵng đã ban hành danh mục các dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; xây dựng các nội dung xúc tiến thu hút nhà đầu tư chiến lược; đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư và quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong số những nhà đầu tư được xác định đáp ứng đủ điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược.
“Nghị quyết 136 của Quốc hội mở ra vận hội mới cho Đà Nẵng, đưa Thành phố phát triển nhanh và bền vững trong chặng đường tới. Việc thực hiện thành công sẽ là tiền đề để nhân rộng và luật hóa trên phạm vi cả nước, các địa phương khác cũng sẽ có cơ hội triển khai các cơ chế, chính sách như Đà Nẵng đang thí điểm hiện nay”, bà Tùng chia sẻ.
Sức bật cho logistics
Cơ chế mở của Trung ương kích hoạt sự phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của Đà Nẵng, đặc biệt là ngành logistics.
Sự ra đời của Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt sẽ cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không.
Khu thương mại tự do cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn, tạo sự nhộn nhịp trong lưu thông hàng hóa qua cảng Đà Nẵng. Việc hình thành Khu thương mại tự do giúp Đà Nẵng khơi thông các nguồn lực, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố cũng như vùng động lực miền Trung.
Tiền đề quan trọng để Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics khu vực là đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Với ý nghĩa đó nên kể từ lúc khởi công, liên danh nhà thầu xây dựng cảng Liên Chiểu là Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO – Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Quang tập trung toàn lực để thi công dự án trọng điểm này. Hiện bến cảng Liên Chiểu – phần hạ tầng dùng chung, đạt hơn 70% tiến độ, sẽ về đích trong năm 2025.
Hợp phần quan trọng khác để hoàn thiện cảng Liên Chiểu là phần kêu gọi đầu tư, với số vốn khoảng 48.304 tỷ đồng, để xây dựng 8 bến container, 6 bến cảng tổng hợp, bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng… Hiện phần kêu gọi đầu tư này thu hút sự quan tâm của những “đại bàng” về phát triển cảng biển trên thế giới. Sau đề xuất của Tập đoàn ADANI (Ấn Độ), Sumitomo (Nhật Bản), mới đây, liên danh Tập đoàn APM Terminal và Tập đoàn Hateco là nhà đầu tư tiếp theo gửi hồ sơ quan tâm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Các nhà đầu tư này đều cam kết, sẽ tạo nguồn hàng và biến Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng.
Ngoài ra, Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt giải pháp phát triển dịch vụ logistics, từ cảng biển, hàng không, đến đường sắt. Thời gian tới, Thành phố kêu gọi đầu tư 10 dự án trung tâm logistics, gồm 1 trung tâm logistics cấp vùng, 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không và 8 trung tâm logistics cấp tỉnh. Trong đó Trung tâm Logistics cảng Liên Chiểu là trung tâm cấp vùng, hạng I với quy mô đến năm 2023 là 30-35 ha, đến năm 2050 đạt 65-70 ha. Trung tâm Logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, cung ứng dịch vụ logistics hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4-5 ha, đến năm 2050 là 8-10 ha. Trung tâm Logistics Hòa Phước là trung tâm cấp tỉnh, quy mô đến năm 2030 là 5 – 7 ha, đến năm 2050 là 10 – 15 ha…
Để phát triển logistics bằng đường sắt, Thành phố sẽ di dời ga Đà Nẵng hiện tại ra khỏi nội đô theo hướng chuyển ga hàng hóa, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt ra ga Kim Liên (quận Liên Chiểu). Giai đoạn I của Dự án ga Kim Liên hiện tại sẽ được nâng cấp đáp ứng 350.000 tấn hàng hóa và 1,5 triệu lượt khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến 2.115 tỷ đồng…
UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ triển khai phương án kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics, thu hút các dự án logistics vào khu dịch vụ hậu cần thuộc khu công nghệ cao, các khu công nghiệp. Đồng thời mời gọi những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao nhận vận tải trọn gói tích hợp quốc tế đặt tổng kho giao nhận tại Thành phố, phát huy ưu thế vai trò trung chuyển của Đà Nẵng.
Với quyết sách quan trọng của Trung ương và những chuyển động tích cực để hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu sẽ tạo sức bật lớn cho ngành logistics. Đà Nẵng đang tiến nhanh đến mục tiêu trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước và là đầu mối logistics quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://baodautu.vn/ky-vong-lan-song-dau-tu-moi-vao-da-nang-d229883.html