Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), diễn ra từ ngày 14-17-11-2023 tại San Fransisco, Hoa Kỳ. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ cùng các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực, đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.
Ảnh: AFP |
APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động.
Xác định APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện của đất nước, ngay từ sớm tiếp theo việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) năm 1996, Việt Nam đã gia nhập APEC năm 1998.
Nhìn lại chặng đường 1/4 thế kỷ là thành viên APEC của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá: quyết định gia nhập APEC năm 1998 là một quyết định chiến lược trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đặt nền tảng cho hội nhập toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cũng như của khu vực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, dấu ấn Việt Nam tại APEC được thể hiện trên ba phương diện: Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà các Năm APEC vào các năm 2006 và 2017; một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực; đã khẳng định vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC thông qua đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn.
Hai Hội nghị Cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá hết sức thành công, đạt những kết quả quan trọng, có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với Diễn đàn APEC cũng như hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm APEC 2006, Việt Nam ghi dấu ấn với Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện các mục tiêu Bogor về Tự do hóa Thương mại và Đầu tư; lần đầu tiên APEC thông qua ý tưởng hình thành Khu vực Thương mại Tự do khu vực châu Á-Thái Bình Dương, định hướng tổng thể về cải cách APEC.
Năm 2017, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC. Đây là kết quả thể hiện cách tiếp cận dài hạn, tổng thể của Việt Nam, được các thành viên ủng hộ và đánh giá cao, từ đó làm nền tảng để APEC thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040, xác định các định hướng, mục tiêu chiến lược và ưu tiên hợp tác của APEC trong giai đoạn mới.
“Thành công của các Năm APEC 2006 và APEC 2017, cùng những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam tại Diễn đàn đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, tranh thủ tối đa các cơ hội, nguồn lực từ hợp tác APEC và các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế khu vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington (Hoa Kỳ), ông Matt Murray, quan chức cấp cao Vụ Đông Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam là một đối tác thực sự quan trọng với Hoa Kỳ trong APEC, khi đóng góp vào tất cả những nỗ lực và quy trình làm việc khác nhau trong suốt năm APEC.
“Hiện tại, Hoa Kỳ đang có sự quan tâm đặc biệt đến vai trò, vị trí của Việt Nam trong việc duy trì chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Hoa Kỳ và các thành viên đã và đang tiến hành một số cuộc họp và thảo luận khác nhau trong khuôn khổ APEC về cách thức đảm bảo chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt hơn và Việt Nam thực sự đóng một vai trò to lớn tại đây”, ông Murray cho hay.
Năm 2023 đánh dấu 30 năm kể từ Hội nghị Các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đầu tiên được tổ chức tại Đảo Blake, Hoa Kỳ (1993 – 2023). Năm nay cũng là năm Diễn đàn triển khai rà soát việc thực hiện Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Theo đó, các thành viên sẽ báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch ở cả 3 trụ cột: thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo; tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”, APEC 2023 tập trung vào ba ưu tiên. Đó là: Kết nối – xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; đổi mới sáng tạo – thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; bao trùm – củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.
APEC hiện là cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, nơi chiếm 38% dân số, 62% GDP và gần 50% thương mại thế giới. Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, liên kết kinh tế quốc tế và khu vực chuyển đổi sâu sắc; các rủi ro, thách thức đan xen với những cơ hội lớn cho hợp tác và phát triển, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp. Do đó, đây là thời khắc đòi hỏi các thành viên APEC cần tăng cường đối thoại, hợp tác, biến những thách thức thành cơ hội để phục hồi và phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và kết hợp các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, từ ngày 14-17-11-2023 có ý nghĩa quan trọng. Đây là một trong những một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời là dịp để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực, cũng như hợp tác song phương với các nền kinh tế hàng đầu thế giới vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng.
Theo TTXVN