Ngày 7-9, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng về việc tiếp nhận và chuyển giao hai chi tiết (con ốc và hoa sen liên quan bảo vật quốc gia – tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương) từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Hai địa phương đang triển khai các công việc cần thiết để sớm đưa hiện vật về với tượng, nhằm phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của bảo vật này.
Thuyết minh viên Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng giới thiệu về tượng Bồ tát Tara cho công chúng. Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm cung cấp |
Sau nhiều năm chờ đợi, những người quan tâm đến di sản văn hóa nói chung, văn hóa Chăm nói riêng đón nhận tin vui khi tỉnh Quảng Nam thống nhất chuyển giao hai hiện vật, gồm: con ốc và hoa sen – hai chi tiết bị thiếu của tượng Bồ tát Tara, từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Trong công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp Bảo tàng Quảng Nam để thực hiện thủ tục tiếp nhận, chuyển giao hiện vật thuộc bảo vật quốc gia theo đúng quy định.
Như vậy, câu chuyện về bức tượng là bảo vật quốc gia này bị thiếu hai chi tiết; trong đó Đà Nẵng giữ tượng, Quảng Nam giữ hai hiện vật trên cánh tay, từng tốn không ít giấy mực của báo chí và giới nghiên cứu, cuối cùng cũng có cái kết đẹp. Có thể khẳng định, đây là kết quả của những nỗ lực xúc tiến không ngừng nghỉ ở cả hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam với một mục đích chung là đưa “châu về hợp phố”.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết tượng Bồ tát Tara có niên đại hơn 1.200 năm và là một trong 30 cổ vật đầu tiên được công nhận bảo vật quốc gia. Đây là tượng bằng đồng duy nhất về Bồ tát Tara nên khó đo đếm hết giá trị.
Năm 1978, tượng được người dân tình cờ tìm thấy. Lúc đó, do nghi ngờ đây là kim loại quý nên người dân bẻ gãy con ốc và đóa sen trên tay của bức tượng. Sau đó không lâu, bức tượng này được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (lúc chưa tách tỉnh), còn hai hiện vật khi ấy vẫn còn “lưu lạc” trong dân và sau đó được chính quyền địa phương ở Quảng Nam giữ gìn.
Từ năm 2019, ngành văn hóa Đà Nẵng đã xúc tiến các hoạt động nghiên cứu và đề xuất tỉnh Quảng Nam hợp nguyên hiện vật. Tuy nhiên, việc này có khó khăn, tốn nhiều thời gian vì tượng và hiện vật ở hai đơn vị hành chính khác nhau, tất cả quy trình phải theo quy định của pháp luật đối với bảo vật quốc gia. “Hai hiện vật được về với tượng là điều quá tốt, rất đáng mừng. Việc hoàn nguyên hai chi tiết về với tượng Bồ tát Tara sẽ giúp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có điều kiện phát huy giá trị bảo vật quốc gia này đến công chúng”, ông Thắng chia sẻ.
Những năm qua, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ hiện vật, đồng thời ủng hộ việc đưa hai chi tiết về với tượng gốc. Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Dũng thông tin, cuối năm 2019, hai chi tiết con ốc và hoa sen của tượng được nhân dân và chính quyền xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình) bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam lưu giữ tạm thời theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đối với đề xuất được giữ hai hiện vật của Đà Nẵng, sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và được cục thống nhất.
Đầu tháng 8-2023, sở có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc hợp nguyên hiện vật của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa. Đề xuất này được UBND tỉnh thông qua và có văn bản gửi thành phố Đà Nẵng ngày 7-9. “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam và bảo tàng tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị về cách thức bàn giao. Tinh thần là bàn giao hiện vật càng sớm càng tốt để hoàn thiện cho bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara đang lưu giữ ở Đà Nẵng”, ông Dũng cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Phạm Tấn Xử cho biết, sở đã nhận văn bản của tỉnh Quảng Nam và sẽ chỉ đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng Quảng Nam để tiếp nhận hiện vật theo đúng quy trình, quy định pháp luật. Cách thức bàn giao sẽ được hai đơn vị trao đổi, thống nhất để sớm đưa hai hiện vật trở về với tượng gốc, phục vụ công tác phát huy giá trị di sản.
Đối với hai chi tiết của tượng Bồ tát Tara sẽ tiếp nhận từ Quảng Nam, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn cho biết, hiện nay, tượng Bồ tát Tara được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và chỉ mở cửa cho công chúng xem vào dịp đặc biệt.
Tượng trưng bày cho du khách xem là phiên bản 1:1 được chuyên gia nước ngoài phục chế từ tượng gốc. Vì tượng gốc đã có niên đại hơn 1.200 năm, lại là bảo vật quốc gia nên không thể có bất kỳ tác động nào ảnh hưởng tới di vật. Trước mắt, hai hiện vật sẽ được bảo tàng bảo vệ, trưng bày bên cạnh bức tượng để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng và giới nghiên cứu.
X.DŨNG