Trên địa bàn thành phố có nhiều dự án, nhất là dự án trọng điểm, bị chậm giải phóng mặt bằng kéo dài vì nhiều hộ giải tỏa xây nhà ở trên đất nông nghiệp kiến nghị được bố trí tái định cư. Điểm nghẽn này đã và đang được thành phố tháo gỡ bằng cách tạo điều kiện cho hộ giải tỏa được mua nhà ở xã hội, nhưng cũng cần sự đồng thuận, chấp hành đúng quy định pháp luật của các hộ giải tỏa.
Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi gặp khó vì nhiều hộ giải tỏa xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng quận Liên Chiểu phá dỡ một nhà xây dựng trên đất nông nghiệp để thu hồi đất. Ảnh: H.H |
Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng
Theo Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy, một trong những vấn đề khó khăn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án trên địa bàn quận là tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích của các hộ dân và việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ dân từ đất không phải là đất ở. Đối với các hộ giải tỏa xây dựng nhà trên đất không phải là đất ở sau ngày 1-7-2004 và các hộ xây dựng nhà ở trước ngày 1-7-2004 nhưng bị sập do bão vào năm 2006 (bão Xangsane), theo quy định là không được bồi thường về đất ở và không được giải quyết bố trí đất tái định cư.
Tuy nhiên, nhiều hộ giải tỏa thuộc 2 trường hợp nói trên này không thống nhất bàn giao mặt bằng. Quận cũng gặp khó khăn trong công tác cưỡng chế thu hồi đất các hộ giải tỏa này do người dân không có nơi ở khác trên địa bàn thành phố. Để tạo điều kiện cho các hộ giải tỏa có chỗ ở ổn định cuộc sống, quận đã đề xuất UBND thành phố giải quyết chính sách mua nhà ở xã hội đối với các hộ giải tỏa xây nhà trên đất không phải là đất ở.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án, nhất là dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn thành phố gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc khó tháo gỡ là có nhiều hộ giải tỏa đã xây dựng nhà trên đất không phải đất ở do công tác quản lý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trước đây của nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.
Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây nhà trên đất không phải là đất ở có nguyên nhân là các hộ giải tỏa lợi dụng sự buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai để chạy chính sách tái định cư, gây khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Các trường hợp này không bảo đảm điều kiện được giao đất ở, nhưng kiến nghị thành phố bố trí lại đất ở để tái định cư nên dẫn đến khiếu nại kéo dài, không chấp hành bàn giao mặt bằng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An nhìn nhận: “Trong các nguyên nhân của việc chậm giải phóng mặt bằng có tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng, xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở; việc xác định cơ sở pháp lý cũng như thời hạn sử dụng đất của các lãnh đạo các địa phương qua các thời kỳ có những vấn đề chưa thực sự chuẩn xác, gây khó khăn cho công tác xét tính pháp lý hồ sơ đền bù giải tỏa.
Vướng mắc nói trên có thể được giải quyết bằng chính sách giải quyết bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở đối với những hộ giải tỏa đang ở thực tế tại nhà đã được xây dựng trên đất không phải là đất ở, chưa bàn giao mặt bằng tại các dự án. Thành phố không thể nào giao đất ở để bố trí tái định cư cho các hộ xây dựng nhà trên đất không phải là đất ở được vì không đúng quy định của pháp luật nên chỉ có thể nghiên cứu, giải quyết vấn đề này bằng cách bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội”.
Qua thống kê của các sở, ban, ngành, địa phương, trên địa bàn thành phố có đến 1.088 hộ xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất để thi công các dự án. Những hộ này phải di chuyển chỗ ở, cụ thể: quận Sơn Trà có 23 hộ, quận Ngũ Hành Sơn có 291 hộ, quận Thanh Khê 177 hộ, quận Liên Chiểu 450 hộ, quận Cẩm Lệ 45 hộ, huyện Hòa Vang 94 hộ.
Đối tượng được mua nhà ở xã hội
Đầu năm 2023, UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp UBND quận Liên Chiểu và các đơn vị liên quan làm việc với các nhà đầu tư nhà ở xã hội để thống nhất tiêu chí cho mua nhà ở xã hội đối với các hộ giải tỏa xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở tại các dự án, tương tự như các trường hợp hộ dân có khó khăn về chỗ ở để bảo đảm an sinh xã hội.
Sở Xây dựng thông tin, theo quy định tại khoản 10, Điều 49, Luật Nhà ở năm 2014, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở, là một trong những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trường hợp hộ giải tỏa không bảo đảm đối tượng theo quy định tại khoản 10, Điều 49, Luật Nhà ở năm 2014, nhưng bảo đảm điều kiện đối tượng được mua nhà ở xã hội như: người thu nhập thấp, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp… thì vẫn được xem xét, giải quyết bán nhà ở xã hội nếu bảo đảm điều kiện.
Sở Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn các quận, huyện, đơn vị là đối với đối tượng này, chỉ xem xét điều kiện nhà ở, điều kiện cư trú và không xét điều kiện về thu nhập. Trình tự, thủ tục, nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội tương tự như các đối tượng khác. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND các quận, huyện hướng dẫn các hộ giải tỏa liên hệ trực tiếp chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội để được tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội theo quy định.
Ông Nguyễn Tân Duy, đại diện Văn phòng Ban quản lý chung cư nhà ở xã hội ở Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside cho hay: “Các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố đã liên hệ với chúng tôi để làm việc liên quan đến việc tạo điều kiện cho khoảng 1.000 hộ giải tỏa không đủ điều kiện được bố trí tái định cư bằng đất ở được mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp vì theo quy định của pháp luật thì đây là một đối tượng được mua nhà ở xã hội. Ban giải phóng mặt bằng các quận, huyện cần có văn bản gửi cho chúng tôi để mời các hộ giải tỏa đến tham quan và tư vấn, hướng dẫn các hộ gia đình làm hồ sơ cũng như tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội đúng quy định”.
HOÀNG HIỆP