Các ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử. Đây là vấn đề cấp bách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh thất thu thuế trước sự phát triển của kênh phân phối hiện đại.
Nhiều hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử được các cơ quan, đơn vị triển khai kiểm tra, giám sát. TRONG ẢNH: Lực lượng quản lý thị trường thành phố thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có gần 1.918 doanh nghiệp tham gia, giới thiệu gần 2.696 sản phẩm/dịch vụ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) thành phố tại website danangtrade.com.vn. Hầu hết, các đơn vị tham gia chủ yếu giới thiệu các mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ uống, dược liệu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Đối với các mặt hàng tiêu dùng khác như: quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm…, hầu như được các đơn vị kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội và các sàn TMĐT khác, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với hình thức kinh doanh này còn nhiều hạn chế.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, đối với hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, việc vi phạm trên môi trường mạng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Nguyên nhân đến từ việc các gian hàng trên mạng dễ tạo ra nhưng cũng dễ xóa đi, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc truy vết người bán hay kho hàng. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn có thói quen ưu tiên mua hàng giá rẻ trên mạng. Một vấn đề vi phạm, gian lận là thu thuế trong TMĐT.
Mặc dù Chính phủ đang nỗ lực sửa đổi nhiều quy định về thuế, nhưng pháp luật về thu thuế chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh này. Với quy định hiện hành, rất khó xác định căn cứ tính thuế hoặc phân biệt rõ thu nhập làm cơ sở đánh thuế; khó phân biệt một số loại thu nhập, nhất là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh trong kinh tế số; kiểm soát dòng tiền do người mua và người bán vẫn chuộng thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) hơn là sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng, trong 3 năm (từ năm 2020-2023), các đơn vị đã phát hiện bắt giữ, xử lý 46 vụ việc vi phạm trong hoạt động TMĐT. Trong đó có 3 vụ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 40 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 2 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ; xử lý vi phạm hành chính 40 vụ và thu nộp ngân sách gần 1,1 tỷ đồng.
Lực lượng quản lý thị trường thành phố kiểm tra tại một số cửa hàng, đơn vị. Ảnh: VIỆT ÂN |
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Sở Công Thương, hằng năm, sở đều triển khai, thực hiện các chương trình nhằm cụ thể hóa kế hoạch phát triển TMĐT thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; nhiệm vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 của ngành công thương; đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đến nay, sở đã tổ chức 2 hội thảo và 8 lớp tập huấn, đào tạo về kỹ năng, ứng dụng và tổng quan về TMĐT cũng như các giải pháp quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm trên môi trường trực tuyến, TMĐT xuyên biên giới, giải pháp bán hàng đa kênh, livestream bán hàng…
Qua đó, lồng ghép thông tin, giới thiệu về các quy định của pháp luật về TMĐT; tình hình, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, sở đã biên soạn, phát hành 3.500 tập gấp hướng dẫn quy trình đăng ký, thông báo website/ứng dụng TMĐT, quy định xử lý vi phạm; 6.000 tập gấp tuyên truyền “Pháp luật về TMĐT và hành vi vi phạm trong mua sắm trực tuyến” đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố, để quản lý chặt hoạt động kinh doanh TMĐT, lực lượng chức năng cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực TMĐT. Qua đó, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực TMĐT.
Mặt khác, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn; thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với lĩnh vực TMĐT cho các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT trong thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố nhận định, thời gian tới, vấn đề vi phạm, gian lận trong TMĐT dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Các đơn vị thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục tăng cường chặt chẽ công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan; chủ động nắm bắt phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để phòng ngừa, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ các tuyến quốc lộ vận tải hàng hóa vào địa bàn thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến TMĐT.
VIỆT ÂN