Trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng hôm nay đã có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững. Đó chính là cơ sở quan trọng để Hội đồng Quản trị – Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, hướng tới cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực bậc cao, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
TS Lê Ngọc Quý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng. |
Vững vàng vượt khó vươn lên
Được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ GD-ĐT, UBND TP. Đà Nẵng và các sở, ban, ngành, năm 1998, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Phương Đông đã được thành lập và đi vào hoạt động. Năm 2007, Trường nâng cấp thành Trường Cao đẳng Phương Đông và đến tháng 06/2017, Trường được Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đổi tên thành Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng. Đây là cơ sở giáo dục chuyên nghiệp ngoài công lập đầu tiên ra đời theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên.
Tiến sĩ Lê Ngọc Quý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng cho biết, những năm đầu thành lập, Trường đối diện với muôn vàn khó khăn về nguồn vốn, nhân sự, trang thiết bị,… Nhưng với những giải pháp phù hợp, Trường đã phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, biến thách thức thành cơ hội, bắt đầu tạo dựng vị thế trong ngành giáo dục và đào tạo, làm nền móng cho sự phát triển về sau. Trong đó, với quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường quan tâm đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ thực hành, thực tập để tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên. Đồng thời tập trung chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Hằng năm, Trường đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành cho nhà giáo. Đặc biệt, Trường có chế đãi ngộ đặc biệt để thu hút những người có tài, có tâm về làm việc và cống hiến lâu dài cho sự phát triển của Nhà trường. Kết quả, tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học từ 11,4% năm 2008, 17,2% năm 2013, 32,6% năm 2018, đến nay tăng lên 40,8%, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên Nhà trường.
Từ 02 ngành đào tạo đầu tiên, đến nay, Trường đăng ký thực hiện nhiệm vụ đào tạo 14 ngành trình độ cao đẳng, 16 ngành trình độ trung cấp, 18 ngành trình độ sơ cấp và ngắn hạn. Với quan điểm đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, những năm qua, Trường luôn là đơn vị đi đầu trong các trường tư thục đối với việc mở các ngành đào tạo mà xã hội cần như: Điện công nghiệp và dân dụng (1999), Tin học Viễn thông, Nghiệp vụ Văn thư – Lưu trữ (2000), Xây dựng cấp thoát nước, Marketing (2001), Điều dưỡng (2007), Y sỹ đa khoa (2008), Dược (2009), Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Sư phạm mầm non (2014), Công nghệ kỹ thuật ô tô (2016), Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (2021), Tiếng Nhật (2022), Thư ký y khoa (2023),… Việc kịp thời mở các ngành đào tạo mới góp phần thực hiện định hướng chiến lược phát triển của TP. Đà Nẵng, của các địa phương và các ngành, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người học.
Chương trình đào tạo các ngành của Trường liên tục được cập nhật, cải tiến theo hướng tăng tỷ lệ thực hành; 100% chương trình đào tạo của Trường có sự tham gia biên soạn, bổ sung, thẩm định của doanh nghiệp. Trong đó, Trường luôn giữ mối quan hệ mật thiết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các bệnh viện, các đơn vị hành chính sự nghiệp,… để giúp cho chương trình đào tạo luôn theo kịp những thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển của xã hội. Mặt khác, trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, Nhà trường đã cử nhiều lượt cán bộ quản lý, nhà giáo đến các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp của các nước tiên tiến để nghiên cứu, trải nghiệm; qua đó, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của nước ngoài. Song song đẩy mạnh việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, để tạo điều kiện cho sinh viên của Trường được học tập nâng cao trình độ và làm việc với thu nhập cao tại nước ngoài. Trong hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp đã hỗ trợ Nhà trường kết nối với các đối tác nước ngoài triển khai có hiệu quả các chương trình thực tập sinh, Internship, đào tạo liên thông lên trình độ đại học với những chính sách ưu đãi về học bổng, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn,… mang đến nhiều cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài cho sinh viên. Nhằm giúp sinh viên nhanh chóng thích nghi và hội nhập khi ra nước ngoài học tập và làm việc, Nhà trường đã phối hợp với doanh nghiệp đào tạo ngoại ngữ, trang bị các kiến thức về luật pháp, văn hóa của nước sở tại cùng các kỹ năng, tác phong làm việc. Trong 03 năm gần đây, có hơn 150 sinh viên của Trường đã và đang học tập, làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Singapore,… thông qua các thỏa thuận hợp tác quốc tế, khẳng định mạnh mẽ về uy tín, chất lượng đào tạo của Trường.
Với những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, trong suốt hơn 25 năm qua, Trường đã cung cấp cho xã hội gần 50.000 cán bộ chuyên môn, làm việc trên khắp các tỉnh thành, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen của các bộ, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương.
Tiếp tục đổi mới để không ngừng phát triển
Từ những thành quả đạt được, Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để không ngừng phát triển, hướng tới cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực bậc cao, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo Hiệu trưởng Lê Ngọc Quý, hướng tới mục tiêu đó, Nhà trường sẽ tập trung phát triển chương trình đào tạo mới có tính liên ngành cao, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới. Đổi mới mục tiêu đào tạo theo hướng thúc đẩy sáng tạo, phát triển năng lực cá nhân; đào tạo theo định hướng khởi nghiệp; chuẩn đầu ra sẽ yêu cầu nhiều kỹ năng mới của người lao động, người công dân thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Chất lượng đội ngũ nhà giáo phải được nâng cao, đạt và vượt các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường trong giai đoạn mới. Tích cực ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và khai thác hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý; hướng tới xây dựng Nhà trường đạt các tiêu chuẩn là trường học thông minh.
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào xây dựng chương trình, giáo trình, thiết kế phòng thí nghiệm, thực hành; chú trọng việc đưa nhà giáo đi thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật kiến thức, công nghệ mới, nâng cao kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy; tăng cường sử dụng chuyên gia của doanh nghiệp để giảng dạy trong Nhà trường; thiết kế các khóa đào theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho nhà giáo bổ sung kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy tiên tiến; tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trong việc nâng cao chất lượng đào tạo; giúp sinh viên dễ dàng tham gia các chương trình trao đổi hoặc du học và tìm được việc làm có thu nhập cao. Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực, Nhà trường sẽ tăng cường các hoạt động dịch vụ. Trong đó, đi đầu là dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hoạt động dịch vụ sẽ góp phần gia tăng các nguồn lực cho đào tạo và ngược lại, hoạt động đào tạo góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ.
Mục tiêu trong năm 2026, Nhà trường sẽ đưa vào hoạt động Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Đà Nẵng, tạo tiền đề để giai đoạn 2030 – 2035, Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng sẽ nâng cấp trở thành trường đại học đa ngành có uy tín ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.