Nhằm chủ động trong đấu tranh chống buôn lậu lâm sản, phòng chống cháy rừng và bảo vệ rừng hiệu quả, lực lượng kiểm lâm thành phố tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, nhiệm vụ…
Công tác quản lý bảo vệ rừng được các địa phương, lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng của các chủ rừng phối hợp chặt chẽ, bám sát thực tế. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Trong năm 2024, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn phối hợp các địa phương và cơ quan chức năng triển khai nhiều đợt kiểm tra, truy quét, ngăn chặn chặt phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép. Cụ thể, đơn vị tổ chức 135 đợt (tăng 18,4% so với năm 2023) tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng; phát hiện và hủy 2 lán trại, 282 bẫy kẹp sắt, 21 lồng bẫy sắt, 376 dây bẫy loại dây phanh xe đạp, 8 bẫy lồng bằng cọc gỗ… Đồng thời phối hợp cùng đội liên ngành thực hiện 119 đợt tuần tra, nhắc nhở 2.169 du khách bảo đảm công tác phòng chống cháy rừng, không xâm hại rừng trái phép và không cho khỉ ăn, xả rác.
Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho hay, qua triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và kế hoạch đã mang lại hiệu quả đáng kể, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn quản lý. Đơn vị chú trọng phối hợp, kiểm tra, giám sát và đôn đốc hoạt động tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng của các nhóm hộ nhận khoán theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng; tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động những quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, phòng cháy và chữa cháy rừng trên các tuyến đường trong khu dân cư và trên bán đảo Sơn Trà.
Đối với công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, đơn vị kiểm tra, khoanh vùng những vùng trọng điểm dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng để bố trí lực lượng trực, tuần tra, kiểm tra thường xuyên và theo dõi đề phòng lửa rừng; phân công trực, tuần tra kể cả ban đêm để theo dõi trong những ngày nắng nóng cao điểm, ngày lễ, ngày nghỉ.
Tại huyện Hòa Vang, hiện có hơn 58.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 17.000ha diện tích rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 69,46%. Dịp trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa triển khai kiểm tra, truy quét ngăn chặn chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép trên lâm phận rừng đặc dụng.
Cụ thể, đơn vị chú trọng các khu vực trọng điểm có nguy cơ tác động cao như vùng giáp ranh với thành phố Huế (tiểu khu 1, 2, 5, 12, 20), vùng giáp ranh tỉnh Quảng Nam (tiểu khu 31, 33, 37, 39, 43, 46, 54), tuyến La Sơn – Túy Loan; tiểu khu 29, 39; các nguy cơ xảy ra lấn chiếm đất rừng trái phép tại tiểu khu 52, 53, 54. Với 6 tổ công tác, các đoàn kiểm tra, truy quét của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa chủ động bố trí lực lượng ra quân, bảo đảm tính đồng bộ, bí mật, bất ngờ và hiệu quả. Thời gian đến, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa tiếp tục tổ chức tuần tra, kiểm tra truy quét xuyên suốt trên lâm phận quản lý nhằm giữ vững lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa không bị tác động.
Theo thống kê, hiện trạng rừng của toàn thành phố có 43.061ha rừng tự nhiên, 19.670ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,77%. Năm 2024, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương triển khai 738 đợt kiểm tra, truy quét tại rừng; 79 đợt kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Qua kiểm tra đã phát hiện, tháo gỡ và tiêu hủy nhiều lán trại, bẫy kẹp sắt, lồng bẫy sắt…
Mặt khác, chi cục xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong công tác lâm nghiệp vùng giáp ranh giữa Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng và Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế, giúp tạo thuận lợi cho các đơn vị trực thuộc có căn cứ để xây dựng kế hoạch và tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp vùng giáp ranh xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, chi cục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp từ sớm với các đơn vị và UBND xã, phường có rừng rà soát hiện trạng, phân vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và tình hình địa bàn để cập nhật bổ sung cho phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp nhằm bảo đảm ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, giảm thiểu các thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra.
Các đơn vị trực thuộc cũng đã tham mưu UBND các xã, phường thành lập 19 tổ xung kích; 79 tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, khu dân cư gần rừng, ven rừng với 1.386 người tham gia; hướng dẫn 26 đơn vị đóng quân trên địa bàn và 824 hộ gia đình, chủ rừng, hoạt động trong rừng, ven rừng ký cam kết chấp hành nội quy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Quách Hữu Sơn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các địa phương, lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng phối hợp chặt chẽ, bám sát thực tế, cập nhật thường xuyên, kịp thời diễn biến tình hình bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố.
Thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng trồng trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng khoảng từ 45-47%. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.
TRẦN TRÚC
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/day-manh-tuan-tra-quan-ly-bao-ve-rung-4001076/