Ba Luật mới sẽ gỡ “nút thắt” cho thị trường, Hà Nội đồng ý chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện Khu đô thị Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng, chủ đầu tư không công khai dự án ‘cắm’ ngân hàng có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông” trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung” – để cung và cầu bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau. (Ảnh: Hải An) |
Ba Luật mới sẽ gỡ “nút thắt” cho thị trường
Thời gian tới, khi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó, các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản sẽ được thúc đẩy, phát triển hơn, nhiều “nút thắt” cũng sẽ được gỡ bỏ.
Đánh giá về các tác động của các bộ Luật liên quan tới BĐS vừa được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, các bộ Luật mới chắc chắn sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường. Bởi lẽ các bộ Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc này.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, việc đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực chính thức của 3 bộ Luật trên 5 tháng so với quy định sẽ góp phần tích cực tới thị trường BĐS. Điều này giúp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện Đề án nhà ở xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Dưới góc nhìn kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, các bộ Luật khi có hiệu lực sớm về mặt thời gian sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi đóng góp từ 12-14% GDP quốc gia. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là cho cả quá trình phục hồi kinh tế.
“Cả 3 bộ Luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các “nút thắt” cho thị trường khi 70-80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý. Đồng thời tạo nền tảng cho thị trường BĐS phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các Nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, để thị trường BĐS Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông” trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung” – để cung và cầu BĐS bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”. Trong đó, có mấy việc cần phải làm, cấp bách đúng nghĩa.
Thứ nhất, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường. Thứ hai, thông các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp kinh doanh BĐS và khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.
Thứ ba, xem xét các giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên. Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.
Quan trọng nhất, cần lưu ý các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Khơi thông vốn cho thị trường BĐS chính là khâu trọng yếu đó.
Theo ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết luật để đảm bảo các quy định này sớm đi vào thực tế, có như vậy việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các bộ Luật mới thực sự có ý nghĩa; sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS; sớm có giải pháp phát triển nhà ở xã hội như chỉ đạo của Ban Bí thư; sớm bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để đảm bảo có đủ căn cứ định giá đất và các hoạt động liên quan khác…
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường.
Đối với các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đang chưa được như kỳ vọng, đặc biệt, hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BĐS và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS.
Doanh nghiệp cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển BĐS hợp túi tiền, nhu cầu của người dân. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, cần có cái nhìn nhận mới, theo hướng là kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Hà Nội: Đồng ý chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện Khu đô thị Thanh Hà A, B và Khu đô thị Mỹ Hưng
UBND thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương cho Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà A, Thanh Hà B và KĐT Mỹ Hưng để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và hoàn thành các nội dung xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại KĐT Thanh Hà, làm cơ sở xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án theo quy định.
Ngày 17/7, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường; UBND các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai; Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 – CTCP và Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư các dự án đối ứng của Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức BT.
Tại văn bản, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 liên hệ với Sở Quy hoạch – Kiến trúc để được hướng dẫn thực hiện lập, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết các KĐT nêu trên theo quy định.
Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương rà soát về việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại KĐT Thanh Hà A, Thanh Hà B theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tại Thông báo số 190-TB/BCSĐ ngày 03/5/2024 và của UBND Thành phố tại các Thông báo: Số 279/TB-VP ngày 13/6/2023, số 502/TB-VP ngày 31/10/2023, tham mưu đề xuất về việc triển khai thực hiện các hạng mục, công trình trong KĐT đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, yêu cầu các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành Thành phố có liên quan hướng dẫn Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Chủ đầu tư không công khai dự án ‘cắm’ ngân hàng có thể bị phạt 1 tỷ đồng
Bộ Xây dựng đề xuất phạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng với chủ đầu tư không công khai thông tin đã thế chấp dự án BĐS.
Mức phạt trên đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Cụ thể theo dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đề xuất phạt 800 triệu – 1 tỷ đồng với 4 hành vi.
Thứ nhất, chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án BĐS đưa vào kinh doanh;
Thứ hai, đưa BĐS vào kinh doanh nhưng không đủ các điều kiện;
Thứ ba, chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh BĐS thuộc dự án không đảm bảo các điều kiện;
Thứ tư, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đảm bảo đầy đủ các điều kiện. Đối với hành vi này, chủ đầu tư còn bị đình chỉ kinh doanh từ 3 – 6 tháng với dự án có vi phạm.
Ngoài phạt tiền, chủ đầu tư còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh BĐS từ 3-6 tháng với dự án có vi phạm.
Với hành vi ký kết văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn cho phát triển nhà ở chưa đủ kiện, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền 600-800 triệu đồng. Nghị định 16 hiện hành không có khung tiền phạt ở mức này.
Ghi nhận trên thực tế, trong những năm qua, có nhiều dự án BĐS bị chủ đầu tư thế chấp ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà, người dân khốn khổ vì không được cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).
Tại TP.HCM, năm 2023, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), TP có 60 dự án nhà ở được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng. Trong đó có 41 dự án thế chấp từ năm 2016 – 2023 và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008 – 2011 khiến người mua nhà chưa được cấp sổ hồng.
Có 3 loại hình mà chủ đầu tư các dự án thế chấp gồm: thế chấp quyền sử dụng đất (đất); thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (đất và nhà); thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (nhà trên đất).
Theo quy định, trước khi làm thủ tục đề nghị cấp sổ hồng cho người mua nhà, chủ đầu tư phải giải chấp và nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để Sở TN-MT chỉnh lý, chuyển hình thức sử dụng đất sang hình thức sử dụng chung.
Tuy nhiên, thực tế có những chủ đầu tư không thực hiện xoá thế chấp khiến dự án bị “treo” sổ hồng trong thời gian dài. Như tại dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại, khách sạn tại ô đất HH2 khu đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội (tên thương mại dự án chung cư D’.ElDorado 2).
Nêu tại văn bản trả lời ý kiến của cư dân hồi cuối năm 2023, UBND TP.Hà Nội cho biết, tháng 12/2020, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ về việc thẩm định hồ sơ pháp lý cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà dự án. Nhưng dự án đang bị thế chấp tại ngân hàng.
Vì vậy, đến tháng 6/2022, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã ban hành thông báo về việc trả hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết do dự án chưa được giải chấp theo quy định.
Giữa năm ngoái, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tổ chức cuộc họp cùng Ban quản trị tòa nhà và chủ đầu tư để trao đổi và thống nhất những nội dung trên.
Thành phố Đà Nẵng về đêm. (Nguồn: Vietnamnet) |
Đà Nẵng lên kế hoạch xây hầm qua sông Hàn
UBND TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình thực hiện các dự án lớn theo nội dung Nghị quyết số 25 của HĐND TP. Đà Nẵng như: Di dời ga đường sắt, phương án và lộ trình đầu tư công trình hầm qua sông Hàn, tuyến hầm qua sân bay Đà Nẵng…
Trong đó, đối với công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình vượt sông Hàn (hầm qua sông Hàn) nằm trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 1287 với phân kỳ đầu tư giai đoạn 2031-2045.
Công trình này sẽ kết nối khu vực đường Đống Đa – Trần Phú, quận Hải Châu sang đường Vân Đồn – Trần Hưng Đạo, thuộc quận Sơn Trà.
Theo báo cáo, TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo, Sở GTVT Đà Nẵng đề xuất bố trí vốn năm 2024 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư… Sở GTVT đã chủ động làm việc với chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu các phương án cũng như rà soát, cập nhật vào các quy hoạch phân khu liên quan để đảm bảo tính thống nhất.
Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ xây dựng phương án khảo sát phục vụ công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế để lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Hiện tại, Sở GTVT đang phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, kế hoạch triển khai tiếp theo là hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư (dự kiến trong tháng 9/2024); dự kiến hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 12 và hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2025.
UBND TP. Đà Nẵng đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng thống nhất chủ trương bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư dự án công trình vượt sông Hàn trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn 2024 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.