Nhiều vấn đề cấp bách
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hội thảo góp phần vào tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Đồng thời nhấn mạnh, an ninh và phát triển luôn tác động lẫn nhau, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành bại của mọi quốc gia dân tộc, đặc biệt trong thời đại ngày nay, an ninh và phát triển đều có nội dung mới và phương thức giải quyết khác trước.
Hiện nay, bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống, quen thuộc, thường liên quan đến sức mạnh cứng, trực tiếp tác động đến chế độ xã hội, chính quyền, cuộc sống người dân… xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề an ninh phi truyền thống, không hề có tiền lệ, liên quan đến cả sức mạnh mềm, tồn tại và hoạt động như một tác nhân xuyên quốc gia, tác động rất phức tạp đến an toàn của người dân, cộng đồng, đất nước và cả thế giới.
Có thể nêu một số nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu, tội phạm công nghệ cao, ma túy, dịch bệnh toàn cầu, tấn công mạng, tội phạm sinh học, tội phạm tài chính – tiền tệ, thông tin giả…
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong vài năm qua, Việt Nam đã phải đối phó với hàng loạt các cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin quan trọng của chính phủ và doanh nghiệp. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân vào hệ thống thông tin quốc gia.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
Nhằm tìm giải pháp cho những vấn đề cấp bách liên quan đến an ninh phi truyền thống, GS.TS Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu tập trung nhận diện các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay; nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và thực trạng ứng phó với các thách thức này tại Việt Nam. Từ đó đề ra các giải pháp đảm bảo an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong kỳ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Hội thảo với chủ đề “Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay” là một diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan thảo luận về những thách thức hiện tại và tương lai trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt, và đề xuất các giải pháp sáng tạo đề tăng cường an ninh và ồn định cho sự phát triển của Việt Nam nói chung, của các khu vực, các tỉnh trên cả nước nói riêng. Đồng thời xây dựng cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả hơn đối với an ninh phi truyền thống, phù hợp với thực tế của thể kỳ XXI, phù hợp đặc thù của Việt Nam và của từng địa phương”, GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, với vị trí địa lý đặc thù và công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phát triển mẽ của công nghiệp 4.0, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với những khó khăn, thách thức từ các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là các mối hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; tình trạng ngập úng đô thị; tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong thanh thiếu niên; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp…
Những hiểm họa trên đều do nhiều nhóm nguồn tác động gây ra: Tốc độ đô thị hóa cao, sự suy giảm đa dạng sinh học; công tác quy hoạch đô thị; công tác phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường; công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng, nhận thức trong các tầng lớp nhân dân…Từ đó, các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng để chống phá, xuyên tạc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh phát biểu tại hội thảo
Nhận thức được những tác động phức tạp, khó lường từ các vấn đề an ninh phi truyền thống, những năm qua Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống của người dân.
“Việc thực hiện đồng bộ, toàn diện, cân bằng các chủ trương, chính sách trên các mặt công tác là cơ sở quan trọng để thành phố phát triển bền vững, phòng, chống được những ảnh hưởng, đe dọa từ các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp đến thành phố, nhất là trong bối cảnh thành phố có vị trí địa chính trị là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung và Tây Nguyên”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh nói.
Quang cảnh hội thảo
Liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế, TS Đào Ngọc Báu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề cập đến việc phối hợp hành động toàn cầu để ứng phó an ninh phi truyền thống; hỗ trợ nâng cao năng lực như ứng phó biến đổi khí hậu. Thực hiện phương châm đối ngoại Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Quang, Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, để ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống cần năng lực quản trị của mỗi quốc gia, khả năng xác định tầm nhìn và chiến lược; hệ thống pháp luật và chính sách cần độ linh hoạt để có căn cứ thích ứng và ứng phó; năng lực lãnh đạo quản lý của bộ máy từ địa phương đến trung ương, có kỹ năng ứng phó từ sớm từ xa; sức mạnh công nghệ của từng quốc gia tăng cường khả năng dự báo, giám sát; nhà nước huy động sức mạnh tổng hợp, đặc biệt người dân tham gia; khả năng dự báo của các cơ quan chính xác để dự báo thích ứng và chính sách linh hoạt.
Theo GS.TS Lê Văn Lợi, nhằm bảo đảm an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên phát triển mới trước hết, cần tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong việc xây dựng chính sách, chia sẻ thông tin và phối hợp hành động. Việt Nam cần tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và các tổ chức quốc tế khác.
Đồng thời, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ là một ưu tiên quan trọng. Việt Nam cần tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, an ninh mạng, và y tế công cộng.
Cùng với đó, xây dựng khung pháp lý và thể chế phù hợp là một nhiệm vụ cấp bách. Cần rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an ninh phi truyền thống, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong thực thi.
KHÁNH NHI
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62039&_c=3