Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán 2025, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động nguồn hàng đa dạng, giá hợp lý; cùng với đó là kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết của ngành chức năng.
Người dân đến siêu thị Go! Đà Nẵng (quận Hải Châu) mua sắm thực phẩm. Ảnh: MAI LY |
Bảo đảm mạng lưới cung ứng hàng hóa
Bà Nguyễn Thị Thương (chủ quầy tạp hóa Thương, chợ Cồn) cho hay, thời điểm này bà bắt đầu nhập một số mặt hàng có mẫu mã Tết như bánh hộp, kẹo, mứt, hạt khô, hải sản khô, rim… để bán. Giá các loại bánh kẹo, mứt tăng khoảng 2-10% so với năm ngoái, giá hạt dưa bình ổn. “Lượng khách chưa nhiều, người mua chủ yếu dùng ăn chứ chưa mua để đãi Tết. Nếu gần Tết sức mua tăng, tôi sẽ nhập thêm hàng”, bà Thương nói. Trong khi các hộ tiểu thương ở chợ nhập tới đâu bán tới đó thì các nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ nhiều tháng trước.
Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng dự đoán tình hình mua sắm dịp cuối năm và Tết 2025 tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ. Do đó siêu thị tập trung vào các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy hải sản…; các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm và các loại bánh kẹo, mứt, hạt, trái cây, nước giải khát và bia, rượu.“Chúng tôi nhận định nhóm hàng phục vụ người lao động bình dân sẽ tiêu thụ mạnh nên tập trung đẩy mạnh cung ứng hàng hóa giá thấp hơn so với giá hằng ngày”, ông Thống cho biết.
Theo Sở Công Thương, các đơn vị, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, nếp các loại; thịt các loại; đồ khô, đóng hộp (bò khô, mực khô, cá khô…); bánh kẹo mứt hạt dưa; rau, củ, quả… dự kiến khoảng 2.800 tỷ đồng.
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, công ty đã có văn bản đề nghị các ban quản lý chợ trực thuộc tăng cường công tác quản lý, theo dõi hàng hóa, bình ổn mặt hàng thiết yếu trong các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2025. Các ban quản lý chợ trực thuộc chủ động theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả, bình ổn thị trường và giám sát hàng hóa tại chợ; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, quán triệt, yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không đầu cơ găm hàng, không lan truyền các tin đồn thất thiệt gây khan hiếm hàng hóa, bất ổn thị trường.
Kích cầu mua sắm
Sở Công Thương cho biết các phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025 đã hoàn thành. Sở kết nối các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các đơn vị tổ chức các đợt hàng đưa hàng về các xã nông thôn, miền núi thuộc huyện Hòa Vang và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, vận động các siêu thị, doanh nghiệp, đơn vị phân phối trên địa bàn tổ chức các điểm/gian hàng bình ổn tại địa điểm kinh doanh của đơn vị với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khuyến mại, kích cầu mua sắm. Cụ thể, tổ chức sự kiện phát động Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn thành phố (đợt 2) từ ngày 25-11-2024 đến 28-1-2025; Hội chợ Xuân 2025 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng từ ngày 9 đến 14-1-2025 với quy mô 200-250 gian hàng. Ngoài ra, tại các quận, huyện cũng tổ chức một số chương trình, hoạt động kích cầu mua sắm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết như lễ hội đón Giáng sinh và chào năm mới Đà Nẵng 2025 từ ngày 14-12-2024 đến ngày 2-1-2025; lễ hội Tết Việt Hòa Vang 2025 từ ngày 17 đến 21-1-2025…
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, đơn vị đã yêu cầu các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt tổ chức kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như facebook, tiktok. Tại các chợ, cửa hàng, các cơ quan chức năng tuyên truyền đến người kinh doanh nhằm không để xảy ra hiện tượng tăng giá trong thời điểm trước, trong và sau Tết.
14 điểm bán hàng bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm Sở Công Thương thông tin, dự kiến từ ngày 25 đến 27-1 (tức ngày 26-28 tháng Chạp), trên địa bàn thành phố có 14 điểm bán hàng bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm. Cụ thể, tại quận Sơn Trà có 2 điểm: UBND phường Thọ Quang và số 33 Nguyễn Duy Hiệu; quận Liên Chiểu có 1 điểm tại Chợ Hòa Khánh; quận Hải Châu có 4 điểm tại: chợ Đống Đa, chợ Nguyễn Tri Phương, số 407 Trưng Nữ Vương và số 36 Lương Nhữ Hộc; quận Cẩm Lệ có 2 điểm tại chợ Cẩm Lệ và chợ Hòa An; huyện Hòa Vang có 1 điểm tại chợ Túy Loan; quận Thanh Khê có 3 điểm tại chợ Phú Lộc, số 262 Cù Chính Lan và số 178 Trần Cao Vân; quận Ngũ Hành Sơn có 1 điểm tại chợ Bắc Mỹ An. |
MAI LY
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202501/binh-on-thi-truong-tieu-dung-dip-tet-nguyen-dan-3998670/