TPO – Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn. Để thực hiện đề án phát triển nguồn lực cho ngành này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính toán, đến năm 2030, kinh phí cần 26.000 tỷ đồng.
Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng về đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050). Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, 17.000 tỷ đồng đến từ ngân sách Nhà nước. Kinh phí phân bổ làm 2 giai đoạn 2024-2025 (7.900 tỷ đồng), 2026-2030 (18.100 tỷ đồng).
Nguồn lực dự kiến phân bổ cho 5 nhóm: Đào tạo nguồn nhân lực (14.000 tỷ đồng); nghiên cứu và phát triển (1.500 tỷ đồng); đầu tư cơ sở vật chất (6.400 tỷ đồng); xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực (3.700 tỷ đồng); nhiệm vụ, giải pháp khác (400 tỷ đồng).
Nhóm nhiệm vụ đào tạo được phân bổ nguồn lực lớn nhất, dành cho các chương trình đào tạo chuyên ngành, tiếng Anh cho sinh viên, học viên, giảng viên; cấp học bổng; thu hút chuyên gia thỉnh giảng trong, ngoài nước.
Bắc Giang chuẩn bị nhân lực để đón đầu tư sản xuất bán dẫn. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
50.000 kỹ sư được đào tạo theo cơ cấu gồm 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ, 42.000 kỹ sư. Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Việc đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên cũng được triển khai song song. Những giảng viên này sẽ giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Trong việc đầu tư, vận hành các cơ sở phòng thí nghiệm về bán dẫn, căn cứ khả năng cân đối, ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư, xây dựng 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (1.000 tỷ đồng), Đại học Quốc gia Hà Nội (1.500 tỷ đồng), Đại học Quốc gia TPHCM (2.000 tỷ đồng) và tại thành phố Đà Nẵng (430 tỷ đồng).
18 phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn tại 18 trường đại học công lập cũng được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp. Mỗi phòng thí nghiệm được đầu tư 80 tỷ đồng.
Theo Bộ KH&ĐT, hiện số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn chưa mạnh cả chất lượng và số lượng. Việt Nam đặc biệt thiếu các tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng – người làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế để phát triển nên những chip bán dẫn mới. Khả năng làm việc bằng tiếng Anh, trong môi trường quốc tế của kỹ sư Việt Nam còn yếu.
Việt Nam cũng chưa có các trung tâm đào tạo, nghiên cứu lớn về bán dẫn. Số lượng giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm còn khiêm tốn. Cơ sở vật chất, nền tảng hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu phát triển ngành. Sinh viên qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ với nhân tài, chuyên gia nước ngoài chưa hấp dẫn.
“Khoảng hơn 2.000 người Việt Nam đang làm việc trong các tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn tại các quốc gia, nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu… Đây là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành, cần thiết phải xây dựng các cơ chế chính sách và đãi ngộ cạnh tranh, hấp dẫn để tăng tỷ lệ tham gia của nhóm nhân sự này với Việt Nam”, Bộ KH&ĐT chỉ ra.
Nguồn: https://tienphong.vn/can-26000-ty-dong-de-dao-tao-50000-ky-su-ban-dan-post1648211.tpo