Ngày 11-8-1859, Đô đốc Page thay thế Rigault de Genouilly chỉ huy liên quân đánh vào pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng và Hải Vân quan.
Chiến trận ở Đà Nẵng tháng 9-1858. (Nguồn: Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp) |
Lúc 4 giờ sáng ngày 18-11-1859, Page ra lệnh cho các chiến hạm Némésis, Phlégeton cùng các tàu Tây Ban Nha và một tàu hải vận tiến về phía tây bắc Đà Nẵng, mục tiêu của chúng là trạm Nam Chân, pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng và Hải Vân quan. Ý đồ của Page là “nhổ hết các đồn ở phía tây bắc vịnh Đà Nẵng, đang áng ngữ tuyến đường đi Huế. Con đường này đi men theo vịnh Đà Nẵng rồi lên dốc tới đỉnh đèo, tại đây, có một pháo đài án ngữ (đồn Chân Sảng). Khi ta chiếm các đồn nằm về phía tây vịnh, ta sẽ cắt đứt việc liên lạc ở đây với kinh đô Huế”.
Về sự kiện này, Châu bản ngày 26-10 năm Tự Đức thứ 12 (tức 20-11-1859) cho biết: “Ngày 24 tháng này, thuyền quân Pháp vụt kéo đến pháo đài Định Hải và đồn Chân Sảng. Quân địch chia nhau bắn bừa vào đồn”. Quân ta ở đồn Chân Sảng đã bắn đại bác trúng đích chiến hạm Némésis do Page trực tiếp chỉ huy, y thoát chết nhưng trung tá Duppré Déroulède và một số lính thiệt mạng: “Ông Déroulède Dupré – Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đội công binh, đã bị đạn bắn đứt rời thành hai mảnh bên cạnh Đô đốc. Chỉ huy tàu chiến, ông Barry bị thương ở thái dương phải; hai chuẩn úy là Waldner và Fitz James bị mảnh vỡ của gỗ rơi trúng, một người bị trúng ở tay, người còn lại bị trúng ở đầu. Một nửa đội bị thương và một phần tư đội bị tử trận”.
Một ghi chép khác của người Pháp nói rõ hơn: “Đồn thứ nhất bằng tre của Nam quân bị lửa thiêu, nên chỉ bắn được 4 quả đạn, nhưng bất hạnh thay viên đạn thứ ba đã trúng vào thiếu tá công binh Déroulède và thân hình bị đứt làm đôi, thi thể ông được đặt trên sân tàu, trên phòng thuyền trưởng cạnh Đô đốc nên Đô đốc bị dính đầy máu. Cũng chính viên đạn này đã giết chết viên thủy thủ cầm lái và làm bị thương hai chuẩn úy hải quân và mấy thủy thủ nữa. Pháo đài bắn đạn đá ngừng bắn. Đạn của ta đốt cháy đồn bằng tre, kho thuốc súng nổ tung, Nam quân bỏ chạy. Quân lính đổ bộ song không tìm thấy một tên lính nào còn ở trong đồn, trừ đồn Gò Cao lính Tây Ban Nha bắt được 3 tù binh, chiếm giữ 5 khẩu pháo 24 ly bằng sắt đã rỉ, còn đồn bằng tre trang bị 3 đại bác cỡ nhỏ 12 ly và một vài khẩu súng bắn đá. Làng Nam Chơn (Kien Chan?) còn nguyên vẹn, do cấm không được đốt”.
Mất pháo đài Định Hải và đồn Chân Sảng, đường “quan báo” Hải Vân bị phong tỏa, vua Tự Đức cho rằng: “Quân Tây dương bắn phá pháo đài Định Hải và chiếm giữ đồn Chân Sảng. Đường ải Hải Vân bị nghẽn” nên “sai thống chế Nguyễn Trọng Thao sung chức đề đốc quân vụ, đem Phó vệ úy Nguyễn Hợp, quản cơ Phạm Tân mang 300 lính tuyển phong chống đánh. Vua dụ rằng: Pháo đài Định Hải là chỗ xung yếu, đồn Chân Sảng lại là đường quan báo tất phải đi qua, nên đánh dẹp cho chóng đi, để đi lại cho tiện. Hoặc đem súng lớn mà bắn hoặc báo cho quân đóng ở đồn Cu Đê cùng đánh, cốt làm sao cho dẹp yên đường ấy”.
Sau khi đánh chiếm, người Pháp đặt tên như sau: Pháo đài Định Hải do quân Tây Ban Nha đồn trú, đặt tên là pháo đài Isabelle II; đồn Chân Sảng bị quân Pháp chiếm đóng, đặt tên là pháo đài Kien-Chan. Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, dấu vết còn lại chỉ là những vết tích của gạch đá vương vãi, khi quân Pháp phá hủy pháo đài trước khi rút đi. Vị trí trạm Nam Chân, mà người Pháp đặt tên là “ngôi chùa có công sự (pagode fortifiée)” (cho thấy vòng thành hiện vẫn còn như ta thấy, tức bờ lũy đá bao quanh dạng hình chữ nhật với diện tích khoảng 1ha, nằm gần chân núi phía nam làng Hòa Vân và sát biển). Riêng đồn Chân Sảng, có lẽ nằm trên sườn núi phía bắc làng Chân Sảng, lệch về phía tây so pháo đài Định Hải đã bị liên quân Pháp-Tây Ban Nha phá hủy trước khi rút quân về khu vực Sơn Trà vào ngày 29-2-1860.
Để khắc phục tình hình quân Pháp phong tỏa đèo Hải Vân trạm Nam Chơn không sử dụng được, vua Tự Đức sai gấp rút thiết lập con đường thư tín mới qua đèo Hải Vân nhưng vẫn cố gắng giữ liên lạc tuyến đường cái quan đồn Chân Sảng – ải Hải Vân. Bởi: “Từ khi quân Pháp chiếm đồn Chân Sảng, đường quan lộ cách trở không thông. Nay muốn chiếm giữ con đường mới ắt phải theo bến nguồn Câu Đê qua các xã Quan Nam, Đà Sơn. Thế mà Quan Nam ở miền thượng du hết sức quan yếu, muốn thông con đường ấy tất phải giữ miền này.
Lệnh cho quân thứ lập tức tuân theo dụ trước, phái một viên có tài cùng Trần Đình Túc nhanh chóng đem theo quân tinh nhuệ đến hai đồn Câu Đê, Hóa Ổ xét kỹ hình thế, nếu có thể giữ thì tăng cường tu sửa cho được hoàn toàn vững chắc để đề phòng xâm lấn. Lại đến vùng Quan Nam chọn địa thế đặt một hai đồn lũy phái quân đặt pháo phòng bị nghiêm ngặt…”. Và chỉ dụ rằng: “Còn đường bộ nơi nào có thể thông với đồn Chân Sảng, hoặc dùng gỗ đá hoặc cây gai lấp chặt đi để bảo vệ. Còn đối với các đồn Định Hải, Chân Sảng, không kể ngày đêm, nên phái quân đến quấy phá, khuếch trương thanh thế khiến quân giặc không biết nhiều ít, mỏi mệt vì phòng bị không dám rời đi”.
Về phía ta, nhiều binh lính và nghĩa sĩ hy sinh trong trận này, được quy tập về chôn tại nghĩa trủng Nam Ô ngay sau đó. Tại Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) hiện nay, hiện cũng còn một khu nghĩa trủng. Tại đây có một ngôi miếu nhỏ, trong có một bàn thờ, phía trước có hình hai con ngựa trắng, vốn được xem là Bạch long thần mã – biểu tượng gắn với thánh nhân, người anh hùng. Trong ngôi miếu nhỏ là tấm bảng đá khắc công đức và ghi tên những người đã góp tiền trùng tu khu mộ âm linh và nghĩa trủng này.
Theo các cụ cao niên tại địa phương, đây là nơi chôn cất những nghĩa sĩ tham gia đánh trận Chân Sảng vào ngày 18-11-1859. Hằng năm, lễ giỗ những người anh hùng nghĩa sĩ vẫn được làng đều đặn tổ chức. Bài văn tế có hồi đầu thế kỷ XX, do ông Khóa Phương (tức Trần Thúc Hưng) viết vào dịp làng dời nghĩa trủng về nơi mới, có nhiều đoạn rất bi tráng, khắc họa hình ảnh người nghĩa sĩ đánh Pháp, vì nước quên thân trong cuộc chiến tranh 1858-1860: “Hỡi ôi! Cỏ áu bóng tà/Quê người đất khách/Mấy dặm ba cù liễu mạch/cuộc biển dâu thấy cũng đau lòng”, “Có kẻ sanh vi thượng tướng/đội trời đạp đất đã trải mùi nồng đạn chín châu”, đã hy sinh để lại vợ con: “Kiếp hồng nhan sao khéo mong manh/Xuân gãy nửa chừng nghe cũng tủi/Cảm cho kẻ phất phơ đầu bạc/Nào chồng con đâu tá, một manh chiếu đất màn trời…”.
Theo chúng tôi, ngành văn hóa Đà Nẵng hiện nay cần chú ý hơn nữa việc nâng cấp, trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử liên quan đến cuộc chiến 1858-1860, nhất là các di tích: nghĩa trủng Phước Ninh, Hòa Vang, Nghi An, Nam Ô…, nơi những nghĩa sĩ đã hy sinh trong buổi đầu đánh Pháp.
Cần xem xét đưa tất cả các di tích lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng vùng tây bắc Đà Nẵng, nhất là các di tích nằm trên con đường Thiên lý xưa gồm: Hải Vân quan, đồn Chân Sảng, pháo đài Định Hải, trạm Nam Chơn, tấn Cu Đê, trạm Nam Ô, nghĩa trủng Nam Ô vào hệ thống di tích cấp thành phố; cùng với đó chú trọng và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên con đường Cái quan (đường Thuộc địa, tức đường đèo Hải Vân hiện nay) gồm di tích Đồn Nhất, các di tích ba lần chiến thắng trên đèo Hải Vân… tạo thành tuyến du lịch “những con đường lịch sử” vùng tây bắc Đà Nẵng, tạo không gian du lịch mới lạ, thú vị cho du khách bốn phương. Khẩn trương bảo vệ, xây dựng hồ sơ cho di tích trạm Nam Chân để đưa vào quản lý kịp thời, bởi đây là “trạm” duy nhất còn sót lại khá nguyên vẹn của con đường Thiên lý Bắc – Nam trên bình diện cả nước ta thời các vua Nguyễn.
Cần đầu tư nghiên cứu, khảo sát các nguồn tư liệu Hán Nôm, tư liệu tiếng Pháp và khảo sát điền dã trạm Nam Chân cũng như pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng, nghĩa trủng Nam Ô… để chuẩn bị tích cực cho việc trưng bày, giới thiệu các di vật, hiện vật liên quan cho du khách tham quan, chúng sẽ đóng góp rất nhiều cho việc quảng bá du lịch, hình ảnh, lịch sử, văn hóa con người Đà Nẵng xưa.
LƯU ANH RÔ
Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký
Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng