Theo đánh giá của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tại báo cáo Chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024 công bố ngày 10-7, Đà Nẵng là điển hình dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cả nước với thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 97%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình là 66%. Trước kết quả trên, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT) đề nghị thành phố đẩy mạnh cung cấp tối đa các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình để các địa phương khác tham khảo, triển khai. Vậy Đà Nẵng đã, đang và sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu trên?
Trung tâm giám sát điều hành thông minh thành phố đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ảnh: M.QUẾ |
Bài 1: Hạ tầng đi trước
Tính đến tháng 7-2024, tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình cả nước đạt 48%, trong đó tỷ lệ trung bình của các bộ, ngành đạt 61%; cấp tỉnh, thành phố đạt 17%. Còn Đà Nẵng đạt tỷ lệ 66%, tăng 46% so với cuối năm 2023 (gấp gần 4 lần tỷ lệ trung bình cấp tỉnh, thành phố). Để đạt kết quả trên, thành phố sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật đồng bộ các giải pháp trên cơ sở phát huy từ thế mạnh công nghệ thông tin.
Hạ tầng, dữ liệu liên tục nâng cấp, mở rộng
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết dịch vụ công trực tuyến toàn trình nghĩa là nộp hồ sơ trực tuyến, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng và trả kết quả điện tử qua mạng hoặc qua bưu chính. Như vậy, dịch vụ công trực tuyến toàn trình áp dụng cho các thủ tục hành chính đủ điều kiện khi quy định pháp luật chuyên ngành cho phép triển khai hoàn toàn qua mạng, công dân không cần đến cơ quan tiếp nhận để xuất trình bản chính hay trực tiếp ký giấy tờ. Thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến toàn trình cũng đồng nghĩa yêu cầu hạ tầng mạng đô thị, trung tâm dữ liệu, nền tảng và cơ sở dữ liệu thông minh của thành phố liên tục nâng cấp, mở rộng.
Đà Nẵng hiện có trạm cáp quang biển cập bờ tại phường Hòa Hải (quận Ngũ hành Sơn) với 2 tuyến cáp quang SMW và APG, với tổng dung lượng hiện tại là 55,132 Tb/s, chiếm 14,37% tổng dung lượng của 8 tuyến cáp quang biển Việt Nam, có thể mở rộng để đạt năng lực 40% cho các kết nối quốc tế của Việt Nam. Thành phố xây dựng được tuyến mạng đô thị (mạng LAN) với tổng chiều dài gần 400km cáp quang ngầm, kết nối 145 cơ quan, đơn vị, tổ chức; thí điểm, lắp đặt 8 trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ sóng rộng); phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) với 208 trạm Nb-IoT tại 7 quận, huyện trên địa bàn.
Kết quả tính đến tháng 7-2024, hệ thống đo tốc độ truy cập Internet i-Speed do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) ghi nhận Đà Nẵng có tốc độ mạng băng rộng di động cao nhất 63 tỉnh, thành phố cả nước với 75.84 Mpbs. Trước đó, tháng 4-2024, Đà Nẵng có tốc độ tải mạng băng rộng cố định cao nhất cả nước với 152.28 Mbps (thành phố Hải Phòng đứng thứ 2 với tốc độ trung bình 101.26 Mbps).
Song song, Đà Nẵng có trung tâm dữ liệu thành phố với dung lượng lưu trữ 115TB; Trung tâm dữ liệu VNPT với diện tích sàn 800m2, bố trí 100 rack – thiết bị lưu trữ và quản lý thiết bị điện tử tại các trung tâm dữ liệu; Trung tâm dữ liệu CMC diện tích sàn 200m2, 11 rack; Trung tâm dữ liệu Viettel có 100 rack. Hai trung tâm VNPT và CMC đạt chuẩn Tier-III về đánh giá thiết kế, vận hành, quản lý đối với cơ sở hạ tầng của một trung tâm dữ liệu. Dự kiến trung tâm dữ liệu của Công viên phần mềm số 2 có diện tích sàn 800m2, bố trí tối đa 80 rack. Các hạ tầng trên vận hành ổn định vì Đà Nẵng có mật độ trạm biến áp lớp nhất miền Trung – Tây Nguyên, cụ thể là 15 trạm biến áp 110kV với tổng công suất lắp đặt 1.331 MW, cùng với 4.873 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 2.341 MW.
Một hạ tầng quan trọng của thành phố góp phần tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình là vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng (IOC) từ ngày 14-8-2023. Theo đó, thành phố triển khai giám sát dịch vụ công thông minh thông qua IOC, trong đó có các dịch vụ giám sát, thống kê tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan, cảnh báo các cơ quan xử lý hồ sơ gần tới hạn, chưa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong vòng 4 giờ. Nhờ vậy, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giảm từ 3,6% trong năm 2023 xuống 0,1% trong 6 tháng đầu năm 2024 (chủ yếu là hồ sơ lý lịch tư pháp do cần phải xác minh tại các địa phương khác).
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ảnh: M.QUẾ |
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Công ty TNHH Phú Hải Hoàng (quận Thanh Khê) có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, vì vậy các thủ tục hành chính phát sinh nhiều. Trước đây, doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian cho công tác đóng phí bảo hiểm, các loại thuế và công văn pháp lý. Tuy nhiên, 1 năm gần đây thực hiện như các thủ tục hành chính thông qua trực tuyến giúp ông Trần Hữu Hải, giám đốc công ty, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ông Hải cho biết, dịch vụ công trực tuyến trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc số hóa các hồ sơ, thủ tục. Với gần 100% tổng số các thủ tục hành chính công trực tuyến được thực hiện toàn trình đã đáp ứng xu hướng làm việc từ xa của doanh nghiệp. Đặc biệt từ đầu năm 2024 đến nay, thu lệ phí cấp phép xây dựng với nhiều nhóm công trình được giảm 50% so với trước còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
Có được sự hài lòng của doanh nghiệp như trên là nhờ thành phố đang triển khai Nghị quyết số 89/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 quy định mức thu lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 31-12-2025, thành phố miễn thu lệ phí đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ tịch… áp dụng tại UBND phường, xã khi thực hiện dịch vụ trực tuyến; giảm 50% mức thu lệ phí cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình khác hoặc điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, hằng năm thành phố giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương; yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước khác; khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo ngành, lĩnh vực. Từ năm 2019, thành phố giảm thời gian xử lý đến 50% đối với hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp bằng cách đưa Cổng Dịch vụ công dưới dạng nền tảng lõi để thiết lập nhanh dịch vụ công trực tuyến vào hoạt động tại địa chỉ dichvucong.danang.gov.vn.
Cổng dịch vụ công trực tuyến thường xuyên cập nhật đáp ứng đầy đủ tiện ích, tiêu chí kỹ thuật theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, từ đó nâng hầu hết dịch vụ công trực tuyến lên mức toàn trình. Cổng dịch vụ công thành phố có một số chức năng, tính năng nổi bật so với các địa phương khác như nền tảng dịch vụ công tích hợp cổng thanh toán trực tuyến; tích hợp nền tảng công dân số; hình thành kho dữ liệu điện tử; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ ngoài một cửa trực tuyến toàn trình; tích hợp dịch vụ ký số của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia; tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cung cấp hồ sơ điện tử ký số; triển khai thông báo, giao dịch với người dân qua mạng xã hội Zalo… Tính đến đầu tháng 6-2024, đã có 8.527 lượt đánh giá tại Cổng dịch vụ công thành phố, trong đó tỷ lệ hài lòng đạt gần 100%.
100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình Theo Sở TT&TT, 6 tháng đầu năm 2024, thành phố triển khai 1.844/1.886 dịch vụ công trực tuyến (1.817 toàn trình và 27 một phần) và bảo đảm 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình; tích hợp 1.499 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 79,5%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến là 453/463, đạt tỷ lệ 97,8% (mục tiêu năm 2024 là 98%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 90%. |
MAI QUẾ – CHIẾN THẮNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202409/da-nang-dien-hinh-dich-vu-cong-truc-tuyen-toan-trinh-3985010/