Căn nhà xây gạch tạm bợ, tuềnh toàng và chắp nối ở thôn Nhĩ Thượng (xã Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị) mùa hè năm nay sáng rực với tin vui 2 chị em sinh đôi Ngô Hoàng Thùy Trâm (chị) và Ngô Hoàng Ngọc Trâm cùng đậu đại học.
Tuy vậy, niềm vui lớn đến cùng nỗi lo tài chính với đôi vợ chồng nghèo.
Làm quần quật chỉ đủ tiền cho một suất học phí học kỳ 1
Gia đình chưa có được căn nhà riêng. Nhà 2 vợ chồng cùng 3 con gái đang ở là của em gái chồng. Trước kia nó là một cái quán nhỏ dựng trên vùng cát, người em gái đi lấy chồng xa nên nhường lại cho 2 vợ chồng.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Hương Sơn (43 tuổi) có 8 sào ruộng, nhận làm thuê thêm 5 sào. Của vào nhà khó như gió vào nhà trống, mỗi năm 2 vụ lúa nhưng hết năm vẫn không dư được hạt gạo nào trong nhà. Vụ hè thu vừa rồi, lúa thì đẹp nhưng cắt về không có hạt, được có 2,2 tấn..
Ngay khi xong vụ thu hoạch, chị Sơn tất tả đi làm thuê ở quán ăn sáng gần nhà, bưng bê, rửa chén được trả ngày công 50.000 đồng. Còn chồng làm thợ hồ, nhận công trình cơ khí quanh xã, “thợ đụng” ai kêu gì làm đó.
Lăn lộn từ ngoài đồng đến làm thuê làm mướn nhưng nhiều năm nay, gia đình vẫn không thoát được hộ nghèo.
Giữa tháng 8, Thùy Trâm khoe nhận giấy báo trúng tuyển ngành luật, Trường đại học luật (Đại học Huế), chị Sơn không khỏi bồi hồi. Tin vui ùa đến trong ngôi nhà nhỏ, nhưng đọng lại trong trái tim người mẹ là dòng chữ “học phí kỳ một 8,5 triệu đồng”.
Ít ngày sau, chị gọi thương lái đến bán 1,2 tấn lúa, được hơn 10 triệu đồng. Số lúa còn lại để dành trả nợ tiền phân tro, thuê máy móc, rồi còn trong nhà ăn uống.
Chị đưa con 8,5 triệu học phí, 900.000 đồng cọc phòng trọ và 1 triệu tròn tiền sinh hoạt. “Trước mắt cho cháu thế đã, tôi có mua thêm phở gói, mì gói cháu đưa đi, chờ ổn định rồi gửi gạo vào. Khi nào cháu gọi về thì tôi vay mượn thêm gửi cho cháu”, chị Sơn nói.
Gần giữa tháng 9, con sinh đôi Ngọc Trâm nhận tin đậu ngành lịch sử, Trường đại học khoa học Huế (Đại học Huế).
“Cả hai cháu đều học giỏi, có giải của tỉnh, bảo một đứa nghỉ học thì thương cháu lắm. Giờ tiền học của đứa sau phải đi vay mượn quanh xóm, vay thương lái rồi đến mùa trả họ bằng lúa. Vay 5-6 triệu thôi chứ nhiều sợ họ không cho, chồng đi làm về tằn tiện trả họ sau”, chị Sơn tâm sự.
Thay nhau chăn bò nhưng học xuất sắc để mai sau xây nhà cho bố mẹ
Chị Sơn có nuôi 2 con bò mẹ và 2 con bê, gộp chung với cả xóm thành đàn cỡ 50 con rồi cắt cử nhau luân phiên chăn bò. Từ lớp 8 đến 11, 2 chị em thay Thùy Trâm, Ngọc Trâm thay nhau ra đồng chăn bò giúp bố mẹ. “Có khi đi cả 2 cùng lúc, có khi chị một buổi, em một buổi để vừa chăn bò, vừa phụ bố mẹ làm việc nhà”, Thùy Trâm cho hay.
Nhập học đã nửa tháng, Thùy Trâm nói ‘dự tính khi ổn định, biết đường thì mình sẽ tìm việc ở quán cà phê phụ thêm tiền sinh hoạt”.
Thùy Trâm từ năm lớp 10 vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, thi có giải để có tiền thưởng và được ưu tiên nhận học bổng của nhà trường và các tổ chức xã hội để đóng tiền học.
Lúc học THPT, Thùy Trâm đạt giải 3 học sinh giỏi tỉnh Quảng Trị môn địa lý trong 2 năm liền, Ngọc Trâm giải khuyến khích môn lịch sử.
“Trong 4 năm đại học, tôi hướng tới tấm bằng xuất sắc để kiếm học bổng. Khi ra trường xin về quê làm việc, tiết kiệm và xây nhà lại cho ba mẹ, cho em út đi học thêm các kỹ năng để em có cuộc sống khác tốt hơn”, Thùy Trâm bộc bạch.
Trong khi đó, Ngọc Trâm ở nhà tất bật dọn dẹp lại đống lúa, thu gọn sách vở của em gái út để chuẩn bị nhập học. Ngọc Trâm trúng tuyển đợt 1 vào ngành sư phạm yêu thích nhưng quá xa, chi phí tốn kém nên phải chọn ngành khác.
“Dù khó khăn nhưng tôi không có suy nghĩ nghỉ học. Tôi sẽ phấn đấu để có học bổng của trường. Đi học giúp tôi có cơ hội tốt hơn, cố gắng hoàn thành xuất sắc đại học, học chứng chỉ sư phạm và về quê hương dạy học”, Ngọc Trâm tự tin. Nữ sinh này khẳng định sẽ đi làm gia sư tiểu học.
Cô Ngô Thùy Yên (chủ nhiệm lớp 11-12, trường THPT Gio Linh) nhận xét: “2 bạn chăm chỉ, chịu khó trong học tập, luôn nỗ lực, quyết tâm vươn lên, ý thức học tập, rèn luyện tốt”.
Khi biết báo Tuổi Trẻ có học bổng dành cho tân sinh viên, ông Nguyễn Say – trưởng thôn Nhĩ Thượng – khẳng định: “Theo cá nhân tôi là đúng đối tượng.
Trong thôn, điều kiện như nào là tôi biết. 2 vợ chồng lăn lộn với đồng ruộng, làm thêm làm mướn đủ kiểu để nuôi con ăn học. Họ chưa có đất ở, nhà cũng chưa có. Hai cháu cố gắng học hành, hiếu học, học giỏi”, ông Nguyễn Say thông tin.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.