Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 4-10-2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không không chỉ cập nhật, sửa đổi các quy định chưa phù hợp trước đây mà còn bổ sung và tăng mức xử phạt, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (gồm hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện), hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.
So với các quy định xử phạt vi phạm hành chính trước đây, Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm mới như: hành vi vi phạm đã xảy ra trong quá khứ, người vi phạm vẫn có thể bị xử phạt nếu hành vi đó được phát hiện. Tuy nhiên, hộ gia đình, cá nhân có vi phạm sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 1-8-2024, thì không xử lý theo quy định tại nghị định này.
Nghị định bổ sung thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, trong đó có buộc người vi phạm thực hiện thủ tục để được phê duyệt dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn. Bên cạnh đó, nâng số tiền xử phạt và thu hẹp diện tích đất bị lấn, chiếm tối thiểu từ 0,05ha xuống dưới 0,02ha, cụ thể, hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của nhà nước đã quản lý được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đồng đối với diện tích dưới 0,02ha; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với diện tích từ 0,02ha đến dưới 0,05ha…
Hành vi sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác thuộc địa giới hành chính của xã mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép có thể bị phạt đến 200 triệu đồng tùy theo diện tích vi phạm. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt tối đa đến 500 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 45/2024/QĐ-UBND ngày 15-10-2024 quy định các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, UBND thành phố quy định biện pháp, mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đai đối với các hành vi làm suy giảm chất lượng đất, biến dạng địa hình đất như: hành vi làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá, loại đất có thành phần khác với loại đất sử dụng trước khi vi phạm; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được xác định; thay đổi độ dốc bề mặt đất, hạ thấp bề mặt đất; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi); san lấp nâng cao hoặc hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính yêu cầu UBND các phường, xã chịu trách nhiệm xác định diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án, không sản xuất được nữa; xác nhận diện tích đất vi phạm phù hợp với các quy hoạch, kế hoach, mục đích sử dụng đất… để làm cơ sở cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt đối với trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
MINH ANH
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/bo-sung-tang-muc-xu-phat-vi-pham-khoi-phuc-dat-dai-3997607/