Gần 1 năm kể từ khi Đà Nẵng triển khai những bước đi cụ thể về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, thành phố đạt những kết quả bước đầu trong xúc tiến thu hút đầu tư, chuẩn bị điều kiện và hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Để đón đầu cơ hội vàng, thành phố tiếp tục triển khai những giải pháp để tăng tốc phát triển ngành công nghiệp này.
Đà Nẵng đang chuẩn bị các điều kiện tốt để phát triển ngành vi mạch bán dẫn. TRONG ẢNH: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) tặng quà lưu niệm cho ông Lee Jin Wook, Phó Tổng Giám đốc Nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics tại thành phố Pyeontaek, Hàn Quốc. Ảnh: P.V |
Bài 1: Những bước đi vững chắc
Những bước đi của thành phố trong thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao khi thể hiện rõ sự chủ động và quyết liệt, hướng tới mục tiêu từng bước hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đồng bộ.
Tăng xúc tiến đầu tư
Ngày 10-10-2023 đánh dấu mốc thời gian Đà Nẵng đặt bước đi đầu tiên và cho thấy quyết tâm phát triển ngành vi mạch bán dẫn khi UBND thành phố tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn – vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”. Hội thảo được thực hiện ngay sau khi có tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào tháng 9-2023. Trong tuyên bố chung nêu rõ: “Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao; ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu…”. Lãnh đạo thành phố xác định: đây là cơ hội cần nắm bắt và triển khai cụ thể trong tình hình mới.
Ngay sau đó, tháng 11-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đoàn công tác thành phố đến làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Intel… Trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023 tại Hoa Kỳ, UBND thành phố ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển bán dẫn trên địa bàn Đà Nẵng thời gian tới với Tập đoàn Synopsys. Cuối tháng 2-2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh dẫn đầu đoàn công tác của lãnh đạo thành phố tới Hoa Kỳ làm việc với các doanh nghiệp: Qualcomm, ARM, Ampere… Trong chuyến công tác, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) phối hợp với chính quyền bang Oregon và Đại học Portland tổ chức hội thảo đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ sau các chuyến công tác, nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ đánh giá khả quan tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, AI của thành phố; tiến hành khảo sát môi trường đầu tư và chuẩn bị các điều kiện để hợp tác đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tại thành phố. Cụ thể, hai tập đoàn Qualcomm và Marvell đã có chuyến tham quan thực địa và làm việc với lãnh đạo thành phố vào đầu năm 2024. Vào cuối tháng 4-2024, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Tập đoàn Nvidia Keith Strier dẫn đầu có buổi làm việc tại Đà Nẵng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của tập đoàn trong vòng 4 tháng, qua đó tìm hiểu các điều kiện đầu tư tại Đà Nẵng.
Kết quả từ công tác xúc tiến đầu tư là giữa tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Marvell quyết định mở văn phòng thiết kế chip tại Đà Nẵng. Ngay sau đó, ngày 30-5, Công ty TNHH Synopsys Việt Nam khai trương văn phòng mới tại Đà Nẵng với diện tích sử dụng 2.800m2, bố trí khoảng 280 chỗ làm việc. Việc công ty khai trương văn phòng mới, kết hợp với văn phòng trước đây giúp mở rộng diện tích làm việc lên hơn 400 chỗ.
Đầu tháng 7-2024, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác thành phố tới Hàn Quốc, trong đó đáng chú ý là các buổi làm việc tại nhà máy sản xuất bán dẫn của Tập đoàn Samsung Electronics, Công ty TNHH Dentium, Công ty KP Aero… Sau chuyến công tác, ngày 2-8, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng để trao đổi thêm về hợp tác giữa hai bên. Cùng với các chuyến công tác, xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng đã tiếp đón và làm việc với khoảng 30 tập đoàn, doanh nghiệp lớn về vi mạch bán dẫn, AI trong 7 tháng năm 2024.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Synopsys Nam Á đánh giá, sau hội thảo ngày 10-10-2023, rất nhiều cuộc làm việc với các công ty thiết kế chip hàng đầu thế giới, cũng như các hãng có nhà máy sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn đã được xúc tiến tại Đà Nẵng hay tại Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Chính quyền thành phố thể hiện tầm nhìn và quyết tâm lớn từ các thủ tục, cơ chế chính sách đến xây dựng hạ tầng để đón các nhà đầu tư. Đặc biệt, ngày 26-6-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và một trong những lĩnh vực được hưởng các chính sách ưu đãi là vi mạch bán dẫn.
“Như vậy, chính sách đặc thù đã có, nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang được đào tạo cùng với quyết tâm của thành phố thì Đà Nẵng sẽ thành công trong phát triển công nghiệp bán dẫn và giữ vị thế tiên phong”, ông Lâm nói.
Đà Nẵng chủ động phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Ảnh: M.QUẾ – Đồ họa: QUỐC CƯỜNG |
Sẵn sàng các cơ chế, chính sách, hạ tầng
Đà Nẵng ở vị trí trung độ của cả nước với cơ sở hạ tầng phát triển, bao gồm giao thông, sân bay quốc tế và các dự án đô thị. Thành phố đã và đang chuẩn bị quỹ đất, các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, khu công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch bán dẫn, AI; hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư. Đà Nẵng có 1 khu công nghệ cao và 3 khu công nghệ thông tin tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Dự kiến công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2024; đồng thời, thành phố chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phù hợp cũng như đầu tư thêm 3 khu công nghệ thông tin mới.
Một bước đi quan trọng của thành phố để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nói chung và lĩnh vực vi mạch bán dẫn nói riêng là thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và đi vào hoạt động vào ngày 26-1-2024. Trung tâm có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng thiết kế vi mạch bán dẫn và AI; hỗ trợ thu hút đầu tư vi mạch bán dẫn và AI; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và AI. DSAC được Bộ TT&TT đánh giá là trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch và AI.
Ngày 8-3-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 460/QĐ-UBND thành lập hai tổ triển khai đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” gồm: Tổ công tác và Tổ tư vấn. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND thành phố điều phối, xây dựng và tổ chức triển khai đề án; triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn; nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố. Tổ tư vấn có nhiệm vụ giúp UBND thành phố góp ý kiến tư vấn, phản biện về nội dung đề án và các chủ trương, chính sách liên quan; tham gia các hội nghị, hội thảo của thành phố về phát triển chip bán dẫn và vi mạch. Đến nay, đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng” tiếp tục được các bên liên quan xây dựng và dự kiến ban hành cuối năm 2024.
Đặc biệt, ngày 13-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là 1 trong 5 nhóm ngành quan trọng, đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho Đà Nẵng trong thời gian đến. Ngay sau đó, Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội thông qua các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, AI như: chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân; chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngành vi mạch bán dẫn; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học…
Để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15, thành phố đang tập trung xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển vi mạch bán dẫn và AI, góp phần nhanh chóng kiến tạo môi trường thuận lợi, thu hút mạnh mẽ đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thành phố, cũng như phát triển nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Bảo Anh, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam, Quản lý nhóm Cộng đồng vi mạch Việt Nam, cho biết Đà Nẵng đang là điểm sáng về năng động, nhanh chóng phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Có thể thấy, thành phố khẩn trương lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp để xây dựng đề án, các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn lực vi mạch cũng như thu hút đầu tư; các trường đại học tăng tốc đào tạo, phối hợp đào tạo ngành thiết kế vi mạch… Những điều này thể hiện mong muốn rất lớn của chính quyền thành phố để phát triển ngành công nghiệp “tỷ đô” – công nghiệp vi mạch bán dẫn.
“Tôi đang cùng các cộng sự xây dựng một công ty thiết kế vi mạch có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở tại Đà Nẵng. Điều này rất sát với những kế hoạch và chính sách của thành phố trong việc thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực vi mạch. Tôi mong rằng Đà Nẵng xây dựng được một hệ sinh thái vi mạch đa dạng và năng động, bao gồm nhiều bước khác nhau trong chuỗi cung ứng vi mạch. Hệ sinh thái này không chỉ có những tập đoàn lớn mà còn rất nhiều các công ty nhỏ và vừa”, ông Bảo Anh kỳ vọng.
MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202408/da-nang-voi-co-hoi-phat-trien-nganh-vi-mach-ban-dan-3984623/