Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi trao tặng bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác ngành
Năm 2024, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục duy trì việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tuần, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh lân cận để kết nối giải quyết việc làm. Qua đó, giải quyết việc làm trong nước trên 36.868 lao động (đạt 102,4% kế hoạch năm), trong đó xuất khẩu lao động đạt 1.018 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 3,2%. Tỷ lệ việc làm tăng thêm là 4,5%; tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 57,3%. Tuyển mới 35.329 học sinh, sinh viên (đạt 100,94% so với kế hoạch năm), trong đó trình độ cao đẳng 6.641 sinh viên, trình độ trung cấp 3.638 học viên.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố tăng cường thực hiện việc thẩm định và giải ngân các dự án cho vay vốn giải quyết việc làm, duy trì và tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Hiện nay, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đang quản lý, điều hành là 3.577.299 triệu đồng, trong đó cho vay đến cuối tháng 12/2024 là 1.536.177 triệu đồng với 22.440 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho 22.481 lao động, bình quân mỗi lao động được vay hơn 68 triệu đồng.
Sở đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác giảm nghèo như: Ưu tiên thực hiện các chính sách, trợ giúp người nghèo về giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây mới, sửa chữa nhà ở… giúp người yếu thế vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền phòng chống ma túy, giáo dục sức khỏe, pháp luật, đội hình đội ngũ, kỹ năng phòng tránh tái nghiện cho 630 học viên, gặp mặt trao đổi để gia đình học viên năm bắt tình hình sức khỏc, quá trình cai nghiện, rèn luyện của con em mình; từ đó động viên, giúp đỡ học viên ổn định tư tưởng, an tâm cai nghiện. Thường xuyên hướng dẫn và tổ chức cho học viên lao động trị liệu, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng cảnh quan môi trường.
UBND các xã, phường đã lập hồ sơ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 50 người; nâng tổng số người được cai nghiện lên 80 người, cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện cho 34 người; 18 người tái nghiện đưa đi cai nghiện tập trung, 03 người đi tù.
Toàn thành phố có 472 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú; có việc làm 239 người. UBND các xã, phường đã hỗ trợ sinh kế, tự học nghề theo Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 của HĐND thành phố quy định nội dung, mức chi và chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho 34 người với tổng số tiền 340 triệu đồng. Ngoài ra, UBND các quận, huyện đã lập hồ sơ, hỗ trợ người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có thời gian sau cai nghiện đủ 05 năm trở lên không tái sử dụng trái phép chất ma túy cho 23 người, với số tiền 230 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất cộng đồng gặp khó khăn, chưa thực hiện do vướng về nội dung, cơ chế xử lý. Tình trạng lang thang, xin ăn biến tướng ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi địa bàn, phương thức hoạt động gây khó khăn trong công tác kiểm tra xử lý. Do cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện tại cộng đồng, chưa phát triển đồng bộ nên việc tiếp cận các dịch vụ này tại cộng đồng còn hạn chế. Một số người sau cai nghiện thiếu ý thức tự giác, không ít đối tượng tìm mọi cách để che giấu bản thân, không định hướng được mục tiêu phấn đấu nên gây khó khăn trong công tác quản lý, hỗ trợ.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi ghi nhận nỗ lực của ngành Lao động Thương binh và Xã hội trong bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, đề nghị ngành Lao động Thương binh và Xã hội thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình “Có việc làm” của thành phố giai đoạn 2022 – 2025 và các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động đặc thù, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an…
Tham mưu UBND thành phố nâng cao chất lượng các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”; xây dựng, ban hành mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2026 – 2030; nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Đặc biệt, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 – 2025” trên địa bàn thành phố.
CÔNG TÂM
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62308&_c=3