Chỉ còn khoảng hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đặc sản Đà Nẵng rộn ràng bước vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Các đơn vị đang tất bật chuẩn bị nguồn nguyên liệu, nhân công, kết nối các đại lý, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Nhiều sản phẩm OCOP Đà Nẵng được bày bán phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm và dịp Tết sắp đến. TRONG ẢNH: Người dân, du khách chọn mua hàng đặc sản Đà Nẵng tại chợ Hàn. Ảnh: MAI LY |
Chuẩn bị nguồn nguyên liệu, tăng công suất sản xuất
Tại cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (200/1 Ông Ích Đường), quận Cẩm Lệ) của ông Huỳnh Đức Khiển, hàng chục công nhân nhào bột, nướng bánh, đóng gói, phân loại. Ông Khiển cho hay: “Bánh khô mè, khô nổ là bánh truyền thống của địa phương. Tết đến, nhiều gia đình có nhu cầu mua nên bán rất chạy. Cơ sở của tôi đang chuẩn bị hàng cho dịp Tết và thuê thêm nhân công.
Tầm đầu tháng 12 âm lịch, cơ sở sẽ gửi hàng Tết cho các đại lý, cửa hàng và dự kiến dịp Tết năm nay sẽ sản xuất khoảng 300.000 – 500.000 gói bánh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp đôi so với ngày thường”. Hiện tại, bánh khô mè và bánh khô nổ của cơ sở ông Khiển có giá dao động từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng, tùy theo loại bánh và khối lượng. Tuy nhiên, giá một số nguyên liệu đầu vào tăng so với cùng kỳ năm trước, chẳng hạn mè loại 1, giá những tháng trước là 75.000 đồng/kg, nhưng nay là 100.000 đồng/kg.
“Gần đây, giá cả một số nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công, vận tải cũng có xu hướng tăng buộc chúng tôi phải điều chỉnh giá bán sản phẩm trong thời gian tới. Dự kiến, mỗi sản phẩm có thể tăng thêm 5.000 đồng; cơ sở sản xuất sẽ lập lại bảng báo giá gửi đến các đại lý, cửa hàng”, ông Khiển chia sẻ.
Thời điểm này, làng nghề bánh tráng Túy Loan cũng bắt đầu nhộn nhịp hơn do các cơ sở chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường dịp Tết. Ông Doãn Thanh Bình (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), hộ sản xuất bánh tráng Túy Loan cho biết, cơ sở đang nhận đơn đặt hàng dịp Tết chủ yếu là bánh tráng gạo, bánh tráng nướng, bánh tráng nhúng, thịt xông khói, thịt heo ngâm nước mắm, củ kiệu… Đây là những sản phẩm truyền thống có sức tiêu thụ mạnh dịp Tết nên lượng đơn hàng tăng mạnh vào mùa này. Bên cạnh cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, cơ sở của ông Bình còn làm việc với một số đối tác xuất khẩu hàng sang nước ngoài nên dự kiến lượng hàng dịp Tết tăng gấp 10 lần ngày thường.
Vào dịp Tết cổ truyền, nước mắm cũng là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt là nước mắm nhỉ, mắm đặc sản. Bà Nguyễn Thị Cẩn, chủ cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm Dì Cẩn (phường Nam Dương, quận Hải Châu) cho hay, nước mắm cá cơm cho dịp Tết đã được muối từ tháng 3 âm lịch để đạt độ chín, bây giờ chỉ cần lọc qua rây và đóng chai. Hiện nguyên liệu để sản xuất một số loại mắm có giá cao hơn trước, giá bao bì và băng keo đóng gói cũng tăng nhẹ. Dù vậy, cơ sở vẫn cố gắng giữ giá, “lấy công làm lời” để bù cho phần chi phí gia tăng. Kinh doanh mắm đã 51 năm, hiện cơ sở của bà Cẩn có hơn 10 loại như mắm cá cơm, mắm nêm, mắm dưa, mắm cà, mắm tôm, mắm ruốc, mắm cá thu,…
Theo bà Cẩn, những năm gần đây các loại mắm vẫn không tăng giá, nước mắm cá cơm loại 1 có giá 100.000 đồng/lít, nước mắm cá cơm loại 2 có giá 70.000 đồng/lít, mắm dưa có giá 45.000 đồng/hũ,… Bà Cẩn có 4 quầy bán mắm ở chợ Hàn do các con của bà đứng bán; lượng hàng bảo đảm cung cấp cho các tỉnh, thành phố và các đối tác xuất sang nước ngoài vào dịp Tết.
Các cơ sở làm bánh khô mè tại quận Cẩm Lệ đang tất bật cho vụ Tết. Ảnh: MAI LY |
Đa dạng sản phẩm OCOP
Vào cuối năm và dịp Tết, thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng trở nên sôi động hơn. Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã bắt đầu nhận các đơn hàng và tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP nhằm tìm kiếm thị trường. Một số cơ sở sản xuất chả bò đạt chứng nhận OCOP như Thảo Sinh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), Hùng Hồng (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đang nghe ngóng tình hình thị trường để sản xuất số lượng hợp lý.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, chủ cơ sở chả bò Hùng Hồng, chả bò, chả heo bảo quản đông lạnh được 2 tháng; nem, tré bảo quản không được lâu nên cơ sở không làm hàng sẵn. Thông thường gần Tết các bạn hàng quen thuộc mới báo số lượng, cơ sở sản xuất theo đơn đặt hàng và chỉ làm thêm một lượng hàng vừa phải để bán cho khách lẻ.
Chả bò của cơ sở là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao của quận Hải Châu nên được nhiều người dùng chọn mua dịp Tết. Sản phẩm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cũng đạt chuẩn OCOP 4 sao. Sản phẩm có mặt trên kệ hàng của nhiều cửa hàng đặc sản ở Đà Nẵng và được xuất đi nhiều tỉnh, thành phố. Các sản phẩm OCOP hiện này được cải tiến về hình thức đóng gói, đóng hộp để đáp ứng nhu cầu sử dụng và biếu tặng của khách hàng.
Chị Hồ Thị Thùy Trâm, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi Min Kai (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho hay, cơ sở sản xuất quanh năm nhưng đầu tháng 12 âm lịch mới đẩy mạnh làm hàng để phục vụ dịp Tết. Mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất 100kg lạp xưởng, vì công suất lớn nên lượng hàng luôn bảo đảm. Những ngày gần Tết cơ sở sẽ làm việc liên tục và tuyển thêm công nhân. Dự kiến, sản lượng cho mùa Tết năm nay khoảng 1.200-1.500kg, tăng 50% so với ngày thường. Sản phẩm lạp xưởng tươi Min Kai đạt chứng nhận OCOP 4 sao nên được nhiều khách hàng tin tưởng. Nhiều đơn vị, công ty đặt hàng lạp xưởng của cơ sở để tặng quà cuối năm cho nhân viên nên dịp Tết lượng hàng bán ra nhiều hơn và nhanh hơn so với ngày thường.
MAI LY
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202411/dac-san-da-nang-vao-mua-lam-hang-tet-3994743/