Nhà Thu Hiên ở huyện miền núi Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình). Nhìn mức học phí 45 triệu đồng/năm của Học viện Ngoại giao, hai mẹ con bảo chắc chỉ phù hợp với con nhà giàu.
Mình muốn được học để trước hết có thể lo cho gia đình, sau là được san sẻ phần nào với xã hội, cộng đồng, giúp cho những bạn có hoàn cảnh giống mình.
BÙI THỊ THU HIÊN
Nhà hộ nghèo, người già, người liệt
Nhà Hiên thuộc diện hộ nghèo, có 9 người. Trong đó, cụ ông đã 85 tuổi, cụ bà 83 tuổi và bà nội 64 tuổi. Người chú ruột bị tai nạn lao động liệt nửa người. Hiên có hai em nhỏ, cậu em kế bị câm điếc bẩm sinh và bé út mới 5 tuổi.
Cha làm thợ xây, công được khoảng 200.000 đồng/ngày nhưng công việc không ổn định do phụ thuộc trời mưa nắng. Mẹ ở nhà làm lúa, thu nhập không đáng kể. Hiên có nguyện vọng 1 vào trường công an nhưng trượt.
Bà Bùi Thị Xuyến (mẹ Hiên) kể gia đình nhận tin con đỗ đại học mừng ít lo nhiều. Hiên nói cha mẹ cố lo cho con học phí một vài tháng đầu, quen môi trường mới sẽ đi làm thêm kiếm tiền tự học.
Con gái nói vậy, mẹ ngủ không được vì xót. Bà Xuyến nói rất muốn theo con xuống Hà Nội kiếm gì làm để có tiền hỗ trợ Hiên đi học. Nhưng hai em Hiên đứa còn bé, đứa lại khuyết tật như thế, làm sao mà đi. Hiên tâm sự thấy phản ứng của cha mẹ cũng buồn nhưng không giận. Bao nhiêu đêm nước mắt con gái rơi trong tuyệt vọng thì cũng bấy nhiêu ngày mẹ mất ngủ, khuôn mặt sạm đen vì lo.
Hiên vốn là đứa quyết đoán. Thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô gái đã xuống Hà Nội xin chân phục vụ tại một nhà hàng, tiền công 200.000 đồng/ngày.
“Tôi có buồn cho phận mình, nhưng biết bố mẹ không đủ khả năng lo, tôi phải cố gắng vươn lên bằng đôi chân của mình để có thể tiếp tục học. Nếu buộc phải nghỉ học đó là do quyết định của bản thân chứ không oán giận ai” – Hiên quả quyết.
Mẹ bán 3 con heo, Hiên sẽ quyết tâm làm thêm
Nhưng cánh cửa đại học cuối cùng cũng hé mở với Hiên, cô gái vừa trở thành tân sinh viên ngành truyền thông quốc tế Học viện Ngoại giao. Đã nhập học được một tháng, nữ sinh người Mường ấy nói việc được ngồi trên giảng đường như một giấc mơ và không muốn tỉnh giấc vì nghĩ đến việc học bị đứt gánh giữa đường.
Trong lúc cả nhà tuyệt vọng nhất, đường cùng rồi thì có một phụ nữ 64 tuổi ở Hà Nội tìm đến tận nhà Hiên thuyết phục cho con xuống Hà Nội học. Bà nói học phí bà không biết nhưng xuống Hà Nội học thì cứ ăn ở nhà bà, vì bà chỉ có một mình. Chính “bà tiên” tiếp sức đến trường này xuất hiện giúp cha mẹ phần nào yên tâm hơn. Rồi cậu dì trong họ cũng thêm lời động viên vì thấy cháu mê học hành quá.
Coi như nhắm mắt quyết liều vì con. Mẹ Hiên bán ba con heo cũng là tài sản lớn nhất của cả nhà được chừng 3 triệu tiền lãi, vay thêm được 2 triệu cho con gái xuống trường tạm nhập học.
“Mình bước chân vào giảng đường cứ như một giấc mơ vậy, thật sự không dám nghĩ sẽ được ngồi học trong ngôi trường từng mơ ước thế này” – Hiên bộc bạch.
Nhưng chính ngay khoảnh khắc ngồi giữa giảng đường khang trang, trong đầu cô gái là hình ảnh cha mẹ làm lụng vất vả, có khi chân tay nứt toác vào mùa đông. Hiên bảo lòng mình xót xa vô cùng nên càng phải học thật tốt vì chỉ có thế mới mong giúp gia đình mình thoát nghèo, mới có cơ hội cho các em tới trường.
Mẹ Hiên nói số tiền đưa con gái cũng chỉ là khoản lo cho tháng đầu tiên, còn tháng tiếp theo chưa biết xoay thế nào, trong nhà cũng chẳng còn gì để bán. Trận bão số 3 vừa rồi làm mấy sào lúa của nhà coi như mất.
“Vừa gặt xong chỉ được hơn hai tạ thóc, giờ mà bán nữa năm tới cả nhà không biết lấy gì ăn. Hiện vẫn nợ ngân hàng 25 triệu tiền hỗ trợ làm nhà nên cũng không dám vay thêm vì vay rồi lấy gì trả” – bà Xuyến buồn bã.
Khó quá ráng xong học kỳ 1 sẽ xin bảo lưu
Chọn ngành truyền thông quốc tế, Thu Hiên đặt mục tiêu trở thành nhà báo, biên tập viên. Dẫu đối diện với rất nhiều khó khăn bủa vây, cô gái tuổi 18 ấy luôn tỏ ra tự tin vào chính bản thân và cho biết sẵn sàng đối diện với tình huống xấu nhất.
Kế hoạch của Hiên là bạn sẽ xin đi làm bán thời gian để tự lo trang trải sinh hoạt phí. Tình huống khó nhất không thể lo nổi học phí những tháng tới, Hiên sẽ cố gắng học hết kỳ 1 rồi xin bảo lưu kết quả, đi làm kiếm tiền rồi sang năm quay lại học tiếp.
Không có máy tính, cô bạn xin mượn làm ké bài tập cùng bạn khi buộc phải dùng máy tính hoặc chủ động viết tay. “Với mình lúc này có đủ tiền nộp học phí mỗi tháng đã là điều hạnh phúc nhất” – Hiên nghẹn ngào.
Hiên đã đăng ký hồ sơ ứng cử chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ năm 2024 với nhiều hy vọng được hỗ trợ.
Kết quả thi nhiều điểm 9,10
Cô Nguyễn Thị Nguyệt – giáo viên chủ nhiệm của Hiên tại Trường THPT Tân Lạc – nói nhà trường biết rõ hoàn cảnh gia đình và cũng đã hỗ trợ, miễn giảm học phí cho Hiên. Cô Nguyệt đánh giá Hiên là người cầu thị, nỗ lực và chăm chỉ. Hiên đạt điểm 10 môn địa lý, 9,75 môn lịch sử và 9,25 môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhà chỉ có mình cha Hiên là lao động chính, lại tới 9 miệng ăn nên thật sự khó khăn. Thấy gia cảnh, cô giáo có lần khuyên Hiên hay suy nghĩ theo học sư phạm cho bớt phần chi phí nhưng cô học trò lại có khát khao và quyết tâm theo đuổi Học viện Ngoại giao vì quá đam mê.
“Quãng thời gian bốn năm phía trước còn rất dài và tốn kém, rồi còn phải trau dồi thêm vốn tiếng Anh rất nhiều. Cô trò chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng nên sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm với Hiên lúc này vô cùng cần thiết để bạn không phải dở dang ước mơ đến trường” – cô Nguyệt chia sẻ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.