Từng là vùng đất nghèo khó, ít tiềm năng nhưng các thành phố này đều đã bứt phá ngoạn mục nhờ chính sách kinh tế đặc biệt, chẳng hạn mở khu thương mại tự do.
Từ sa mạc cằn cỗi, Dubai thành “cứ điểm” của giới siêu giàu
Đầu thập niên 1970, Dubai chỉ “dải cát” với một tòa nhà và hơn chục chiếc xe hơi, không có khách sạn, công trường xây dựng hay các tòa nhà cao tầng, người dân sống trong những túp lều được lợp từ lá cọ và kiếm sống bằng nghề chăn nuôi cừu. Hơn 40 năm sau, nhắc đến Dubai người ta nghĩ ngay đến những khu nghỉ dưỡng 7 sao, những hòn đảo nhân tạo “mọc” lên giữa sa mạc, xe siêu sang tràn ngập trên phố, đồng hồ triệu đô, hàng hiệu Louis Vuitton, Fendi, Chanel… ẩn sau những lớp áo choàng. Dubai trở thành thiên đường của giới siêu giàu và những món đồ xa xỉ.
Từ sa mạc khô cằn, Dubai phát triển ngoạn mục với những công trình đẳng cấp. |
Dubai giàu lên nhờ dầu mỏ, nhưng vậy là chưa đủ. Nguồn thu lớn của thành phố này đến từ các ngành dịch vụ như cảng biển, du lịch và tài chính. Sự lột xác của làng chài nghèo khó Dubai thuở nào nhờ vào đòn bẩy từ việc thành lập các khu kinh tế tự do trong thành phố. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) có 12 khu kinh tế thì 11 nằm ở Dubai, được quy hoạch phát triển chi tiết theo hướng chuyên môn hóa. Chẳng hạn, Khu Tự do Jebel Ali (JAFZA), trung tâm thương mại, logistics và công nghiệp quan trọng, một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất và thành công nhất trên thế giới; International Academic City tập trung khoảng 40 trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế; Dubai Internet City (DIC) là công viên công nghệ thông tin – nơi quy tụ những cái tên hàng đầu như Microsoft, IBM, Oracle, HP, Nokia…
Riêng khu thương mại tự do JAFZA – nơi quy tụ các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kho chứa và bến bãi của một số hãng tàu đã đóng góp gần 24% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào UAE. JAFZA có hơn 7.000 công ty hoạt động, trong đó có hơn 100 công ty thuộc danh sách Fortune 500 toàn cầu.
Con đường thần tốc đưa Thâm Quyến thành tượng đài kinh tế
Tháng 8/1980, Thâm Quyến (Trung Quốc) chính thức được công nhận là đặc khu kinh tế. Có thể nói đây là bước ngoặt đưa làng chài nghèo khó thành siêu đô thị hiện đại với những tòa nhà chọc trời xa hoa. Từ chỗ là công xưởng của những ngành nghề hàm lượng chất xám thấp, nay Thâm Quyến đã trở thành “thung lũng Silicon của châu Á”. Thành phố đặt kế hoạch đạt sản lượng công nghiệp hơn 1.500 tỉ nhân dân tệ (209 tỉ USD) trong các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược trong năm 2024. Đây sẽ là một bước tăng trưởng đáng kể, với tốc độ dự kiến trên 7%.
Thâm Quyến được biết đến như một siêu đô thị hiện đại với những tòa nhà chọc trời xa hoa. |
Không ai có thể nghĩ, một làng chài Thâm Quyến với vỏn vẹn khoảng 300.000 dân, sống trong những ngôi nhà cũ kỹ trong thành phố, đường phố toàn xe đạp và thậm chí là cả xe cải tiến lại có sự bứt phá nhanh chóng đến như vậy. Nền kinh tế Thâm Quyến đã tăng trưởng 6% vào năm 2023, vượt xa mức tăng trưởng 4,6% của Quảng Châu và kể cả mức tăng trưởng của Hong Kong. Năm 2024, Thâm Quyến đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%, vượt qua cả Quảng Châu và Thượng Hải.
Cuối thập niên 1990, tốc độ phát triển hạ tầng của Thâm Quyến gói gọn trong một khẩu hiệu “Mỗi ngày 1 cao ốc, 3 ngày 1 đại lộ”. Vị trí địa lý chỉ cách Hồng Kông một con sông với nhiều cảng biển nhất Trung Quốc là một lợi thế của Thâm Quyến. Nhưng chiến lược phát triển của đặc khu với hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, cộng với việc trao quyền tự quyết cho chính quyền đặc khu mới là đòn bẩy chính đưa Thâm Quyến lột xác ngoạn mục, trở thành thành phố đứng đầu Trung Quốc về hiệu quả phát triển kinh tế. Thâm Quyến được phép chủ động triển khai kế hoạch phát triển, mức thuế và cả phạm vi hoạt động để có thể thu hút vốn đầu tư cũng như công nghệ nước ngoài.
Incheon: Thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài
Năm 2003, Hàn Quốc đưa Incheon, Busan-Jinhae và Gwangyang trở thành 3 đặc khu kinh tế đầu tiên của nước này. Quyết định này đã mang đến cho làng chài nghèo Incheon một sự đổi đời, trong bối cảnh tăng trưởng của Hàn Quốc được coi là tới ngưỡng, nền kinh tế thiếu những ngành nghề mang tính sáng tạo, năng lực cạnh tranh khu vực dịch vụ yếu.
Incheon thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ các chính sách ưu đãi vượt trội. |
Những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà đầu tư được đặt ra để tạo ra một môi trường kinh doanh và môi trường sống mang chuẩn mực quốc tế, giáo dục đại học chất lượng cao được tập trung phát triển để tạo ra nhân lực trình độ cao. Incheon trở thành trung tâm phát triển logistics, kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và giải trí của cả vùng Đông Bắc Á, với những công viên giải trí hấp dẫn hàng đầu thế giới. Viện nghiên cứu Economics của Anh đã đánh giá Incheon là thành phố có tiềm năng phát triển lớn thứ hai trên thế giới tới năm 2025.
Tính đến cuối tháng 7/2023, Khu kinh tế tự do Incheon đã thu hút 14,8 tỷ USD vốn FDI, chiếm hơn 70% tổng số vốn FDI thu hút được của 9 Khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc. Số lượng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tăng từ 3 công ty lên 206 nhờ chiến lược tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cung cấp cơ sở hạ tầng hiện đại và các ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài của Incheon.
Từ những ví dụ trên có thể thấy, để phát huy tối đa tiềm lực kinh tế của một thành phố, bên cạnh sự đổi mới táo bạo thì những cơ chế, chính sách đặc thù là điều không thể thiếu. Bởi chỉ khi có cơ chế ưu đãi, sự cởi mở, táo bạo về chính sách mới đủ sức thu hút nhà đầu tư chiến lược để “kích hoạt” tiềm năng vốn có của vùng đất.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Theo đó, Nghị quyết đưa ra 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, đưa TP Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ và tận dụng hết cơ hội từ các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Đặc biệt, trong các chính sách đề xuất mới có việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế và thu hút FDI như mô hình thành công tại nhiều nước trên thế giới.
|
Thu Hằng