Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, thành Đà Nẵng là một đô thị từ “làng lên phố” và “trong phố có làng”. Điều này lý giải cho lý do vì sao “văn minh đô thị” và “văn hóa làng” vẫn song hành và trở thành “nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh” của đất và người Đà Nẵng.
Giữa một diện mạo đô thị hiện đại với những con đường khang trang, những cây cầu nối liền “hai bờ vui” vẫn thấp thoáng bóng dáng của cây đa, bến nước, sân đình, miếu xóm đầy những câu chuyện thâm trầm qua năm tháng; vẫn những lễ hội cổ truyền xôm tụ, đông vui và nghề thủ công truyền thống quanh năm đỏ lửa.
Tất cả tạo nên một không gian di sản văn hoá đặc sắc ngay trong lòng phố với những sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng, các thiết chế và mối liên kết truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người dân tham quan triển lãm “Chuyện làng”, “Chuyện phố”
Trên chặng đường dài hình thành và phát triển của Đà Nẵng – mảnh đất nơi “đầu sóng ngọn gió”, trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử đã vươn mình phát triển thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Trung – Tây Nguyên.
Thế nhưng, giữa lòng thành phố “hiện đại” vẫn hiện hữu những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian như sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện đại, ẩn chứa bao câu chuyện văn hóa – lịch sử của thành phố và góp phần làm nên “Phần hồn đô thị” cho Đà Nẵng.
Tái hiện không gian văn hóa với các hoạt động hấp dẫn
Đến với Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024, người dân và khách du lịch được hòa mình vào không gian văn hóa với các hoạt động hấp dẫn, tham gia tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa ý nghĩa và thú vị đằng sau các di sản kiến trúc của thành phố.
Những hoạt động nổi bật là Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024 gồm: Triển lãm “Chuyện làng”, Triển lãm “Chuyện phố”, Triển lãm “Hồn phố”, “Chợ phiên đồ xưa Đà thành”, Cuộc thi “Khám phá di sản kiến trúc Đà Nẵng”, Gameshow “Hội làng giữa phố”, Trò chơi dân gian và các hoạt động trải nghiệm”.
BÁ VINH
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=61694&_c=3