Ngày 23-12, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp với đoàn công tác của thành phố Yokohama (Nhật Bản), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác (3R) tại thành phố Đà Nẵng do JICA tài trợ (giai đoạn 2).
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh cho rằng, trong 3 năm (2021-2024), dự án đã được thực hiện và đạt nhiều kết quả với sự hợp tác hiệu quả của thành phố Yokohama, sự hỗ trợ kỹ thuật của IGES. Hiện nay, bên cạnh việc phân loại rác có khả năng tái chế và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành các hành vi tái sử dụng để tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu hoặc từ chối sử dụng các sản phẩm để hạn chế phát thải ra môi trường, nhất là các loại rác thải nhựa, sản phẩm sử dụng một lần…, thành phố đang triển khai thí điểm phân loại chất thải thực phẩm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Thành phố đang cần sự hỗ trợ nguồn lực, kể cả kinh nghiệm và kỹ thuật của thành phố Yokohama nói riêng và Nhật Bản nói chung trong triển khai các giải pháp về quản lý rác, nhằm đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật về nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ xử lý và tái chế rác thải; giáo dục môi trường trong trường học và cộng đồng; quản lý môi trường đô thị và nông thôn; quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường…
Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện dự án, TS Yasuhiko Hotta, Giám đốc Ban sản xuất và tiêu dùng bền vững thuộc IGES đề nghị thành phố cập nhật kế hoạch tổng thể quản lý rác của Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các mục tiêu như tăng phạm vi thu gom chất thải, giảm tỷ lệ chôn lấp rác trực tiếp và khuyến khích đầu tư vào các cơ sở chuyển hóa chất thải thành năng lượng…; quản lý rác thực phẩm và áp dụng hệ thống tính phí rác thải theo thể tích. Đồng thời, thành phố cần có chính sách về tái chế, tăng cường các sáng kiến phân loại rác hiện có, giải quyết các vấn đề về rác tái chế có giá trị thấp; thiết lập các quy trình tái chế bền vững và hiệu quả về chi phí, phù hợp với sự hợp tác của người dân và công tác quản lý ngân sách…
HOÀNG HIỆP
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/de-nghi-nhat-ban-tiep-tuc-ho-tro-nguon-luc-quan-ly-rac-sinh-hoat-3997597/