Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, Hội nghị là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân của thành phố nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Quang cảnh hội nghị
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 31 dân tộc thiểu số cùng định cư, sinh sống.Trong đó, dân tộc định cư lâu đời trên vùng đất này là dân tộc Cơ Tu, dân tộc Hoa; các thành phần dân tộc từ các tỉnh chuyển cư vào sinh sống từ nhiều năm trước đến nay gồm: M’nông, Tày, Mường, Nùng, H’mông, Thái, Dao…. Điều này đã góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa rất phong phú, đa dạng và tạo nét độc đáo của thành phố Đà Nẵng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng hoa chúc mừng Hội nghị
Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Hội nghị sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Hội nghị lần thứ I, năm 2019; rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 – 2024.
Qua đó, tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Cạnh đó, Hội nghị sẽ xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc của thành phố đến năm 2029; đề ra những giải pháp chủ yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nhất là hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh tặng hoa chúc mừng Hội nghị
Theo báo cáo, giai đoạn 2019-2024, các dân tộc thiểu số tại Đà Nẵng đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Các chính sách hỗ trợ vùng DTTS đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy sự sáng tạo và tinh thần nỗ lực của người dân. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành sớm, hạ tầng cơ sở không ngừng được nâng cấp, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc, và hệ thống chính trị vững mạnh từ thành phố đến phường, xã.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu khai mạc hội nghị
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch văn hóa và sinh thái; đẩy mạnh phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong xây dựng nông thôn mới, gắn với giảm nghèo bền vững, quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, và bảo vệ môi trường. Song song đó, chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách phát triển toàn diện cho cộng đồng.
Đến năm 2029, Đà Nẵng phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể như: xóa 100% hộ nghèo vùng đồng bào DTTS có khả năng lao động theo chuẩn nghèo đa chiều; đảm bảo tất cả các tuyến đường kiệt, xóm được bê tông hóa; mọi hộ gia đình sử dụng nước sạch; tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện nhà ở.
Thành phố cũng hướng đến nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 70%, đảm bảo 100% trẻ em người DTTS trong độ tuổi đến trường, và bảo tồn ngôn ngữ dân tộc trong giao tiếp, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết và phát triển.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trao Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân; Chủ tịch UBND thành phố trao Bằng khen cho 5 tập thể, 23 cá nhân; Văn phòng UBND thành phố trao Giấy khen cho 4 tập thể, 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
MAI QUANG – NGUYỆT ÁNH
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=61575&_c=3