TPO – Theo bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, có một số nhà đầu tư quan tâm liên hệ, xin thông tin tìm hiểu về chính sách Khu thương mại tự do Đà Nẵng, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư nào chính thức có văn bản đăng ký đầu tư vào.
Ngày 6/8, tại buổi họp báo của UBND TP. Đà Nẵng, các phóng viên đã dành nhiều câu hỏi cho lãnh đạo TP liên quan đến Khu thương mại tự do mà Quốc hội vừa đồng ý cho phép Đà Nẵng thí điểm triển khai.
Bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng – cho biết, Khu thương mại tự do là một tổ hợp các khu chức năng gồm khu thương mại – dịch vụ, khu logistics, khu sản xuất và các khu chức năng khác. Đà Nẵng dự kiến cần quy mô từ 1.000 – 1.500 ha tổng diện tích của các phân khu, có những vị trí lớn, nhỏ tùy vào yêu cầu, rải rác ở nhiều khu vực.
Bà Phương cho hay, có một số nhà đầu tư quan tâm liên hệ, xin thông tin tìm hiểu về chính sách Khu thương mại tự do Đà Nẵng, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư nào chính thức có văn bản đăng ký đầu tư vào.
Bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng – trả lời câu hỏi tại họp báo. |
Ông Trần Chí Cường – Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – cho biết, hiện nay trên thế giới và quanh khu vực rất nhiều Khu thương mại tự do nhưng nước ta chưa có. Khi Đà Nẵng đề xuất, đã có nhiều địa phương cũng mong muốn làm Khu thương mại tự do như Đà Nẵng, nhưng Trung ương giao cho Đà Nẵng thí điểm. Việc này thể hiện niềm tin đối với Đà Nẵng.
Theo ông Cường, sau khi được Quốc hội thông qua, việc quan trọng lúc này là Đà Nẵng đang chọn vị trí để đặt các phân khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do. Cùng với đó, cũng phải phải tính toán các vị trí để vừa đảm bảo là một khu vực có hàng rào kín, nhưng vẫn thúc đẩy sự phát triển của cả thành phố và lan tỏa ra các tỉnh, thành trong khu vực.
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói về Khu thương mại tự do tại buổi họp báo. |
Ông Cường cho hay, có nhiều ý kiến cho rằng các chính sách mà Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội quy định về khu thương mại tự do giống với khu kinh tế. Chính sách đó khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Theo ông Cường để có những chính sách mạnh thì cần thời gian. Ngày 1/1/2025 Nghị quyết 136/2024 tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng sẽ có hiệu lực. Từ nay đến đó, Đà Nẵng phải trình lên Thủ tướng đề án thành lập Khu thương mại tự do, đi kèm là các chính sách, thể hiện rõ những vị trí đặt các phân khu chức năng để được thông qua.
Cùng với đó, HĐND TP. Đà Nẵng sẽ phải xem xét thông qua gần 30 Nghị quyết liên quan đến quy trình thủ tục thực hiện Nghị quyết 136/2024 với khối lượng công việc rất lớn nhưng chỉ thí điểm trong 5 năm.
“Đến năm 2027, ít nhất Đà Nẵng phải hình thành được 1-2 phân khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do. Qua đó có căn cứ sơ kết Nghị quyết 136 và tiếp tục kiến nghị những chính sách mới để Khu thương mại tự do Đà Nẵng cạnh tranh được với các Khu thương mại tự do trong khu vực”, ông Cường cho biết.
Trong số các vị trí mà cơ quan chức năng Đà Nẵng đang lấy ý kiến để lập các khu chức năng của Khu thương mại tự do, đáng chú ý có vị trí đề xuất việc lấn biển.
Nói về câu chuyện lấn biển, ông Trần Chí Cường cho biết, ba mặt của TP. Đà Nẵng là núi, một mặt là biển. Thành phố không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Đà Nẵng phải giữ được môi trường bền vững để phát triển.
“Chỉ cần một vấn đề môi trường, khí hậu chắc chắc sẽ tác động đến Đà Nẵng rất nhiều, có thể từ trên núi đổ xuống, ngoài biển đổ vào… Thành phố cũng đã thấy và nhìn nhận được việc đó. Đà Nẵng không đánh đổi môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế. Nhiều dự án lớn vào, có thể nguồn thu lớn nhưng chúng ta chọn những gì đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường”, ông Cường khẳng định.