Tròn 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 – 19-8-2023), hào khí của những ngày thu lịch sử vẫn vang mãi trong ký ức của dân tộc ta. Cùng với các địa phương khác, những ngày khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa thu năm ấy ở Đà Nẵng cũng sục sôi, hào hùng. Ngày nay, tại thành phố bên sông Hàn, vẫn còn một số địa chỉ đỏ gắn liền với giai đoạn lịch sử đầy tự hào ấy của quân và dân Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Châu đọc lưu bút của các chí sĩ yêu nước tặng cho ông nội Nguyễn Văn Tùng – người mở ra Trường tư thục Cự Tùng tại Đà Nẵng. Ảnh: X.D |
Trường tư thục đầu tiên ở Trung Kỳ
Nằm im lìm sau dãy phố sầm uất, ít ai biết rằng ngôi nhà số 52 Trần Bình Trọng (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) trước đây từng là trường tư thục đầu tiên ở Đà Nẵng cũng như xứ Trung Kỳ. Hơn 100 năm trước, căn nhà này là Trường Cự Tùng, của ông Nguyễn Văn Tùng – còn gọi là ông Cự Tùng, một thương gia giàu có, nay thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Châu (cháu nội ông Tùng) và bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp. Kể về lịch sử một cách đầy tự hào, ông Nguyễn Văn Châu (80 tuổi) cho biết, dù là thương gia, nhưng ông nội của ông tìm cách kết giao với các chí sĩ yêu nước lúc bấy giờ như: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…
Trong quá trình này, ông Tùng xác định được rằng, tri thức là cái cần nhất cho xã hội lúc bấy giờ nên quyết định lập nên trường tư thục Cự Tùng để dạy chữ quốc ngữ từ lớp 1 đến lớp 5. Không chỉ dạy học, đây còn là nơi hoạt động cách mạng bí mật và che chở cho các chí sĩ yêu nước như: Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Văn Hiến…
Theo lời kể của ông Châu, tháng 6-1927, ban vận động thành lập Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Quảng Nam chuyển hoạt động về Đà Nẵng. Nhờ sự giới thiệu của đồng chí Lê Văn Hiến (lúc này làm việc ở Bưu điện Đà Nẵng), đồng chí Đỗ Quang được về dạy tại Trường Cụ Tùng. Tiếp nối đồng chí Đỗ Quang là các đồng chí như Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung cũng hằng ngày đến đây học và bí mật hoạt động cách mạng. Những năm 1925-1930, ông Cự Tùng là một trong hai người Việt nằm trong Hội đồng thành phố Đà Nẵng nên rất có uy tín, vì vậy, việc hoạt động cách mạng của các chí sĩ yêu nước ở Trường Cự Tùng diễn ra suôn sẻ, không bị chính quyền Pháp phát hiện.
Tháng 9-1927 tại Trường Cự Tùng, chi bộ của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Nam được thành lập do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Kinh phí hoạt động của hội chủ yếu là tiền đóng học phí của học sinh Trường Cự Tùng. Hội hoạt động được hai năm, đến năm 1929, Tỉnh bộ Quảng Trị bể vỡ, thực dân Pháp khủng bố vào Đà Nẵng, đồng chí Đỗ Quang bị Pháp bắt đi đày ở Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Trường Cự Tùng phải đóng cửa nhưng vẫn âm thầm trở thành trụ sở bí mật của Tỉnh bộ hội. Cuối năm 1945 khi cách mạng nổ ra, lo sợ người Pháp trả thù, ông Cự Tùng đưa gia đình tản cư lên Trung Phước (nay thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hai năm sau ông mất do bạo bệnh.
Ngày nay, căn nhà số 52 Trần Bình Trọng được vợ chồng ông Châu làm nhà thờ tổ tiên và các chí sĩ yêu nước. Trong nhà treo trang trọng một tấm liễn bằng gỗ khảm 4 chữ vàng “Khang dân hộ quốc”, mà theo ông Châu, dòng chữ này là lý tưởng cả đời của ông Cự Tùng: “làm cho dân giàu, bảo vệ đất nước”. Ngoài ra, trong nhà còn lưu giữ bút tích của cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và Ngô Đức Kế viết tặng vợ chồng ông Cự Tùng. Hiện nay, ngôi nhà 52 Trần Bình Trọng đang được gắn biển di tích nằm trong diện bảo vệ.
Một hiệu sách cách mạng
Nếu đi bộ dọc về phía chợ Hàn, để ý sẽ thấy trên bức tường phía trước ngôi nhà số 114 Bạch Đằng (quận Hải Châu) có gắn một biển di tích bằng đá màu đen, khắc chữ màu vàng với nội dung: “Tại đây, từ năm 1936-1940, Đảng Cộng sản Đông Dương đã mở hiệu sách Việt Quảng làm nơi trung tâm hoạt động cách mạng. Trong thời gian trên, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh và nhiều đồng chí khác đã từng đến hiệu sách này”. Dù bây giờ, nơi đây chỉ còn lại một tấm bia đá với nội dung ngắn gọn như trên, song hơn 80 năm trước, hiệu sách Việt Quảng từng là cơ quan của lực lượng công khai, hợp pháp, đồng thời là đầu mối chỉ đạo các cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Quảng Nam – Đà Nẵng.
Theo Bảo tàng Đà Nẵng, cuối năm 1936, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại và chọn Đà Nẵng làm nơi đứng chân hoạt động. Lúc này, tình hình chính trị có nhiều thuận lợi khi Mặt trận nhân dân ở Pháp với Đảng cộng sản làm nòng cốt giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, Chính phủ Phái tả lên cầm quyền, ông Léon Blum làm Thủ tướng, có chính sách nới lỏng ách thống trị ở các nước thuộc địa, phóng thích nhiều tù chính trị, trong đó có các đồng chí ở Đà Nẵng như: Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Thái Thị Bôi… Đây chính là những đồng chí trong ban sáng lập hiệu sách Việt Quảng để vừa làm công tác tuyên truyền, cơ quan liên lạc của Đảng, vừa làm tài chính.
Trên mặt trận tuyên truyền, hiệu sách Việt Quảng là đại lý sách báo cách mạng của tỉnh, thu hút khách hàng ở khắp các phủ, huyện. Sách báo nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần và vũ khí đấu tranh của quần chúng cách mạng. Từ đó, tiếng nói của Đảng được truyền bá rộng rãi, kịp thời, các tầng lớp nhân dân hiểu được thời cuộc. Trong công tác tài chính, Việt Quảng là một trong 3 cơ sở ở Quảng Nam – Đà Nẵng (cùng với lò chén Việt An và chiếc xe chở khách của Ba Chung) hoạt động tài chính cho Đảng.
Bên cạnh đó, Việt Quảng còn làm đại lý cho hiệu thuốc Đông Tây Y viện (Hà Nội), hiệu đồ gỗ Thái Yên (Vinh), Rượu Dâu (Quảng Bình), sản phẩm của lò chén Việt An và mở rộng sang kinh doanh nông sản, ngày một thịnh vượng. Nơi đây cũng trở thành nơi ăn ở, trao đổi công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đồng chí trong Nam, ngoài Bắc qua lại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, thuận lợi không kéo dài lâu, hiệu sách Việt Quảng bắt đầu gặp khó khăn do phản kích của nhà đương cục thực dân. Việt Quảng lúc này là cái gai trong mắt chúng nên chúng tìm mọi cách để phá hoại, cắt đứt việc ứng tiền thu mua nông sản. Cũng trong thời gian này, đồng chí Thái Thị Bôi lâm bệnh nặng và không may qua đời vào đầu năm 1938. Việt Quảng ngày càng khó khăn nên phải chuyển đến nhiều địa điểm khác để hoạt động và đổi tên thành Việt Quang.
Nếu Việt Quảng lúc đầu có tiếng vang lớn về mặt kinh tế thì Việt Quang lại trội về mặt chính trị với các hoạt động như phong trào truyền bá quốc ngữ, phong trào Đông Dương đại hội… Đầu năm 1940, Sở mật thám khám xét Việt Quang, nhưng nhờ phân tán tài liệu kịp thời nên Pháp không phát hiện được gì. Tháng 5-1940, thực dân Pháp ở Đà Nẵng bắt Lê Văn Hiến và Nguyễn Sơn Trà, tháng sau bắt Đoàn Bá Từ đày đi Kon Tum, ra lệnh đóng cửa hiệu sách Việt Quang, kết thúc quá trình hoạt động của một hiệu sách cách mạng vang danh xứ Trung Kỳ.
Ký ức ngày Đà Nẵng giành chính quyền
Theo một số tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng, cuối tháng 5-1945, sau khi nhận được “Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị Tỉnh ủy mở rộng và quyết định kiện toàn Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh. Thời gian này, phong trào cách mạng trong cả nước lên cao. Ở Đà Nẵng, hầu hết các lò rèn được trưng dụng ngày đêm rèn sắm vũ khí, tự vệ. Nhân dân được lệnh may sắm băng, cờ, chuẩn bị giáo, mác sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa.
Ngày 15-8-1945, khi Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, lực lượng quân Nhật từ Bình Định đến Quảng Nam gom dồn về Đà Nẵng, số lượng lên đến 5.000 tên. Thông qua cơ sở, viên tư lệnh quân Nhật muốn tìm gặp đại diện của Việt Minh để bảo đảm sự an toàn. Đồng chí Lê Văn Hiến được cử tới thương lượng, yêu cầu quân Nhật án binh bất động, không can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Ngược lại, ta sẽ liên lạc với lực lượng cách mạng ở Quảng Ngãi đề nghị chấm dứt tấn công quân Nhật. Nhờ sách lược phân hóa và trung lập quân Nhật, việc giành chính quyền ở Đà Nẵng chủ yếu dựa vào sức mạnh chính trị của quần chúng trên hình thức lập chính quyền cách mạng bằng những cuộc mít-tinh ra mắt UBND cách mạng lâm thời ở từng khu vực, không biểu dương lực lượng một cách rầm rộ.
Đúng 8 giờ sáng 28-8-1945, khi tiếng còi tầm thành phố vừa cất lên, tất cả các cơ sở, nhà máy đều bị Việt Minh đột nhập, chiếm lĩnh, treo cờ, giăng biểu ngữ, tập hợp công nhân, viên chức đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền điều hành cũ, thiết lập trật tự mới của cách mạng. Các đội tự vệ được phân công canh gác, bảo vệ các trụ sở. Đến 9 giờ sáng, cờ đỏ sao vàng treo ngập khắp thành phố báo tin mảnh đất “nhượng địa” từ đây trở về với Tổ quốc Việt Nam độc lập.
Tại Tòa đốc lý, đồng chí Lê Văn Hiến nhân danh Chủ tịch UBND thành phố, có lực lượng vũ trang hộ tống tiến vào cổng chính, tiếp nhận con dấu và hồ sơ của đại diện chính quyền bù nhìn trao lại cho chính quyền cách mạng; cả thành phố vỡ oà niềm vui. Dòng người từ khắp nơi đổ về trung tâm thành phố ăn mừng thắng lợi, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Từ đây, Đà Nẵng bước vào thời kỳ mới với tên gọi Thành Thái Phiên, cùng chung niềm vui tự do, độc lập với cả nước.
KHÔI NGUYÊN