Để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, sở, ban, ngành và các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với mục tiêu chung là cải cách hành chính hiệu quả, nâng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” của UBND quận Hải Châu. Ảnh: M.Q |
Tăng tốc số hóa
Tính đến ngày 2-7-2024, UBND quận Hải Châu đã tiếp nhận và xử lý 5.829 hồ sơ thủ tục hành chính bao gồm lĩnh vực chứng thực, không có hồ sơ quá hạn, trễ hạn, số lượng hồ sơ trực tuyến 3.207/3.207 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%. Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi thông tin, UBND quận đã số hóa 2.666/2.957 kết quả giải quyết thủ tục hành chính phát sinh mới, đạt tỷ lệ 90%; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực năm 2022. Hiện quận đang triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực giai đoạn 2020-2021.
Trong khi đó, 13 phường trên địa bàn quận đã thực hiện số hóa 9.568/9.708 kết quả giải quyết thủ tục hành chính phát sinh mới, đạt tỷ lệ 99%, hiện các phường đang triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực giai đoạn 2020-2022. Các phường triển khai nhiều hoạt động mô hình mới nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, cụ thể: UBND phường Hòa Thuận Tây triển khai mô hình “Dịch vụ công không giấy – không tiền mặt”, xây dựng ứng dụng “Hoa Thuan Tay smart” trên mạng xã hội Zalo với nhiều tiện ích chuyển đổi số; UBND phường Hải Châu 1 triển khai mô hình “30 phút vì nhân dân phục vụ”; UBND phường Thạch Thang triển khai mô hình “Trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo” trên trang thông tin điện tử phường…
UBND quận Sơn Trà là địa phương hai năm liên tiếp (2022-2023) dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính khối quận, huyện. Để có kết quả trên, UBND quận đã triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, việc cập nhật kịp thời, đầy đủ số liệu “một cửa” từng tháng, danh sách trễ hẹn, nguyên nhân trễ hẹn… được UBND quận và các phường bảo đảm 100%.
Theo đó, tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của quận là 100%. Qua khảo sát có gần 100% phiếu đánh giá của người dân là hài lòng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Để tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến và số hóa hồ sơ cao hơn, quận đặt mục tiêu triển khai cung cấp mới ít nhất 2 danh mục dữ liệu mở, bảo đảm 100% cơ quan Nhà nước phát triển, cung cấp dữ liệu mở theo danh mục dữ liệu mở thành phố phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu.
Trong khi đó, Sở Công Thương là một trong các sở, ban, ngành có số lượng hồ sơ tiếp nhận lớn, tuy vậy sở vẫn bảo đảm tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt gần 100%. Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết sở tổ chức rà soát, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp theo hướng thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân là trung tâm; giao nhiệm vụ cho bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của sở cùng các phòng chuyên môn liên hệ, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của sở để thống nhất ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4 (toàn trình) đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở. Từ đó, tạo thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp.
Các thủ tục hành chính được niêm yết đầy đủ tại bảng niêm yết bộ phận một cửa, cũng như trang thông tin điện tử của Sở Công Thương tại địa chỉ socongthuong.danang.gov.vn, hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố tại địa chỉ: egov.danang.gov.vn và Cổng dịch vụ công thành phố dichvucong.danang.gov.vn.
Tiếp tục triển khai các giải pháp
Tại kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố khóa X vừa qua, HĐND thành phố thông qua và ban hành hai nghị quyết, theo đó tiếp tục khẳng định người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Đó là Nghị quyết số 34/2024/NQ-HĐND ngày 30-7-2024 quy định về chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND ngày 30-7-2024 quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 trên địa bàn thành phố. Cả hai nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10-8-2024 đến 31-12-2025.
Cụ thể, Nghị quyết số 34/2024/NQ-HĐND quy định hỗ trợ tối đa mỗi hộ 2 triệu đồng/thiết bị, áp dụng với hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn thành phố mà tất cả thành viên trong hộ đều chưa có điện thoại thông minh, mỗi hộ hỗ trợ 1 lần. Dự kiến thành phố sẽ hỗ trợ 1.800 hộ gia đình. Trong khi đó, Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND quy định hỗ trợ 3 triệu đồng/tổ/năm cho các Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 để phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố. Có thể nói, các chính sách là hỗ trợ thiết thực để tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, bởi không phải người dân nào cũng có điều kiện mua các thiết bị thông minh.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho hay, UBND các phường, xã đang kiểm tra, rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố chưa có điện thoại thông minh. Sau khi hoàn thành, UBND phường, xã sẽ gửi UBND quận, huyện kiểm tra, tổng hợp. Theo quy định, trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, UBND các quận, huyện xác nhận, ban hành quyết định gửi Sở TT&TT. Sau đó, Sở TT&TT lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định để báo cáo UBND thành phố. Về hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06, sở phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát số lượng các tổ trên địa bàn, sau đó tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND thành phố bổ sung kinh phí theo quy định.
Để có những giải pháp phù hợp triển khai trong thời gian đến, Sở TT&TT đã ban hành Văn bản số 1868/STTTT-CNTT ngày 9-8-2024 thông tin tình hình, kết quả triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, toàn trình. Theo đó, Sở TT&TT đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện báo cáo các giải pháp đã áp dụng tại đơn vị, địa phương, qua đó triển khai thêm các dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo khuyến nghị của Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT).
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, sở đã đề xuất UBND thành phố có văn bản gửi Bộ TT&TT về các nội dung: đôn đốc các bộ, ngành sớm công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc; cho phép bưu điện (đại lý dịch vụ công trực tuyến) tham gia khâu thay mặt người dân nộp hồ sơ trực tuyến, hiện các bưu điện mới tham gia khâu trả kết quả; kế thừa dữ liệu số để giảm thành phần hồ sơ, đặc biệt là bỏ các thủ tục hành chính cấp lại… Qua đó, hướng tới mục tiêu tái cấu trúc quy trình và ứng dụng công nghệ số để chuyển hầu hết thủ tục hành chính lên toàn trình.
Năm 2024, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số với chủ đề “Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội” với 48 chỉ tiêu, trong đó: 6 chỉ tiêu do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao và 42 chỉ tiêu riêng của thành phố. Hiện nay, thành phố đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, cũng như triển khai thêm nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công như tái cấu trúc quy trình và ứng dụng công nghệ số chuyển hầu hết thủ tục hành chính lên “toàn trình”; 15% tỷ lệ thủ tục hành chính được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số; 70% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số; có 30 bộ dữ liệu mở tạo ra giá trị, sản phẩm mới; hỗ trợ người dân điện thoại thông minh để bảo đảm 100% hộ dân có điện thoại thông minh… |
MAI QUẾ – CHIẾN THẮNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202409/da-nang-dien-hinh-dich-vu-cong-truc-tuyen-toan-trinh-bai-cuoi-no-luc-de-hai-qua-ngot-3985636/