Năm 2025, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có nhiều đột phá cả về phương thức lẫn nội dung góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch. Nhiều hoạt động, quảng bá, xúc tiến triển khai ngay từ đầu năm nhằm thu hút các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng đến với thành phố.
Lễ hội chào năm mới 2025 phục vụ người dân và du khách đến tham quan thành phố Đà Nẵng với nhiều tiết mục đặc sắc. Ảnh: NGỌC HÀ |
Khai thác lợi thế của người nổi tiếng
Trong chuỗi sự kiện chào đón Giáng sinh và năm mới 2025, Sở Du lịch mời nhiều Youtuber và TikToker – những người có sức ảnh hưởng trên các kênh mạng xã hội để quảng bá cho điểm đến Đà Nẵng. Như trường hợp anh Hayataku – một Youtuber và TikToker có sức ảnh hưởng tại Nhật Bản với hơn 18 triệu lượt đăng ký, trong đó có hàng trăm nghìn tài khoản Việt Nam. Hayataku cùng ê-kíp đến tham quan thành phố Đà Nẵng, cố đô Huế và phố cổ Hội An cùng thực hiện các video và clip về ẩm thực và phong cảnh Việt Nam. Hayataku cho biết, anh rất ấn tượng với phong cảnh, món ăn và con người nơi đây, đặc biệt là cầu Rồng bắc qua sông Hàn của thành phố. Anh tiết lộ, đã cùng ê-kíp thực hiện nhiều cảnh quay để quảng bá du lịch, lan truyền những điều hay và hình ảnh đẹp của Việt Nam cho người hâm mộ của anh và khán giả Nhật Bản.
“Tôi muốn làm một video lấy cảm hứng từ một tô phở của Việt Nam, có sợi phở dài nối từ cây cầu Rồng nổi tiếng của Đà Nẵng, Việt Nam tới tận nước Nhật Bản của chúng tôi. Mục đích là để giới thiệu đến mọi người biết thêm về ẩm thực và phong cảnh của Việt Nam. Hy vọng những video của tôi đăng trên Youtube và TikTok sẽ kích thích tò mò với người xem, khuyến khích phong trào đi du lịch tại Việt Nam”, Hayataku bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch, năm 2025, hoạt động quảng bá sẽ tiếp tục được đổi mới, đột phá ở truyền thông trực tuyến trên các kênh: Cổng thông tin du lịch Danang Fantasticity, Youtube, Instagram, trên nền tảng số hóa các đơn vị Klook, KKD, Traveloka, GDL, VTV cap…; truyền thông trên các kênh truyền hình, báo, đài; tổ chức cuộc thi video/ảnh đẹp Đà Nẵng; xuất bản ấn phẩm, quà tặng bộ nhận diện thương hiệu… Đồng thời, truyền thông trên các kênh quốc tế, nội địa phù hợp với từng thị trường, truyền thông và làm kết hợp qua các tập đoàn, các đại lý du lịch (OTA); truyền thông qua các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, đặc biệt hướng đến thị phần khách lẻ…
Đơn cử, với thị trường khách Hàn Quốc (chiếm thị phần cao trong thị trường khách quốc tế), các hoạt động truyền thông của ngành du lịch hướng đến như: xây dựng trang mạng xã hội Naver của du lịch Đà Nẵng; đón các đoàn presstrip, KOLs; đặt hàng báo chí tại Hàn Quốc viết bài PR; gửi E-newsletter các thông tin nổi bật của Đà Nẵng đến các đối tác Hàn Quốc, tăng cường nội dung tiếng Hàn trên Cổng thông tin Du lịch Đà Nẵng tiếng Hàn và các mạng xã hội hiện có của Đà Nẵng (Instagram, Youtube).
Đoàn famtrip lữ hành Cộng đồng các quốc gia độc lập gồm 6 đại diện các công ty lữ hành tại Kazakhstan và Uzbekistan đến tham quan, khảo sát tại Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tăng cường xúc tiến ở các thị trường mới
Năm nay, ngành du lịch dự báo một số thị trường khách truyền thống sẽ có sự sụt giảm; do đó đẩy mạnh xúc tiến ở các thị trường mới được chú trọng. Ngay trong tháng 1, thành phố đã đón đoàn famtrip gồm 25 đại diện của các hãng lữ hành tại Philippines đến tham gia khảo sát các tuyến điểm du lịch tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch xúc tiến phát triển đường bay trực tiếp từ Manila (Philippines) – Đà Nẵng do hãng Cebu Pacific Air khai thác với tần suất 7 chuyến/tuần và đường bay thuê chuyến do hãng Royal Air khai thác với tần suất 4 ngày 1 chuyến.
Bên cạnh đó, đoàn famtrip lữ hành CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) gồm 6 đại diện các công ty lữ hành tại Kazakhstan và Uzbekistan đến tham quan, khảo sát tại Đà Nẵng, góp phần đưa hình ảnh và điểm đến Đà Nẵng đến gần hơn với du khách tại các quốc gia trong Cộng đồng các quốc gia độc lập. Đồng thời, chuyến khảo sát mang đến cơ hội thúc đẩy việc trao đổi, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng và các công ty lữ hành từ từ Kazakhstan và Uzbekistan, chuẩn bị cho các chuyến bay từ Astana và Almaty đến Đà Nẵng dự kiến vào cuối tháng 3.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, Philippines là một trong những thị trường quan trọng, với 80.000 lượt khách đến Đà Nẵng trong năm 2024, tăng gấp 8 lần so với năm 2023. Với nền kinh tế phát triển ổn định, nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao, thị trường du lịch từ các quốc gia trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) cũng là một trong những thị trường hết sức tiềm năng, nhất là đối với những điểm đến mới lạ và đa dạng như thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh những hoạt động nhộn nhịp để khởi động năm mới 2025 như đón chuyến bay quốc tế và chuyến tàu biển đầu tiên đến Đà Nẵng đón các đoàn famtrip, blogger quốc tế đến Đà Nẵng khảo sát và triển nghiệm, dự kiến trong quý 1-2025, Sở Du lịch triển khai đồng loạt nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch đầu năm đến với các thị trường quốc tế như tham gia Hội chợ AIME (Úc), tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Ahmedabad (Ấn Độ) và tham gia Hội chợ SATTE Ấn Độ, đón đoàn famtrip lữ hành Úc đến Đà Nẵng, đón đoàn famtrip lữ hành golf quốc tế – AGTC 2025 cùng với nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá trên các trực tuyến, báo chí, KOLs và xúc tiến tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch đặc sắc trong năm.
NGỌC HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202501/dot-pha-trong-quang-ba-xuc-tien-du-lich-3999782/