ĐNO – Chiều 17-8 tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, tổ chức hội thảo tham vấn khu vực miền Trung và Tây Nguyên về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh (thứ 2, từ phải sang) và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, từ trái sang) đồng chủ trì hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Bùi Nhật Quang; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đồng chủ trì hội thảo.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, 15 tỉnh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các viện nghiên cứu cùng các chuyên gia, nhà khoa học tham dự.
Quang cảnh hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Nghị quyết số 24-TQ/TW là nghị quyết đặc biệt quan trọng đối với ngành tài nguyên và môi trường và các địa phương, là định hướng chính trị để quản lý chặt chẽ, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước.
Sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, một trong những thành tựu nổi bật đó là sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và tư duy của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Những chủ trương lớn của Đảng đã từng bước được cụ thể hóa từ cách tiếp cận mục tiêu cũng như điều hành kinh tế – xã hội. Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng hơn. Môi trường được coi là điều kiện nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu đã được các ngành, lĩnh vực xây dựng tham mưu hoàn thiện theo hướng đồng bộ, phù hợp với cách tiếp cận của thế giới và xu thế của thời đại.
Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng bước chuyển biến, từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp.
Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng được nâng cao, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và góp phần bảo vệ các thành quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nguồn lực tài nguyên từng bước được điều tra, đánh giá đầy đủ hơn, được quản lý bền vững hơn nhưng cũng đã được khơi thông, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội được phân bổ theo vận hành của thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng quyền khai thác.
Tư duy bảo vệ môi trường đã được đổi mới căn bản công tác bảo vệ môi trường chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, đặc biệt là đối với các nguồn gây ô nhiễm lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những hạn chế cần được phân tích đầy đủ, khách quan, khoa học, trong quá trình tổng kết nghị quyết cần phải nêu đầy đủ, tổng hợp được những cái kết quả đạt được và những cái tồn tại, hạn chế; nêu rõ những bất cập, bối cảnh mới, các mục tiêu cụ thể…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, Đà Nẵng nằm ở vị trí khu vực Trung Trung Bộ, có bờ biển phạm vi đất liền dễ nhạy cảm với thời tiết cực đoan và chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu như thủy triều, gió bão, ngập lụt và nước biển dâng.
Về chủ trương phát triển kinh tế – xã hội, thành phố Đà Nẵng hướng tới đô thị sinh thái và có 3/5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trọng yếu của thành phố đều gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đó là: phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với logistics; phát triển sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
“Do vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng và vô cùng cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên và thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 27-CT/TU ngày 31-7-2023 để triển khai thực hiện”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thông tin.
Thành phố đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa vào Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa 12) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng thời trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố luôn lồng ghép và tích hợp các chỉ tiêu, nhiệm vụ vào để hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và tuần hoàn.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình hành động số 27-CT/TU, thành phố đã đạt được một số các kết quả tích cực. Thành phố đã quan tâm tập trung nhiều nguồn lực để quy hoạch, đầu tư các dự án quan trọng về đê, kè, các dự án hệ thống thu gom thoát nước, xử lý nước thải, rác sinh hoạt tại các khu đô thị, khu công nghiệp, góp phần xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, một số chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến nay đã đạt và vượt như chỉ số chất lượng không khí (IQ) luôn duy trì dưới mức 100, tỷ lệ nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn, 100 % hộ dân đã được sử dụng nước sạch, 100 % rác sinh hoạt được thu gom và xử lý, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,6%.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đã được các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng về công tác bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, thế giới ghi nhận những kỷ lục đáng lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự suy thoái tài nguyên đang diễn ra.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng bày tỏ tin tưởng hội thảo sẽ đề xuất những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách để hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế carbon thấp và đặc biệt là đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp thu các kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương bạn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bìa phải) tham dự hội thảo và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Cũng tại hội thảo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề xuất, để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tài nguyên cần được quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu; áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm; chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại đến tài nguyên do tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường công tác điều tra cơ bản, đánh giá chất lượng tiềm năng của tài nguyên.
Bên cạnh đó, cần củng cố, nâng cấp, xây mới các công trình (đê, kè bảo vệ bờ sông, biển, công trình thủy lợi…), bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản biến đổi khí hậu của quốc gia, khu vực, thành phố.
Cùng với đó, kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường carbon; thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải; đẩy mạnh các hành động giảm nhẹ khí nhà kính và tăng cường các bể hấp thu khí nhà kính; xây dựng cơ sở dữ liệu và biến đổi khí hậu, tăng cường cơ sở vật chất và đào tạo lực lượng chuyên nghiệp trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tăng cường hợp tác quốc tế…
HOÀNG HIỆP