Dù số lượng doanh nghiệp vi mạch trên địa bàn thành phố chưa nhiều, nhưng các doanh nghiệp này đang phát triển nhanh chóng, góp phần đưa Đà Nẵng từng bước xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch.
Nhân viên tại Chi nhánh Công ty TNHH Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng (quận Hải Châu) đang làm việc. Ảnh: M.Q |
Mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng
Những ngày đầu tháng 12-2023, gần 300 nhân viên tại Chi nhánh Công ty TNHH Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng đang tập trung cao nhất để hoàn thành công việc theo yêu cầu của các đối tác trong và ngoài nước. Chi nhánh Công ty TNHH Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng được thành lập vào tháng 1-2020 với 169 nhân viên sau khi Tập đoàn Synopsys (Hoa Kỳ) mua lại Công ty TNHH eSilicon Việt Nam. Qua gần 4 năm hoạt động, nhân sự công ty tăng 70% và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Vừa qua, tại sự kiện Intel Innovation của Tập đoàn Intel diễn ra vào tháng 9 tại Hoa Kỳ, ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Intel cho ra mắt mẫu chip 3 nanomet đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối đa khuôn của nhà cung cấp Synopsys Việt Nam thiết kế. Nếu như trước đây, mỗi chip chỉ có một khuôn silicon (ví như một bộ não) thực hiện các chức năng như tính toán thì công nghệ này cho phép hàng chục khuôn kết nối với nhau trong cùng một con chip. Điều này giúp tăng khả năng và tốc độ của chip lên tới hàng chục lần.
Được biết, đây là giải pháp thiết kế chip tiên tiến với sự tham gia của nhiều kỹ sư Synopsys tại Đà Nẵng, khẳng định dấu ấn của các kỹ sư vi mạch làm việc tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, phụ trách phát triển các dự án công nghệ cao của Chi nhánh Công ty TNHH Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, đội ngũ kỹ sư thiết kế của Synopsys Đà Nẵng đang tham gia phát triển hầu hết các sản phẩm chính của Synopsys, bao gồm: lõi IP tốc độ cao, bộ nhớ nhúng, thiết kế ASIC, quản lý chất lượng sản phẩm và các bộ phận khác. Thời gian tới, Synopsys tiếp tục đầu tư và phát triển mở rộng tại Đà Nẵng với tỷ lệ 15%/năm tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và chất lượng nhân lực tại thành phố.
Cũng vào giữa tháng 9-2023, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS, thành viên Tập đoàn FPT) khai trương văn phòng đại diện và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Khu công nghiệp Đà Nẵng (quận Sơn Trà). Việc thành lập Trung tâm R&D tạo mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về năng lượng sạch và tái tạo, kiểm định chỉ số carbon, định vị Đà Nẵng là trung tâm quốc tế về đổi mới sáng tạo và cung cấp giải pháp công nghệ tiên tiến.
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT cho biết, Trung tâm R&D tại Đà Nẵng sẽ phát triển các giải pháp công nghệ chủ chốt như: chip bán dẫn, chăm sóc sức khỏe thông minh, nền tảng tự động hóa akaBot…, qua đó giới thiệu thêm nhiều sản phẩm công nghệ mới và khuyến khích di dời các trung tâm sản xuất công nghiệp từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trung tâm R&D khác từ các đối tác quốc tế đến Đà Nẵng. Mới đây nhất, tại hội thảo “Chuyển đổi số sản xuất trong thời đại mới: khi Automation kết hợp AI” do Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức vào giữa tháng 12-2023, đại diện FPT IS và Dell Technologies (Tập đoàn Dell) cho hay sẽ phối hợp cùng thành phố tháo gỡ các nút thắt trong vận hành, thúc đẩy kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần vào mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu mới ở châu Á.
Cần nhiều hỗ trợ
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Tại Đà Nẵng hiện nay có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư. Tuy vậy, việc sản xuất của các doanh nghiệp chủ yếu ở những công đoạn có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói.
Theo ông Nguyễn Bảo Anh, các doanh nghiệp vi mạch trên địa bàn thành phố chủ yếu là văn phòng đại diện và số lượng chưa nhiều. Để có thêm doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vi mạch đầu tư tại Đà Nẵng, thành phố cần tập trung vào các vấn đề: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, cơ sở hạ tầng tốt hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, điều kiện kinh doanh, pháp lý thông thoáng và ưu đãi về thuế quan và các chi phí từ chính quyền.
Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng phân tích, ngoài những chính sách chung của Trung ương, Đà Nẵng cần có những chính sách đặc thù, đột phá trong việc hỗ trợ hình thành và phát triển công nghiệp vi mạch, tập trung chủ yếu vào đào tạo nhân lực, hỗ trợ hình thành hệ sinh thái công nghiệp vi mạch, đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch. Cụ thể, có chính sách hỗ trợ thực chất, trọng điểm cho một số trường đại học trên địa bàn thành phố có năng lực đào tạo nhân lực vi mạch; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo không chỉ cho thiết kế, sản xuất vi mạch mà còn cho các hoạt động ứng dụng vi mạch, để nhanh chóng hình thành cộng đồng công nghiệp vi mạch, góp phần tạo môi trường thu hút đầu tư cho công nghiệp vi mạch của thành phố.
Trong khi đó, ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty CP Toàn Cầu Xanh cho rằng, để phát triển công nghiệp vi mạch, thành phố cần tập trung vào đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng hành cùng thành phố, thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng sẽ tổ chức hoặc phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch; tổ chức các diễn đàn, hội thảo về vi mạch. Đây chính là cơ hội để nắm bắt các nhu cầu của nhà đầu tư, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp địa phương bảo đảm tiêu chí để triển khai hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch của thành phố.
MAI QUẾ