Các tổ chức, địa phương của Nhật Bản đã và đang tích cực hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện các chương trình, dự án hợp tác bảo vệ môi trường và thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) Ngô Trịnh Hà (bên trái), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam (thứ 2, bên trái sang) cùng 2 Phó Thị trưởng thành phố Sakai (thứ 2, bên phải sang) chứng kiến lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và Cục Môi trường thành phố Sakai. Ảnh: Đoàn công tác |
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản ngày 11-11-2024, đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam dẫn đầu chứng kiến Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Môi trường thành phố Sakai (Nhật Bản) về dự án hợp tác trong lĩnh vực môi trường để xây dựng thành phố trung hòa carbon.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của Đà Nẵng, các tổ chức, địa phương của Nhật Bản đã tích cực hợp tác, hỗ trợ thực hiện nhiều chương trình bảo vệ môi trường thông qua các dự án tài trợ vốn ODA (vốn ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại) lẫn kỹ thuật và kinh nghiệm như cải thiện môi trường nước thành phố Đà Nẵng (do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA) và Công ty Nippon Koei tài trợ, thực hiện); hệ thống xử lý nước thải chi phí thấp (Công ty Metawater và Đại học Kitakyushu); mô hình thành phố hàm lượng carbon thấp (Công ty Kanso Technos, Công ty Newjec); xử lý nước thải và chất thải rắn (Tập đoàn JFE); nghiên cứu khả thi dự án tiết kiệm năng lượng bằng phương pháp quan trắc đơn giản (Công ty Osumi và Công ty Nippon Koei); tái chế chất thải từ Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (khu vực Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) làm phân bón lỏng phục vụ nông nghiệp sạch ở thành phố Đà Nẵng (thị trấn Chikujo); hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý vệ sinh và chất lượng thủy sản tại Việt Nam (thành phố Kushiro)…
Đặc biệt, JICA và thành phố Yokohama đã tích cực hợp tác, hỗ trợ Đà Nẵng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật được đúc rút từ thành phố Yokohama, thành phố môi trường tiêu biểu của Nhật Bản trong quá trình thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2008-2020 và giai đoạn 2021-2030. Một chương trình hợp tác được triển khai hiệu quả giữa hai thành phố là đã phối hợp tổ chức 12 diễn đàn phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng (từ năm 2014 đến nay). Trong đó, dựa trên thế mạnh về phát triển đô thị của thành phố lớn thứ 2 của Nhật Bản, Yokohama đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý quy hoạch, phát triển đô thị…
Cùng với đó, thành phố Yokohama đã đề xuất với JICA, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ cho Đà Nẵng kinh phí nghiên cứu, triển khai các dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như quản lý chất thải rắn nhằm đẩy mạnh phân loại và tái chế tại Đà Nẵng; cải thiện môi trường nước khu vực âu thuyền Thọ Quang và phát triển cảng cá Thọ Quang; tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ đo lường đơn giản (dự án đã hoàn thành giai đoạn thí điểm và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, lò đốt của Công ty CP Dệt may Hòa Thọ…) và phối hợp tìm nguồn tài trợ thực hiện nghiên cứu dự án Phát triển hệ thống quan trắc môi trường thành phố Đà Nẵng.
Tháng 5-2024, trên cơ sở đề nghị của Hội Hữu nghị Nhật – Việt thành phố Sakai và Cục Môi trường thành phố Sakai, thành phố Đà Nẵng và thành phố Sakai đã thống nhất xúc tiến dự án Hợp tác trong lĩnh vực môi trường để xây dựng thành phố trung hòa carbon. Qua quá trình trao đổi và đề xuất của hai bên, dự án được Bộ Môi trường Nhật Bản thông qua gói tài trợ triển khai trong 3 năm, từ năm 2025-2028.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh cho biết, mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các cảng và khu công nghiệp Đà Nẵng; đồng thời, hỗ trợ những hoạt động chính sách của thành phố, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và góp phần hiện thực hóa một xã hội trung hòa carbon. Dự án sẽ tập trung khảo sát và xem xét các giải pháp hướng đến hiện thực hóa cảng trung hòa carbon (CNP) như chuyển đổi năng lượng cho hoạt động tiếp nhiên liệu tàu cập bến, điện khí hóa thiết bị nâng dỡ hàng hóa (xe nâng) tại cảng Tiên Sa.
Dự án cũng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp thông qua việc sử dụng hệ thống quản lý năng lượng (EMS), điều hòa hiệu suất cao, điện mặt trời áp mái kết hợp pin lưu trữ tại nhà máy, kho bãi ở Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng. Đồng thời, hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng hệ thống và kế hoạch thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon như chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược về bảo vệ môi trường từ thành phố Sakai nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải carbon tại Đà Nẵng; chia sẻ kiến thức về năng lượng thế hệ mới hydro xanh…
Thành phố Sakai sẽ phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức hội thảo nhằm kết nối kinh doanh về các sáng kiến trung hòa carbon theo cơ chế tín chỉ JCM… Thông qua dự án này, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ nhận được những kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật từ thành phố Sakai trong việc giảm phát thải carbon và việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng mới tại các khu công nghiệp, cảng biển tại thành phố Đà Nẵng.
CAO MINH
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202411/ho-tro-xay-dung-thanh-pho-trung-hoa-carbon-3994552/