Hơn nửa tháng qua, tranh thủ thời tiết giảm mưa và có nhiều ngày nắng ráo, các nhà thầu nỗ lực khắc phục khó khăn về mặt bằng, huy động thêm nhân lực, phương tiện cơ giới đẩy nhanh tiến độ làm việc, bù đắp khối lượng thi công bị ảnh hưởng trong mùa mưa lũ.
Xe múc và xe trộn bê-tông tươi được huy động đến công trường từ sáng sớm để tranh thủ mực nước sông Yên hạ thấp, đổ bê-tông dầm chân kè. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Sáng sớm 8-1, nhận thấy mực nước sông Yên tại hạ lưu đập dâng An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) hạ xuống mức rất thấp, các công nhân đã tranh thủ cơ hội thuận lợi khó gặp này để thi công dầm chân kè bờ tả ở sát mép nước.
Ông Khương Minh Nghị, đại diện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO cho biết, công ty đảm nhận thi công kè dài 5.176m trong tổng số 7.708m kè bờ tả lẫn bờ hữu thuộc dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên đoạn từ hạ lưu đập An Trạch đến cầu Sông Yên và ngã ba sông Cẩm Lệ (trên địa bàn 3 xã: Hòa Tiến, Hòa Khương và Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Trong mùa mưa lũ năm 2023, trời mưa nhiều hơn mọi năm và mực nước sông Yên dâng cao liên tục nên công tác thi công kè gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, thời tiết đã thuận lợi, công ty tăng thêm công nhân và phương tiện để thi công. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có được mặt bằng để thi công kè dài 1.822m, phần còn lại gặp khó khăn. Do đó, công ty mong các cơ quan và chính quyền địa phương sớm bàn giao thêm mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2024.
Còn Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 3 (đơn vị thi công 2.532m kè còn lại) Ngô Đinh Trường thông tin: “Hiện nay, thời tiết đã thuận lợi, mực nước sông Yên cũng đã hạ thấp. Bên cạnh đó, Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang đang tích cực giải quyết mặt bằng từng khu vực với diện tích lớn để thi công thuận lợi và hiệu quả. Công ty sẽ tăng cường nhân lực, phương tiện để tranh thủ thời tiết và mặt bằng được bàn giao để đẩy nhanh tiến độ thi công, bù đắp khối lượng bị ảnh hưởng do mưa lũ”.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng (đơn vị được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư, điều hành dự án), đến nay, khối lượng các hạng mục của dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên đoạn từ hạ lưu đập An Trạch đến cầu Sông Yên và ngã ba sông Cẩm Lệ đã được thi công với giá trị gần 45 tỷ đồng, đạt hơn 42% tổng giá trị gói thầu. Dự án có tổng cộng 626 hồ sơ đền bù giải tỏa, nhưng hiện còn khoảng 260 hồ sơ chưa được hoàn tất bàn giao mặt bằng.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng Phan Trọng Tài cho hay, dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên đoạn từ hạ lưu đập An Trạch đến cầu Sông Yên và ngã ba sông Cẩm Lệ có thời hạn hoàn thành vào tháng 8-2024. Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án đang phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Đơn vị phối hợp với Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, chính quyền các địa phương và đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công công trình.
Còn tại dự án Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Quá Giáng tại huyện Hòa Vang, trong tổng số 210 hồ sơ đền bù giải tỏa để phục vụ thi công dự án, hiện có 103 hồ sơ được phân kỳ giải tỏa trong giai đoạn 1 đã cơ bản được thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chỉ còn một số hồ sơ do tách, nhập thửa đất đang được các đơn vị liên quan kiểm tra, giải quyết. Theo Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, đối với 107 hồ sơ được phân kỳ đền bù giải tỏa trong giai đoạn 2 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đến hết quý 3-2024.
Trong khi đó, tại công trình Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Vĩnh Điện đoạn qua khu vực Thị An, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) với chiều dài 397m, dù gặp khó khăn do trời mưa nhiều nhưng nhờ công tác giải phóng mặt bằng đã gần hoàn thành, nhà thầu đang tranh thủ thời tiết khô ráo để thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đang chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để bù đắp khối lượng bị ảnh hưởng vì mưa lũ, phấn đấu hoàn thành công trình trong tháng 4-2024.
Đơn vị cũng đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án Kè chống sạt lở bờ sông Cu Đê đoạn thượng lưu cầu Trường Định với tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng; đoạn kè bờ hữu sông Túy Loan đoạn qua xã Hòa Phú với chiều dài khoảng 3km; đoạn kè bờ tả sông Túy Loan đoạn qua xã Hòa Nhơn với chiều dài khoảng 4,9km; đoạn kè bờ hữu sông Túy Loan đoạn qua xã Hòa Phong với chiều dài khoảng 0,8km… Đây là những đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, việc đầu tư xây dựng các đoạn kè tại các vị trí xung yếu này để bảo vệ đất đai, tài sản, hệ thống cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân.
HOÀNG HIỆP