Ứng dụng công nghệ số để rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện thủ tục
Theo TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về bản chất khu thương mại tự do là khu vực kinh tế đặc biệt do Chính phủ quy định, nơi hàng hóa có thể nhập khẩu, lưu trữ, chế biến, sản xuất và tái xuất mà không chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu hay các loại thuế khác. Các ưu đãi thuế, hải quan và thủ tục hành chính đơn giản là yếu tố quan trọng giúp khu thương mại tự do thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
Để thu hút đầu tư hiệu quả trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần thực hiện tốt vấn đề tạo thuận lợi thương mại từ đó tối ưu khả năng lưu chuyển hàng hóa |
TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, từ thực tế thành công của nhiều mô hình khu thương mại tự do trên thế giới, tiêu biểu như các khu thương mại tự do tại Đức, Singapore, Trung Quốc, UAE đều cho thấy việc giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính và ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa thời gian thực hiện tục hành chính, từ đó tạo thuận lợi thương mại, đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư. Vì vậy, đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, chính quyền thành phố phải làm sao phải đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, số hóa các quy trình quản lý kho bãi, ứng dụng chuyển đổi số trong xử lý thủ tục hải quan để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả và hỗ trợ cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Cùng quan điểm, ông Trần Quang Huy – Giám đốc vận hành DP Word (đơn vị quản lý, khai thác cảng cạn tại Đặc khu kinh tế Savannakhet (SEZ, Lào), đại diện Công ty Savan Logistics cho rằng, cần có những hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước về mặt thủ tục, giấy tờ để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được thuận lợi. “Thay vì làm bằng giấy thì có thể khai báo hải quan online. Thực tế hiện nay vẫn còn khai báo hải quan giấy. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục”, ông Trần Quang Huy khuyến nghị.
Các chuyên gia, nhà đầu tư trao đổi các giải pháp pháp thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng tại Diễn đàn ‘Khu Thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics TP. Đà Nẵng’ do Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây |
Tăng cường vai trò của hải quan
Theo chuyên gia, trong tạo thuận lợi thương mại cho xuất nhập khẩu nói chung, cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng nói riêng, ngoài sự nỗ lực của Bộ Công Thương cần tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan hải quan.
“Tạo thuận lợi thương mại một cách tối đa như là một cơ chế, mô hình quản lý thuận lợi đã và đang giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh nổi trội của các khu thương mại tự do tại Dubai (các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) trở thành một hub về thương mại, vận tải, logistics. Và Đà Nẵng có thể xem đây là một mô hình học tập trong việc tối ưu hóa thời gian, thủ tục hải quan”, ông Nguyễn Duy Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam gợi mở.
Ông Nguyễn Ngọc Thuyên – Đại diện Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới tại Việt Nam cho rằng, để Khu thương mại tự do Đà Nẵng thực sự là thương mại tự do, từ đó định vị được vai trò của Đà Nẵng như là một hub (trung tâm) về thương mại của khu vực, thế giới, có vai trò rất quan trọng của cơ quan hải quan trong việc hỗ trợ nhanh quá trình thực hiện các thủ tục hải quan. “Sự xuất hiện và tham gia sâu của Hải quan đóng vai trò rất quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại song hành với Bộ Công Thương”, ông Nguyễn Ngọc Thuyên nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Thuyên – Đại diện Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới tại Việt Nam cho rằng cùng với Bộ Công Thương, sự tham gia sâu của Hải quan đóng vai trò rất quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại |
Theo đại diện Cảng Đà Nẵng, hoạt động của Khu thương mại tự do Đà Nẵng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố lưu chuyển hàng hóa. “Hải quan tại các cửa khẩu cần thực hiện phương châm “hai cửa khẩu một điểm dừng” với thiết bị hiện đại, con người chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua đây”, ông Lê Quảng Đức – Phó Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng đề xuất.
Dự thảo Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng đang được xây dựng đặt mục tiêu dài hạn hướng đến đưa Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành khu vực có sức cạnh tranh trên thế giới, nâng tầm phát triển của cả nước. Mục tiêu phát triển, đến năm 2030, Khu thương mại tự do Đà Nẵng đóng góp trực tiếp từ 1 – 2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trong đó, công nghiệp trong Khu thương mại tự do đóng góp 1,2%; thương mại – dịch vụ đóng góp 2,6%; thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, kinh tế từ Khu thương mại tự do sẽ đóng góp 9,5% GRDP Đà Nẵng (công nghiệp 8,8%; thương mại – dịch vụ 10,9%), thu hút khoảng 90.000 lao động. Đến năm 2050, Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng đóng góp 17,9% GRDP Đà Nẵng (công nghiệp 13,2%; thương mại – dịch vụ 22,3%) và là nơi làm việc của 127.000 lao động. |