Bước đi chiến lược
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ngày 2/12), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại.
Thực tế những năm qua, mô hình Khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia (như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…) áp dụng rất thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài.
“Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại. Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự thảo Chiến lược đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt (trong đó, có giải pháp về xây dựng khu thương mại tự do) nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, mà còn quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, địa phương có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Trong những năm gần đây, được Trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đang được hoàn thiện, cùng với việc phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa cảng biển Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình “cảng xanh, logistics xanh” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh đang từng bước hình thành phát triển 4 ngành công nghiệp mới: Hóa dầu, công nghiệp chế tạo thiết bị điện gió, trung tâm dầu khí hóa lỏng, công nghiệp sinh học; tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường” để tập trung thúc đẩy Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và trung tâm chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trên thế giới.
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khu thương mại tự do kết hợp với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ thuộc tỉnh.
“Đây là một bước đi chiến lược quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics cho khu vực Đông Nam Bộ. Theo đó, việc sớm hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép Hạ sẽ được kết nối đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải, tạo ra một lợi thế cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ cho khu vực, quốc gia để làm mới động lực cũ. Đồng thời, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ – công nghiệp – đô thị trên hàng lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép – Thị Vải”, ông Phạm Viết Thanh khẳng định.
Cần sớm triển khai
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Chí Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – cho biết, việc thành lập khu thương mại tự do sẽ tạo ra những cú hích rất quan trọng đối với địa phương, đối với vùng và cả nước.
Theo ông Dũng, sẽ có 3 cú hích lớn. Thứ nhất, thu hút được những nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài kể cả gián tiếp và trực tiếp. Thứ hai, việc chuyển giao công nghệ giúp nhân lực Việt Nam học hỏi được công nghệ mới, doanh nghiệp ở xung quanh cũng được hưởng lợi khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, phối hợp liên kết kinh doanh. Thứ ba, có thể phát triển kinh tế sáng tạo vì trên thực tế, không chỉ phát triển logistics mang tính truyền thống mà nó sẽ là những dịch vụ logistics mới nhất, tạo ra mạng lưới logistics hình thành vòng xoáy cho sự phát triển.
Phối cảnh Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Ảnh: Portcoast |
Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, chúng ta đang gặp khó về mặt pháp lý nhưng có thể mở từ từ. Ông Dũng cũng nhấn mạnh, những gì luật cho phép thì chúng ta làm trước, cái gì thiếu sẽ hoàn thiện làm sau. “Chỉ khi làm mới thấy rõ vấn đề nằm ở đâu chứ nếu chỉ ngồi nhìn, đi nghe ngóng, nghe người ta nói thì không làm được, nên cần sớm triển khai”, ông Dũng kiến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Tổng giám đốc Tập đoàn Gemadept – đánh giá, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội để phát triển khu thương mại tự do. Khi đã hình thành cụm cảng cửa ngõ Cái Mép được quy hoạch và phát triển hiện đại, đồng bộ, có thể đón được tàu mẹ lớn nhất thế giới.
Để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư khu thương mại tự do, ông Bình đề xuất, cần lựa chọn mô hình phù hợp trên cơ sở tham khảo, học tập các mô hình chuẩn trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Bình, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần quyết tâm trong việc đề xuất lên Trung ương cho phép triển khai khu thương mại tự do bằng các chính sách kịp thời, đồng bộ. Không đợi Đà Nẵng thí điểm xong, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có thể xin triển khai Khu thương mại tự do song song với Đà Nẵng.
“Khu thương mại tự do tại Bà Rịa – Vũng Tàu cần được triển khai với đầy đủ chức năng của một FTZ đúng nghĩa ngay từ đầu. Việc này theo đúng phương châm của Chính phủ và Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu “vừa chạy, vừa xếp hàng”, nếu không sẽ không kịp” ông Bình đề xuất.