Các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn thành phố triển khai nhiều hoạt động, chương trình tham quan, trải nghiệm, tương tác tại di tích, làng nghề cho thế hệ trẻ. Qua đó, giúp các em hiểu biết về địa danh, làng nghề truyền thống nơi mình đang sinh sống, đồng thời vun đắp tình yêu quê hương, ý chí phấn đấu xây dựng và đóng góp cho thành phố.
Học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản văn hóa mang tên “Đà Nẵng trong hành trình mở cõi” tại đình làng Hải Châu do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: X.D |
Trong ngày 20-7 và 3-8, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình giáo dục di sản văn hóa mang tên “Đà Nẵng trong hành trình mở cõi” tại đình làng Hải Châu (quận Hải Châu) cho gần 100 em học sinh tiểu học và THCS với hai chủ đề, lần lượt gồm: “Đà Nẵng trong hành trình nam tiến” và “Đình làng Việt”. Tại chương trình, các em học sinh được cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu về quá trình khai hoang lập làng và một số đình làng tiêu biểu tại Đà Nẵng từ thế kỷ 14-18; tìm hiểu về quê quán, thành phần những lưu dân đến khai phá, lập làng ven sông Hàn trong giai đoạn này.
Đặc biệt, được tham gia các hoạt động tương tác, trải nghiệm ngay tại di tích như: các trò chơi dân gian, chơi team building “Mật mã tiền nhân”, thưởng thức ẩm thực địa phương… Tham gia chương trình, em Đỗ Lê An Bình, học sinh Trường THCS Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) chia sẻ: “Tham gia chương trình, em vừa được biết thêm về lịch sử của Đà Nẵng, các đình làng tại Hải Châu, vừa được tham gia những trò chơi vui nhộn, hấp dẫn. Đây là lần đầu tiên chúng em được tham gia một chương trình như vậy nên ai cũng vui vẻ, hào hứng”.
Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân cho biết, chương trình lần này là một bước đổi mới trong hoạt động giáo dục của Bảo tàng Đà Nẵng. Trước đây, đơn vị chủ yếu tổ chức hoạt động giáo dục lịch sử ngay tại bảo tàng hoặc qua hình thức trực tuyến. Còn hiện nay, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng đã được thành phố đầu tư trùng tu, tôn tạo khá toàn diện, trang khang, mở ra điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện những hoạt động, chương trình giáo dục di sản, văn hóa, truyền thống ngay tại di tích.
Đây cũng là cách để các quận, huyện nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa tại địa phương. “Sau đình làng Hải Châu, Bảo tàng Đà Nẵng phấn đấu sẽ tổ chức thêm được những chương trình tiếp theo ở các di tích khác. Mục tiêu là 1-2 tháng tổ chức được 1 chương trình. Nếu các địa phương có nhu cầu tổ chức chương trình tương tự, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ hỗ trợ nhân lực, tài liệu. Từ đó, từng bước nhân rộng hình thức giáo dục văn hóa, lịch sử này trên toàn địa bàn thành phố”, bà Vân cho hay.
Thời gian gần đây, tại làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) xuất hiện một mô hình tour tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nghề làm nước mắm Nam Ô – di sản phi vật thể quốc gia, được du khách nước ngoài, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên hưởng ứng tham gia. Mô hình này do anh Bùi Thanh Phú, người con của quê hương Nam Ô, đồng thời là một thầy giáo tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) khởi xướng.
Anh Phú cho biết, công tác trong ngành giáo dục nên anh có điều kiện biết về chương trình giáo dục lịch sử địa phương sớm. Điều này cộng với tình yêu quê hương thôi thúc anh tổ chức một hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về những di tích lịch sử, nghề truyền thống của Nam Ô cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia. Với mô hình này, các em được tham quan cụm 7 di tích Nam Ô, thưởng thức các món ăn đặc trưng trải nghiệm nghề làm nước mắm truyền thống có tuổi đời hơn 400 năm.
“Được sự hỗ trợ của địa phương và các trường học, từ đầu năm đến nay, mô hình đã tổ chức đưa được gần 10 đoàn học sinh, sinh viên về tìm hiểu quê hương Nam Ô, mỗi đoàn khoảng 40-50 em. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng mở rộng mô hình, giới thiệu cho nhiều đoàn học sinh, sinh viên và du khách biết về quê hương Nam Ô hơn”, anh Phú chia sẻ.
Là địa phương có nhiều di tích được xếp hạng nhất thành phố (34 di tích đã được xếp hạng), huyện Hòa Vang có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tham quan, tương tác tại di tích cho thế hệ trẻ. Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân, những năm qua, huyện luôn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích thông qua việc đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn nét đặc trưng, truyền thống của địa phương.
Hiện nay, các di tích trên địa bàn huyện được trùng tu khá hoàn chỉnh; các hoạt động gắn với không gian di tích luôn được địa phương quan tâm, duy trì thực hiện hằng năm, điển hình như: các lễ hội đình làng, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm Cơ tu, hoạt động về nguồn, đến với địa chỉ đỏ… Trong năm học 2022-2023, các trường học trên địa bàn huyện đã đưa gần 12.000 lượt học sinh tham gia tham quan, học tập, trải nghiệm tại di tích lịch sử, văn hóa.
“Hầu hết di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện đều gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Nẵng nói chung, Hòa Vang nói riêng. Vì vậy, thời gian tới, UBND huyện sẽ tăng cường phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các điểm di tích cho học sinh, sinh viên. Trong đó, chú trọng giới thiệu một số di tích như: Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, địa điểm chiến thắng Gò Hà… Từ đó, phát huy hiệu quả giá trị di tích, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ”, ông Tân cho biết.
THIÊN DUYÊN