Thời điểm cuối năm âm lịch, nhu cầu tiêu dùng của thị trường về sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao so với ngày thường. Do đó, ngành nông nghiệp cùng các đơn vị triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại lò mổ, kiểm dịch động vật nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm.
Khách hàng mua hàng hóa tại siêu thị GO – Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng (thuộc Chi cục Nông nghiệp), toàn thành phố hiện có 8 cơ sở chế biến, mổ gia súc, gia cầm được phép hoạt động. Trong đó, quận Liên Chiểu có 2 cơ sở, Cẩm Lệ có 3 cơ sở và huyện Hòa Vang 3 cơ sở; với số lượng gia súc, gia cầm đưa vào lò mổ trung bình đêm khoảng 48-55 con bò, 1.240-1.350 con heo và 5.500-5.800 con gia cầm.
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Cụ thể, số lượng bò tăng hơn trước từ 15-20 con/đêm, heo tăng từ 400-500 con/đêm, gà tăng từ 1.000-1.200 con/đêm. Từ ngày 16-28 tháng Chạp âm lịch dự kiến số lượng heo đưa vào lò mổ tăng từ 900-1.000 con/đêm. Trung tâm chú trọng việc kiểm soát lò mổ bảo đảm đúng quy trình; xây dựng và triển khai kiểm tra việc chấp hành yêu cầu vệ sinh thú y định kỳ với các cơ sở được phép hoạt động nhằm hướng dẫn khắc phục các tồn tại và vấn đề vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cũng như giám sát chặt chẽ việc nhập động vật vào thành phố.
Ông Trần Thanh Đát, Phó Ban Quản lý chợ Đống Đa (quận Hải Châu) cho biết, các tiểu thương ngành hàng thịt gia súc, gia cầm tại chợ được cập nhật thường xuyên về số lượng kinh doanh thực tế để hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi cụ thể. Ban quản lý chợ yêu cầu các mặt hàng tươi sống phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, hàng phải có tem, dấu kiểm soát thú y; mặt hàng đông lạnh phải có bao bì, nhãn hiệu của người sản xuất hoặc người chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa; các hộ tiểu thương ký cam kết thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổ bảo vệ của chợ cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ phối hợp lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm và xử lý, báo cáo kết quả kịp thời. Đồng thời tuyên truyền trên loa phát thanh nội bộ trong chợ để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, tiểu thương kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, từ ngày 16-12-2024 đến hết 22-2-2025, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành từ tuyến thành phố đến phường, xã; trong đó tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng cũng như tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán có yếu tố nguy cơ cao.
Theo đó, tuyến thành phố thành lập 3 đoàn liên ngành thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố như: kinh doanh thực phẩm tươi sống, sản xuất kinh doanh chả các loại, sản xuất bò khô, mực khô, cơ sở sản xuất bánh, kẹo mứt các loại… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tiệc chiêu đãi cuối năm. Tuyến quận, huyện, phường, xã theo hướng dẫn tiến hành thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Nguyễn Tấn Hải thông tin: “Để bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm thịt, gia súc, gia cầm nói riêng thì ban quản lý triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra đến tuyên truyền bằng nhiều hình thức, ứng dụng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Bên cạnh đó, về phía người dân nên chọn mua sản phẩm chất lượng, có dấu kiểm dịch thú y và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở uy tín, đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Không sử dụng sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu hư hỏng; bảo quản các sản phẩm thịt đúng hướng dẫn của nhà cung cấp và cơ quan chuyên môn… Ban quản lý sẽ tiếp tục tăng cường ra quân và phối hợp đoàn liên ngành kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn thành phố”.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Nông nghiệp thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, chi cục đã quán triệt và yêu cầu cán bộ, nhân viên giám sát chặt chẽ việc nhập động vật vào các cơ sở mổ, chế biến; xây dựng kế hoạch, tập trung nhân lực, tăng cường cán bộ chuyên môn phục vụ công tác kiểm dịch, kiểm soát mổ, kiểm tra vệ sinh thú y…
Chi cục đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở mổ gia súc, gia cầm và các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn thành phố nghiêm túc tuân thủ quy trình kiểm soát, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định. Mặt khác, yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, rà soát các hạng mục, nhà xưởng để nhanh chóng khắc phục các hư hỏng, xuống cấp bảo đảm vệ sinh trong quá trình mổ, chế biến; kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ, bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường. Các cơ sở cũng cần thường xuyên tổ chức diệt côn trùng, chuột, không để động vật vào khu vực lò mổ; tăng cường vệ sinh tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
TRẦN TRÚC
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202501/kiem-soat-chat-che-san-pham-gia-suc-gia-cam-dip-tet-nguyen-dan-3998745/