Du lịch Đà Nẵng đã và đang có những bước chuyển mình nhanh, phục hồi mạnh mẽ, tạo sự đột phá trong sản phẩm để thu hút khách.
Các doanh nghiệp, khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố thường xuyên bổ sung, làm mới sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ |
Liên tục bổ sung, làm mới sản phẩm
Mục tiêu năm 2024 của Đà Nẵng là thu hút được 8,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 2,5 triệu lượt; khách nội địa 5,92 triệu lượt. Để đạt được mục tiêu này, từ đầu năm đến nay ngành du lịch thành phố không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp.
Theo Sở Du lịch, năm 2024 có hơn 20 sự kiện, lễ hội được tổ chức, nhiều sản phẩm du lịch mới đưa vào hoạt động như: đường hoa biển Đà Nẵng; phố đi bộ Bạch Đằng; thí điểm tổ chức dịch vụ, phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi; các chương trình lễ hội như khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2024; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024, Liên hoan Phim châu Á, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024, Lễ hội bóng đá Việt Nam – Brazil; Lễ hội Việt Nam- Nhật Bản thành phố Đà Nẵng 2024; lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng 2024; chương trình kích cầu du lịch với chủ đề Tận hưởng Đà Nẵng – Enjoy Đà Nẵng 2024… được tổ chức để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là các show trình diễn tại Da Nang Downtown với những tiết mục mới như Awaken River – Dòng sông thức giấc; Symphony of River- show trình diễn đa trải nghiệm kết hợp pháo hoa nghệ thuật; Rối Việt nối tiếp nhau đã mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới cho du khách.
Những người làm du lịch nhìn nhận, việc thường xuyên tạo ra các sự kiện, sản phẩm du lịch mới là điểm nhấn của du lịch thành phố, góp phần thu hút khách cả trong nước và quốc tế, trong đó phải kể đến DIFF 2024. DIFF đã trở thành điểm nhấn của thành phố trong mùa hè năm nay, vẫn là sự kiện có sức hút đối với du khách bởi lượng khách do các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ hơn 1 tháng diễn ra DIFF 2024 (từ 8-6 đến 13-7) đạt hơn 1,3 triệu lượt, tăng 34% so với cùng kỳ DIFF 2023.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, Đà Nẵng đã nỗ lực rất nhiều để tạo dựng thương hiệu du lịch. Cùng với lợi thế về tài nguyên du lịch phong phú, thành phố đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, có lợi thế về giao thông (cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt, cảng biển), hạ tầng dịch vụ du lịch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược… và còn liên tục tạo ra các sự kiện, lễ hội để thu hút khách. Đà Nẵng có hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, khoảng 1.297 cơ sở lưu trú du lịch với 46.035 phòng (tăng 117 cơ sở với 4.035 phòng so với cùng kỳ năm 2023) có thể phục vụ cho lượng khách rất lớn trong cùng một thời điểm. Hiện Đà Nẵng có 16 đường bay quốc tế thường kỳ do các hãng hàng không khai thác cũng là một lợi thế để thu hút khách từ các thị trường có đường bay trực tiếp này.
Phát triển du lịch chất lượng cao
Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, du lịch Đà Nẵng đã tạo được dấu ấn riêng biệt bằng hàng loạt các sự kiện trong nước và quốc tế nổi bật, tiếp tục góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của thành phố. Định hướng phát triển du lịch thành phố tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Trong đó, sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho điểm đến, để thu hút khách. Do đó, thành phố đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng… đối với các sản phẩm du lịch mới, tiềm năng như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cưới; tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột, gồm: sản phẩm du lịch biển cao cấp; sản phẩm về văn hóa, lịch sử; sản phẩm du lịch MICE; sản phẩm du lịch đô thị và sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía tây thành phố.
Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng đánh giá, Đà Nẵng thực hiện tốt việc xây dựng, tạo ra các sản phẩm mới cho các thị trường khách du lịch. Để khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của Đà Nẵng, ngành du lịch cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột; đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đón bắt các luồng xu hướng khách, gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến là nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch từ nhiều thị trường khác nhau. Nhằm đáp ứng yêu cầu và xu hướng của khách hàng, các sản phẩm du lịch cần được chuẩn hóa quy trình tổ chức phục vụ với định vị sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra cần đẩy mạnh các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường trong cơ sở lưu trú và trong hội nghị. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ nhằm đem lại tiện ích và trải nghiệm tối ưu dành cho du khách.
THU HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202409/ky-niem-79-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9-1945-2024-du-lich-da-nang-tao-dot-pha-trong-san-pham-de-thu-hut-khach-3984887/