ĐNO – Sáng 26-7, tại Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố năm 2024 với tình huống “mất an ninh nguồn phóng xạ nhóm A”. Tham dự có Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi.
Thực hiện: QUỐC CƯỜNG – VĂN HOÀNG
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ.
Từ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố trên địa bàn thành phố.
Kịch bản diễn tập tập trung vào việc củng cố khả năng phối hợp và nâng cao năng lực ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho một số lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố.
Hoạt động diễn tập là cơ sở để đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố đã được phê duyệt với điều kiện thực tế, từ đó điều chỉnh, bổ sung kịp thời, góp phần hoàn thiện kế hoạch trong những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu khai mạc tại buổi diễn tập trong sáng 26-7. |
Đây là lần thứ 7 thành phố tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố theo Kế hoạch số 6819/KH-UBND ngày 27-8-2015 về việc ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, tình huống diễn tập là tại dây chuyền chiếu xạ của Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ Đà Nẵng, xảy ra sự cố nguồn Co-60 bị móc vào thùng chứa hàng đi ra khỏi buồng chiếu, nguy cơ mất an ninh, an toàn bức xạ hạt nhân.
Đồng thời, bức xạ từ thanh nguồn, có khả năng gây cháy thùng hàng. Nhận thấy tình huống có khả năng vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, Trung tâm đã báo cáo và đề nghị sự trợ giúp từ phía cơ quan chức năng.
Tại đây, các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố đã thực hiện các nhiệm vụ như: đưa thanh nguồn về bể chứa nguồn; đo đạc, đánh giá suất liều khu vực buồng chứa hàng; chữa cháy; chăm sóc y tế; đánh giá nhiễm bẩn phóng xạ cho nạn nhân và lực lượng tham gia ứng phó; thực hiện tiêu tẩy vệ sinh buồng chứa hàng (mô phỏng buồng chiếu hàng và bể chứa nguồn tại hiện trường diễn tập)…
Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá cao công tác diễn tập xử lý sự cố bức xạ, hạt nhân của thành phố Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, Đà Nẵng là một trong những địa phương được phê duyệt diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân khá sớm. Đây là buổi diễn tập tại một cơ sở chiếu xạ công nghiệp, sử dụng nguồn phóng xạ nhóm A- mức cao nhất trong các nguồn phóng xạ.
Kịch bản xây dựng khá phù hợp với hoạt động hạng mục cơ sở chiếu xạ công nghiệp và là sự cố tiêu biểu trên thế giới đã từng xảy ra. Việc xây dựng kịch bản đánh giá hiểu biết của cơ sở trong quá trình vận hành, thao tác nguồn phóng xạ; năng lực kỹ thuật, trình độ, sự phối hợp của các lực lượng trong quá trình xử lý sự cố.
Cục trưởng cũng lưu ý trình tự xử lý sự cố đầu tiên cần phải đánh giá tác động con người, sau đó đến đánh giá an toàn bức xạ. Trong quá trình xử lý, Đà Nẵng đã sử dụng robot, đây là biện pháp an toàn cao nhất, tránh tác động trực tiếp gây rủi ro cho con người.
Mặt khác, dù đã diễn tập theo kịch bản, song cần chú ý đến các tình huống có thể xảy ra thực tế. Chẳng hạn khi chưa đưa được nguồn ra thì ngọn lửa đã bùng cháy lớn, do đó, cần ưu tiêu chữa cháy để tránh lan truyền từ phóng xạ cũng như những tác động lâu dài. Sau khi dập tắt đám cháy, các lực lượng cần tiếp tục xử lý vấn đề về chiếu xạ, nhiễm xạ…
Sau khi phát hiện sự cố, các lực lượng nhanh chóng được điều động đến hiện trường. |
Lực lượng y tế nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ sơ cứu, chăm sóc nạn nhân trong lúc chờ lực lượng kiểm tra nhiễm bẩn cho nạn nhân. |
Đơn vị hỗ trợ kỹ thuật thiết lập điểm kiểm soát ra vào khu vực nguy hiểm, bố trí cán bộ kiểm tra an toàn bức xạ tại khu vực hoạt động của lực lượng ứng phó sự cố. |
Cơ sở chiếu xạ lập tức khởi động robot VINA-Res tiến vào buồng chiếu xạ gắp thanh nguồn bị móc vào thùng hàng thả xuống bể chứa nguồn để hạ suất liều ở khu vực chiếu hàng trở về mức bình thường. |
Lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khống chế đám cháy sau khi đưa thanh nguồn vào bể chứa nguồn. |
Các lực lượng phòng cháy chữa cháy được cán bộ đo nhiễm bẩn phóng xạ sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ. |
Sau khi ngọn lửa được khống chế, lực lượng hỗ trợ kỹ thuật mặc quần áo chuyên dụng chống phóng xa để đo đạc, đánh giá tình trạng nhiễm bẩn phóng xạ tại khu vực buồng chiếu xạ. |
Tiểu đoàn phòng hóa, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tiến hành tẩy xạ khu vực và vật thể nhiễm bẩn phóng xạ để bảo đảm an toàn. |
VĂN HOÀNG – QUỐC CƯỜNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202407/da-nang-dien-tap-ung-pho-su-co-buc-xa-hat-nhan-3978442/