Xuất hiện từ những năm 2019-2020, loại hình xe ké, xe ghép, xe đi chung phát triển mạnh bởi tính tiện ích về thời gian, điểm đón trả khách. Đến nay, loại hình này tiếp tục cạnh tranh không lành mạnh đến thị trường vận tải, lữ hành trên địa bàn thành phố.
Các phương tiện xe ké, xe đi chung đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải truyền thống. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Nhiều cách đối phó sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng
Để biết sâu hơn phương thức hoạt động của các chủ xe đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dưới hình thức xe ké, xe ghép, xe đi chung, phóng viên Báo Đà Nẵng trong vai hành khách đi tìm hiểu dịch vụ này. Trong khoảng 2 tiếng đứng chờ xe (từ 13-15 giờ) tại đoạn giao Hoàng Văn Thái – Tôn Đức Thắng đã có khoảng trên 10 ô-tô 4-7 chỗ mời chào khách đi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… Với quãng đường từ thành phố Đà Nẵng đến trung tâm thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), giá vé được mời chào từ 120.000-150.000 đồng/lượt.
Sau đó, phóng viên lên xe biển màu trắng số hiệu 75A-265… tại đoạn đường Tôn Đức Thắng để đi vào thành phố Huế. Khi lên xe, chủ xe chở đi đón một số khách tại nhà các điểm trên địa bàn thành phố. Dù khách đã ngồi kín, nhưng nếu có khách, chủ xe vẫn “nhồi, nhét” thêm người. Theo lời kể của các chủ xe, mỗi ngày có thể chạy được từ 3-4 chuyến, nếu các ngày lễ sẽ tăng thêm lên 5-7 chuyến. Trung bình mỗi chuyến xe trừ các chi phí như nhiên liệu, cước điện thoại, bảo dưỡng, chủ xe thu lời từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/chuyến. Chủ xe cũng hướng dẫn thêm khách hàng vào một số hội, nhóm trên mạng xã hội để tiện đón xe khi có nhu cầu. Theo quan sát, mỗi ngày, trên các hội, nhóm sẽ có hàng chục bài đăng, tin nhắn thông báo chuyến, số điện thoại mời gọi khách đặt chỗ trước để đón.
Một số hành khách cho biết để tránh né lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiểm tra, các chủ phương tiện có nhiều cách như: trung chuyển khách bằng xe máy đến điểm tập kết; yêu cầu hành khách phối hợp trả lời khi bị lực lượng quản lý hỏi… Hoạt động của các loại hình xe ké, xe ghép, xe đi chung thường xuyên diễn ra khiến nhiều nhà xe cố định gặp khó khăn vì lượng khách giảm. Anh Phan Long Nhật, chủ một nhà xe Đà Nẵng – Huế cho hay, hiện nay, lượng khách của anh chỉ bằng 50-70% so với trước năm 2021. Một phần nguyên nhân theo anh đến từ việc người dân hạn chế đi lại, một phần từ sự cạnh tranh của nhiều xe ké, xe ghép, xe đi chung hoạt động rầm rộ. Anh rất mong muốn các cấp có thẩm quyền quản lý, kiểm soát loại hình này để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Khó khăn trong công tác quản lý, xử lý sai phạm
Trong thời gian tìm hiểu, phóng viên phát hiện một số phương tiện xe ké, xe ghép, xe đi chung sử dụng các biển số trắng (biển số dành cho phương tiện phục vụ cá nhân, gia đình, không phải xe kinh doanh vận tải); đồng thời, trên cửa kính phụ, sau đều dán phương thức liên lạc, đặt xe như: số điện thoại, Zalo, Facebook… để người có nhu cầu dễ dàng tìm kiếm. Việc các chủ xe kinh doanh vận tải nhưng không đổi sang biển nền vàng vi phạm vào khoản 8 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ khi cá nhân thực hiện hành vi phạm sử dụng ô-tô gia đình với mục đích sinh lợi nhuận mà không tiến hành đổi biển số phù hợp là một vi phạm rõ ràng theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền có thể bị áp dụng từ 4-6 triệu đồng/lỗi, đối với tổ chức, mức phạt từ 8-12 triệu đồng/lỗi đối với tổ chức chủ xe.
Dù đã có mức phạt cụ thể nhưng với cơ quan quản lý, để xác định hành vi vi phạm, có lỗi của các chủ phương tiện vẫn rất khó khăn. Vì vậy, ngành giao thông vận tải đang bổ sung dự thảo nhằm sửa đổi cơ chế phù hợp với công tác quản lý các loại hình vận tải mới như xe công nghệ, xe ghép, xe ké.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải, việc chọn ra phương pháp kiểm tra, quản lý loại hình phương tiện kinh doanh, vận tải ô-tô theo dạng xe công nghệ, xe ké, xe ghép, xe đi chung rất khó khi chủ các phương tiện này không di chuyển theo các tuyến cố định, phương thức hoạt động vô cùng tinh vi để tránh né sự kiểm tra, xử lý của lực lượng tuần tra. Trong trường hợp đơn vị phát hiện thông tin qua việc kiểm tra, tuần tra, trình báo của nhân dân về đón, trả khách, kinh doanh vận tải trái quy định sẽ lập biên bản, xử lý nghiêm. Trong thời gian tới, lực lượng vẫn sẽ tiếp tục thay đổi phương thức kiểm tra như tuần tra xử lý tại các điểm nóng; sử dụng camera theo dõi hoạt động phương tiện… Lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông cũng đã phối hợp nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, không đủ mạnh để ngăn chặn loại hình này.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) cho hay, theo quy định hiện hành, hoạt động đón, trả khách của loại hình xe ké, ghép là không được phép. Việc kiểm soát hoạt động này cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, do các đối tượng tìm cách đối phó với sự kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT như giả làm người thân; di chuyển tại những đường vắng, kiệt, hẻm; nhận khách trực tuyến… Để kiểm tra, xử lý hiệu quả các hoạt động, hành vi vi phạm giao thông, CSGT sẽ linh hoạt trong phương thức tuần tra, giám sát qua hệ thống camera nhằm xử lý nghiêm chủ xe sai phạm.
CHIẾN THẮNG