Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố đặt những mục tiêu kinh doanh mới, đồng thời kỳ vọng vào tín hiệu tích cực của thị trường.
Công nhân sản xuất tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Tăng tốc sản xuất
Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC, quận Liên Chiểu) tăng tốc rõ rệt kể từ quý 4-2023 với tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhờ chi phí nguyên liệu sản xuất giảm như nguyên liệu gốc dầu (cao su tổng hợp, muội than đen…), cùng với đó giá cao su thiên nhiên tiếp tục duy trì ở mức hợp lý. Ngoài ra, chi phí vận chuyển quốc tế giảm tạo điều kiện thuận lợi cho DRC đẩy mạnh xuất khẩu lốp Radial. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc DRC cho biết, dự kiến doanh thu năm 2023 của công ty đạt khoảng 90% kế hoạch năm. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực của thị trường là cơ hội để công ty tăng tốc trong năm 2024. Dự kiến mảng lốp Radial sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi nhà máy Radial giai đoạn 3 đi vào hoạt động trong quý 2-2024, giúp nâng công suất lốp Radial từ hơn 600.000 lốp/năm lên 1.000.000 lốp/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động phát triển từng phân khúc thị trường chiến lược, tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (quận Liên Chiểu) đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 4-2024. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho hay, nhu cầu thị trường cải thiện từ quý 4-2023, vì vậy, công ty cũng tuyển thêm 150 lao động để đáp ứng sản xuất. Dự kiến doanh thu năm 2023 của công ty chỉ đạt 70% kế hoạch, tuy vậy, hơn 3.200 lao động của công ty vẫn bảo đảm thu nhập cùng các chế độ phúc lợi đầy đủ. Tại khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng (quận Sơn Trà) đang tuyển dụng thêm 400 lao động dịp cuối năm này vì đơn hàng tăng. Ông Mai Xuân Tú, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng thông tin, năm 2023, công ty sản xuất 2,6 triệu đôi giày cao cấp và thời trang các loại xuất khẩu với tổng doanh thu đạt 48 triệu USD. Từ quý 4-2023, đơn hàng tăng 12% so với trước đó, điều này tạo tâm lý phấn khởi cho người lao động.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q |
Đồng hành doanh nghiệp
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 của Cục Thống kê, ước tính giá trị tăng thêm toàn khu vực công nghiệp – xây dựng năm 2023 giảm 2,05% so với năm 2022, tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp tăng 0,33%. Một số ngành đóng góp vào mức tăng công nghiệp là khai khoáng tăng 15,75%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,17%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,58%… Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 6 – 6,3%; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo – lĩnh vực công nghiệp chủ lực, chiếm 14,5% trong tổng GRDP; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5 – 6%. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 3% so với năm 2023.
Để đạt mục tiêu trên, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố nhận định, cần các giải pháp hữu hiệu để lấy lại đà tăng trưởng, trong đó chú trọng các giải pháp duy trì nhịp độ của một số ngành sản xuất đang có mức tăng cao như sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất phụ tùng xe có động cơ… Thành phố có các giải pháp đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, góp phần mở rộng quy mô sản xuất đối với những ngành tăng trưởng chưa cao như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện; giấy và sản phẩm từ giấy. Đặc biệt, tập trung nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn những ngành đang trên đà giảm sâu như: chế biến gỗ; sản xuất kim loại và đúc sẵn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (đồ chơi trẻ em, thiết bị câu cá…). Thành phố cần tiếp tục khai thác tối đa, bền vững tiềm năng, nguồn lực của mình, song song là phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn lực, lao động, công nghệ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, một nguyên nhân lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp là là thiếu mặt bằng cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Chính vì vậy, trong năm 2024, sở tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố tập trung tạo ra quỹ đất mới, trong đó, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Cẩm Lệ, triển khai các bước để thu hút đầu tư các cụm công nghiệp mới; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới, tạo quỹ đất cho doanh nghiệp; từng bước bố trí sắp xếp các cơ sở sản xuất trong các khu dân cư vào ổn định sản xuất tại các cụm công nghiêp. Bên cạnh đó, sở tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
MAI QUẾ