Nửa đầu năm 2023, ngành du lịch Đà Nẵng rất nỗ lực để tổ chức các sự kiện, hoạt động để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, những người làm du lịch, nhất là các đối tác quốc tế cho rằng, Đà Nẵng dù có nhiều cố gắng song vẫn cần có thêm các sản phẩm du lịch mới, thật sự đặc sắc để thu hút khách, cạnh tranh với các điểm đến quốc tế lân cận.
Cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc hơn nữa để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.H |
Tăng cường ứng dụng công nghệ số
Là đơn vị chuyên khai thác khách Hàn Quốc, ông Jun Byoung Moon, Giám đốc Khách sạn Stay và Công ty Mode Tour cho rằng, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng hiện nay không nhiều như trước dịch do khách có xu hướng tìm các điểm đến mới. Khách đi du lịch lần đầu thường sẽ thông qua công ty du lịch, nhưng những lần tiếp theo khách sẽ chọn tự đi.
Vì thế, các đơn vị lữ hành muốn khai thác khách đi nhiều lần thì phải có các chương trình ưu đãi, giảm giá; tạo thuận lợi trong việc di chuyển, đi lại. Bên cạnh đó, quy trình nhập cảnh cần đơn giản hóa hơn nữa; thành phố cũng cần tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc như té nước, lễ hội bia…; đầu tư thêm những địa điểm nổi tiếng để tạo sự khác biệt đối với những vùng miền khác.
Ngoài ra, để thu hút khách, các đơn vị lữ hành, khách sạn, các hãng hàng không phải bắt tay nhau, xây dựng những gói sản phẩm giảm giá, ưu đãi thu hút khách hơn. Không chỉ các đơn vị lữ hành, lưu trú mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đang ngày càng nâng cấp, hoàn thiện thêm các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Mới đây, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng phối hợp với Hãng hàng không Korean Air triển khai các kiot tự làm thủ tục dành cho hành khách bay của hãng này. Ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho biết, sau thời gian đưa dịch vụ mới này vào hoạt động, công ty sẽ đánh giá lại việc triển khai thành công hệ thống tự làm thủ tục và hệ thống ra cửa tàu bay tự động, công ty sẽ làm việc với các hãng hàng không có khai thác dịch vụ tại Nhà ga quốc tế Đà Nẵng để tích hợp dữ liệu vào phần mềm, sớm đưa vào sử dụng hệ thống tự ký gửi hành lý.
Sau khi 3 hệ thống: tự làm thủ tục, ra cửa khởi hành tự động và hệ thống ký gửi hành lý tự động được sử dụng đồng bộ thì du khách sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình làm thủ tục, từ đó có thêm thời gian để trải nghiệm các dịch vụ tại Nhà ga quốc tế Đà Nẵng.
Ông Hậu chia sẻ: “Chúng tôi luôn cho rằng số hóa trong hàng không là rất quan trọng, sử dụng công nghệ chạm trong việc làm thủ tục đã được các quốc gia, các sân bay trên thế giới sử dụng và hiện AHT tham gia sâu vào quá trình số hóa này để rút ngắn quá trình làm thủ tục, bảo đảm thời gian làm thủ tục ngắn nhất có thể cho hành khách”.
Ông Đỗ Trọng Hậu cho biết thêm, từ đầu năm đến nay số lượng hành khách quốc tế thông qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng tăng dần qua các tháng. Trong tháng 6, mỗi ngày sân bay có khoảng 45 chuyến bay đi, 45 chuyến bay đến tương đương mỗi ngày có khoảng 6.000 khách đi, 6.000 khách đến, trong tháng 7 con số khách đi và đến dự kiến tăng lên 8.000 khách mỗi lượt.
Cùng với sự nỗ lực của thành phố, ngành du lịch và các sở, ban, ngành liên quan, AHT đang phối hợp xây dựng, kết nối các đường bay từ Ấn Độ, thị trường Úc… Cùng với việc giữ thị trường khách mục tiêu Hàn Quốc, công ty kỳ vọng Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến thu hút đông khách du lịch quốc tế.
Thay đổi cách tiếp cận với khách hàng tiềm năng
Thu hút khách luôn là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo Tổng giám đốc Khu du lịch nghỉ dưỡng Furama Resort Da Nang Nguyễn Đức Quỳnh, để thu hút các thị trường khách, đã đến lúc cần có những cách tiếp cận khách hàng một cách sâu sắc hơn. Với các thị trường khách quốc tế, thành phố nên làm việc với các hãng hàng không như dành một nguồn ngân sách nhất định để quảng bá điểm đến Đà Nẵng trên các tạp chí của các hãng hàng không; quảng cáo trên các kênh OTA (Online Travel Agent: là đại lý du lịch trực tuyến, bán các sản phẩm dịch vụ du lịch như phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay…); hay ứng dụng công nghệ thông qua các ứng dụng chat box, chat GPT trong việc cung cấp thông tin sớm nhất tới các khách hàng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá, có thể thấy Đà Nẵng là một trong những địa phương phục hồi khách du lịch tốt nhất trong cả nước thông qua các chuyến bay đến tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn thu hút khách quốc tế như hiện nay thì phải tính đến các thị trường bù đắp.
Với Đà Nẵng thì thị trường Đông Bắc Á vẫn là thị trường mục tiêu để xúc tiến, quảng bá như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc); tiếp đến là thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Singapore, Phillipines, Indonesia… Khi có thông tin các đường bay mới sẽ mở, thì ngành du lịch và các doanh nghiệp cần nhanh chóng có kế hoạch xúc tiến, tổ chức các chuyến famtrip (khảo sát dịch vụ) cho các hãng lữ hành để kết nối đối tác, dịch vụ, mở kênh bán…
Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, thời gian đến, ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp khôi phục phát triển thị trường khách quốc tế thông qua các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài như: chương trình xúc tiến du lịch tại Indonesia và Phillipines dự kiến cuối tháng 8-2023; xúc tiến tại Hàn Quốc dự kiến quý 3 và Nhật Bản dự kiến cuối tháng 9; tham gia quảng bá du lịch 3 địa phương tại Malaysia dự kiến tháng 10; tham dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB tại Singapore dự kiến cuối tháng 10; xúc tiến đón các chuyến tàu biển…
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng có các chương trình xúc tiến tại chỗ như xây dựng video quảng bá từng thị trường khách; đón các đoàn famtrip nội địa; đoàn famtrip MICE Đông Nam Á; famtrip cưới Ấn Độ…; các sự kiện trong các tháng cuối năm như Cuộc thi Marathon quốc tế (tháng 8); Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng và Giải BRG Open Golf Championship Danang 2023 (cuối tháng 8), Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc (tháng 9)…
Đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch mới như hình thành tour du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc, mô hình du lịch nông nghiệp mới tại Hòa Vang; các khu, điểm du lịch cũng tạo thêm các sản phẩm du lịch mới để tăng sức hấp dẫn; tham mưu để hình thành các sản phẩm như triển khai Kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030; phương án tạo điểm check-in và hoa tại tuyến đường du lịch Võ Nguyên Giáp; tiếp tục khai thác mô hình thí điểm bãi biển đêm Mỹ An, Khu phố du lịch An Thượng…; nghiên cứu xây dựng “Chuẩn văn hóa du lịch Đà Nẵng”, “Chuẩn chất lượng cao đối với dịch vụ và sản phẩm du lịch Đà Nẵng”…
THU HÀ