Bước vào bản đồ hàng không cao cấp
Dù những chiếc siêu tàu bay đã rời đi 3 ngày nhưng nhiều du khách và người dân thành phố sông Hàn vẫn chưa hết choáng ngợp khi được tận mắt chứng kiến 5 chuyên cơ của hãng máy bay lừng danh thế giới Gulfstream tập kết tại sân bay Đà Nẵng.
Từng được sở hữu bởi các tỉ phú như Bill Gates, Elon Musk, Jeff Bezos hay các cầu thủ lừng danh với thú tiêu tiền gây choáng như Cristiano Ronaldo, Messi, Gulfstream trở thành huyền thoại trong ngành hàng không xa xỉ trên thế giới.
Sau triển lãm Air Show tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) vào năm 2022, đây là lần thứ hai hãng máy bay đình đám Gulfstream đổ bộ VN với các dòng chuyên cơ dành cho giới siêu giàu. Các dòng chuyên cơ làm nên danh tiếng toàn cầu cho Gulfstream gồm: G600, G500, G650ER và đặc biệt là G700 vừa ra mắt năm nay, xếp hàng trên sân đỗ sân bay Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người cả trong và ngoài ngành hàng không. Nội thất đầy tiện nghi của Gulfstream G650ER với các chất liệu cao cấp; giường nằm cho 10 người trên chiếc G700 cùng hệ thống chiếu sáng sinh học với 20.000 chiếc đèn LED được chế tác độc nhất và 65.000 cấp độ sáng để các ông chủ tái hiện ánh sáng mặt trời theo ý muốn của mình; hay khu vực bếp siêu sang chỉ có trên chuyên cơ G700… lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn hàng không. Trong đó, chiếc G650ER tiếp tục khẳng định vị trí của một ngôi sao với khả năng bay xa hơn và nhanh hơn bất cứ chuyên cơ nào, thậm chí có thể bay vòng quanh trái đất chỉ với một lần dừng. Đây cũng là dòng chuyên cơ đã đưa tỉ phú Bill Gates tới VN hồi tháng 3 năm nay.
“Không ngờ có một ngày tôi được chứng kiến những “quái vật” hàng không ngay tại sân bay ở VN. Mà không chỉ 1, đến những 5 chiếc. Đây là điều mà tất cả những ai mê máy bay như chúng tôi luôn hằng mong ước và vô cùng tự hào”, anh T.Q.K, một tay săn ảnh máy bay kỳ cựu, xuýt xoa.
Đặc biệt hơn, 5 chiếc chuyên cơ huyền thoại của Gulfstream đã chở 50 khách hàng là các tỉ phú từ khắp nơi trên thế giới và các đối tác vận hành của Gulfstream tụ hội về Đà Nẵng để tham dự hội nghị khách hàng thường niên của thương hiệu máy bay tỉ phú này. Đây là dịp để các khách hàng tiềm năng của hãng tận hưởng trải nghiệm bay đẳng cấp, tận mắt khám phá các dòng máy bay mới nhất và xa hoa bậc nhất ngay tại VN – một đất nước xinh đẹp và đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ hàng không xa xỉ toàn cầu.
Đại diện Gulfstream cho biết VN được chọn là điểm đến của hội nghị khách hàng năm nay không chỉ bởi cảnh quan đẹp, mà còn có một vị trí rất thuận tiện để hãng chuyên cơ có thể mời và đón các khách hàng tiềm năng trên khắp thế giới. Đặc biệt, với Gulfstream, VN là một đất nước có nhiều tiềm lực, bởi vậy việc mở rộng thị trường tại VN cùng với hãng hàng không Sun Air là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường châu Á – Thái Bình Dương của hãng. Với sự chú trọng phát triển thị trường VN của Gulfstream, VN đang dần định vị là một thị trường mới nổi ở châu Á và khẳng định chỗ đứng trên bản đồ hàng không cao cấp thế giới.
Tiến đến trung tâm hàng không thế giới
Trước khi được hãng bay xa xỉ bậc nhất thế giới “chọn mặt gửi vàng”, ngành hàng không VN đã ấp ủ mục tiêu trở thành trung tâm hàng không tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong những cuộc gặp mặt lãnh đạo Chính phủ, tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Group, Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Vietjet, từng chia sẻ khát vọng biến VN thành trung tâm động lực phát triển hàng không của khu vực và thế giới.
Theo bà Phương Thảo, VN có vị trí thuận lợi để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế như Bangkok (Thái Lan), Singapore, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, chúng ta có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hangar (nhà chứa máy bay) là hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại một trong các sân bay VN. Doanh nghiệp VN cũng đã bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, nữ tỉ phú này đánh giá VN có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện cùng phát triển ngành phụ trợ và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc đang sản xuất linh kiện tàu bay Boeing và lắp ráp tàu bay Airbus. Để tương lai này đến gần hơn, VN cần khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế.
Cùng chung tầm nhìn, đại diện ITL, một trong những tập đoàn logistics hàng đầu tại VN, cho rằng những năm qua, mặc dù thế giới ghi nhận nhiều biến động nhưng VN vẫn giữ đà tăng trưởng GDP tốt, giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và vận tải hàng không. VN tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, giúp kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng trưởng ấn tượng. Song song đó, chúng ta hiện là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu trong khu vực về may mặc, giày da, đồ gỗ, điện tử, thủy sản, nông sản… Với nền tảng sản xuất này, các chuỗi cung ứng trong khu vực sẽ lựa chọn VN là điểm trung chuyển, thu gom hàng hóa để cung cấp cho thị trường.
“Kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung nổ ra và leo thang, VN dần trở thành tâm điểm lựa chọn của các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tầm cỡ. Trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế lớn tìm địa chỉ mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh thay cho Trung Quốc, VN sẽ có cơ hội trở thành điểm đến hàng đầu. Trên thực tế, thời gian qua, các tập đoàn lớn như Google, Amazon, Microsoft, TCL, Brooks Sports… đã đồng loạt triển khai kế hoạch hoạt động sản xuất tại VN. Rõ ràng, sự dịch chuyển tích cực của nguồn khách hàng lớn này tạo ra nhu cầu ổn định cho tiến trình hình thành nên các Air logistics hub (trung tâm logistics hàng không) tại VN. Đó là những lợi thế rất lớn để chúng ta trở thành trung tâm logistics hàng không tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á”, vị đại diện ITL nhìn nhận.
Tổ hợp sân bay Tân Sơn Nhất – Long Thành đang được đầu tư xây mới và mở rộng là “vũ khí” lợi hại được chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền điểm tên thêm trong danh sách lợi thế của VN. Theo ông Điền, VN là một trong những nước có thị trường hàng không tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhưng lại chưa hề có sân bay nào đủ lớn, đủ tầm làm sân bay trung chuyển trong khu vực cũng như quốc tế. Hiện nay, nhiệm vụ này đang nằm trong tay các “ông lớn” như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan.
Ngay từ khi lên đề án, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được xác định nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới. Trong giai đoạn đầu, Long Thành sẽ giữ vai trò “chia lửa” cùng Tân Sơn Nhất, giải tỏa ách tắc cả trên trời và dưới đất. Sau khi hoàn thiện quy hoạch đạt tới năng lực khai thác 100 triệu lượt khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ thay thế vị trí của Tân Sơn Nhất, trở thành cảng hàng không lớn nhất nước. Nếu Long Thành được đầu tư xây dựng theo đúng mục tiêu ban đầu và vận hành, kết nối tốt, TP.HCM sẽ trở thành điểm đến, san sẻ một phần khách trung chuyển, trước hết là một số nước ở bán đảo Đông Dương, sau đó mở rộng ra dần tới châu lục và thế giới.
Cùng với việc VN đang trở thành điểm hấp dẫn các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới, thị trường hàng không nội địa dự báo còn tăng rất cao trong thời gian tới. Song hành với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là yếu tố động lực giúp ngành hàng không phát triển tương xứng với tiềm lực công nghiệp, tiềm lực kinh tế của TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Cụm sân bay Tân Sơn Nhất – Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 2025 – 2026 khi những khó khăn của nền kinh tế thế giới dự báo đã lùi lại, trở thành hạ tầng quan trọng giúp TP.HCM, các tỉnh phía nam cũng như ngành logistics VN đón đầu phát triển. Hai cụm cảng này chính là “vũ khí” đưa VN trở thành một trong những trung tâm hàng không của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không VN trên trường quốc tế, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
Điểm đến cho các “nhân vật toàn cầu”
Phía sau cuộc hội tụ của hãng hàng không xa xỉ hàng đầu thế giới, ngành du lịch hưởng lợi đầu tiên. Đến VN lần này, các thượng khách của Gulfstream chọn nghỉ tại khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.
Đây là khu nghỉ dưỡng đã 3 năm liên tiếp được vinh danh “sang trọng hàng đầu thế giới”, từng là nơi được các nguyên thủ trong Hội nghị cấp cao APEC 2017 “chọn mặt gửi vàng”, cũng tương tự là với tỉ phú Bill Gates trong lần thứ hai trở lại VN sau 18 năm. Thời điểm đó, Đà Nẵng cũng làm “dậy sóng” truyền thông trong nước và quốc tế. Bill Gates đã dành trọn 5 ngày ở Đà Nẵng, đến thăm Hội An và lưu trú tại khu nghỉ dưỡng 5 sao sang trọng ở Q.Sơn Trà. Trang BNN Breaking nhận định sự trở lại của tỉ phú Bill Gates sau 18 năm là “minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng tăng của VN như một điểm đến du lịch đối với các nhân vật toàn cầu”.
Thực tế, cách đây hơn 1 thập niên, Đà Nẵng đã đón 120 nhà tài phiệt, nhà đầu tư từ nhiều nước đến tham gia một hội nghị tài chính, diễn ra trong 3 ngày vào tháng 11.2013. Các tỉ phú này đến Đà Nẵng bằng 19 máy bay riêng đắt tiền và một chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) bay từ Singapore. 19 máy bay xuất phát từ nhiều trung tâm tài chính, du lịch trên thế giới như Ả Rập Xê Út, Hồng Kông, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia… Suốt thời gian các tỉ phú ở Đà Nẵng, mọi hoạt động của họ từ việc dự hội nghị, nghỉ ngơi, ăn ngủ đều diễn ra trong khuôn viên rộng hàng chục héc ta của khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Đến năm 2019, tỉ phú người Anh Joe Lewis trên siêu du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD cũng chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình trải nghiệm VN, trước khi tới TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc và Hạ Long.
Tiếp sau đoàn siêu phi cơ đưa dàn tỉ phú đến Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho Lễ hội Nghệ thuật vì khí hậu diễn ra từ ngày 13 – 19.1.2025 được tổ chức tại Vịnh Hạ Long. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, hơn 80.000 người, trong đó có 200 tỉ phú châu Âu, sẽ đến tham dự lễ hội này. Các tỉ phú sẽ đến Hạ Long bằng siêu du thuyền, tạo nên một điểm nhấn cho sự kiện và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Trước đó, vào cuối tháng 8.2024, đoàn 4.500 khách thuộc công ty dược phẩm Sun Pharmaceutical của một tỉ phú Ấn Độ đã đến VN du lịch. Họ chia thành nhiều đoàn nhỏ lần lượt đến Hà Nội trong những ngày khác nhau, ở tại các khách sạn cao cấp và có chuyến tham quan Hà Nội – Ninh Bình – Hạ Long. Kể từ “đám cưới được mong chờ nhất năm 2019” của tỉ phú người Ấn tại khách sạn JW Marriott Phú Quốc diễn ra ngày 8.3.2019, trong suốt nửa thập niên qua, rất nhiều điểm đến của VN đang dần lọt vào mắt xanh của các giới tài phiệt, mở ra tiềm năng đưa VN trở thành nơi tổ chức tiệc cưới sang trọng bậc nhất thế giới.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đánh giá: Đà Nẵng nói riêng và nhiều điểm đến khác tại VN đang thu hút rất lớn sự quan tâm của giới giàu và siêu giàu. Riêng Đà Nẵng trong dài hạn đã được định vị và chuẩn bị đầy đủ để sở hữu hệ sinh thái phục vụ dòng khách sang và siêu sang. Hiện tại, Đà Nẵng đang tiếp tục thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư, cũng như chuẩn bị những sản phẩm dịch vụ mới để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của giới sang và siêu sang như trung tâm du thuyền quốc tế, các trung tâm thương mại cao cấp…
Cùng với sự ra mắt của Hãng hàng không hạng sang Sun Air của tập đoàn Sun Group tại VN vào năm 2022, việc hãng chuyên cơ đắt đỏ nhất thế giới “chọn mặt gửi vàng” tại Đà Nẵng một lần nữa khẳng định VN đã và đang là bến đỗ lý tưởng của giới siêu giàu toàn cầu. Mới đây, VN được CN Traveller công nhận là một trong 20 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Còn theo báo cáo của New World Wealth và Henley & Partners, VN là quốc gia có tốc độ tăng trưởng triệu phú USD nhanh nhất, chứng kiến mức tăng đáng chú ý 98% từ năm 2013 đến năm 2023.
VN, với sự đầu tư, tham gia của các tập đoàn lớn như Sun Group, đã và đang cung cấp cho nhóm khách tinh hoa của thế giới một hệ sinh thái dịch vụ và trải nghiệm đẳng cấp quốc tế, từ nghỉ dưỡng 5 sao, ẩm thực Michelin, cho đến chuyên cơ siêu đắt đỏ. Hệ sinh thái du lịch hạng sang này đang tạo lợi thế rất lớn để VN hút lượng khách chi tiêu cao trên toàn thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Ông Cao Trí Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng)
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/hang-khong-dua-khach-sop-den-viet-nam-185241019232533594.htm