Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997, đến nay đã 27 năm nhưng Dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa bàn TP Đà Nẵng. |
Vì sao Dự án chậm tiến độ 27 năm?
Theo Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg ngày 9/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng (còn gọi là Dự án Làng Đại học Đà Nẵng) được triển khai trên địa bàn 2 địa phương là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với quy mô đào tạo đến năm 2010 khoảng 30.000 sinh viên, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 300ha. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 190ha thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn); trên địa bàn thành phố (TP) Đà Nẵng 110ha thuộc phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn.
Đến ngày 09/7/2020, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2000 Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh quy mô đào tạo với số lượng 60.000 sinh viên; số lượng cán bộ giảng dạy và làm việc: 3.364 người; dân cư hiện trạng và phát triển mới 5.000 người.
Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997, đến nay đã hơn 27 năm nhưng Dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa bàn TP Đà Nẵng (đã giải phóng mặt bằng được 78,95ha/110ha); còn toàn bộ diện tích Dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thông tin thêm về thời gian triển khai Dự án, đại diện lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cho biết, trên thực tế sau 20 năm bị “treo”, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng bắt đầu khởi động lại từ khi Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vào ngày 24/02/2017 và có Kết luận tại Thông báo số 149/TB-VPCP. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phải “sớm chấm dứt quy hoạch ‘treo” Làng Đại học Đà Nẵng suốt 20 năm qua; sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và các nguồn hợp pháp khác phát triển Đại học Đà Nẵng, tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để khu đô thị Đại học Đà Nẵng sớm được phát triển, khắc phục chậm trễ thời gian qua”.
Về hiện trạng đầu tư, theo đại diện lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, trước hết về công tác quy hoạch, đã hoàn thành quy hoạch phân khu xây dựng Dự án tỷ lệ 1/2000; hoàn thành Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Đại học Đà Nẵng tại phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Riêng Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Đại học Đà Nẵng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hiện đang chờ tỉnh Quảng Nam thẩm định, phê duyệt.
Về công tác giải phóng mặt bằng, như trên đã đề cập, đến nay chỉ mới giải phóng mặt bằng được 78,95ha/110ha tại phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng); trong khi ở phía tỉnh Quảng Nam hoàn toàn chưa đền bù, giải phóng mặt bằng.
Về công trình hạ tầng, theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, trong giai đoạn 1997-2017 chỉ mới hoàn thành xây dựng các công trình: nhà học A2 (01 khối 5 tầng và 02 khối 3 tầng), Nhà học A3 (01 khối 4 tầng) và Nhà ký túc xá (02 khối 5 tầng) cùng các công trình kỹ thuật hạ tầng kèm theo như: san nền, cấp nước, thoát nước, giao thông, cấp điện.
Giai đoạn từ 2018 đến nay, Dự án đã hoàn thành xây dựng 02 hạng mục công trình gồm: Nhà học tập, thực hành, thí nghiệm 05 tầng cho Khoa Y- Dược (với diện tích xây dựng 2.045m vuông, diện tích sàn xây dựng 8.127m vuông) và nhà làm việc 05 tầng của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (với diện tích xây dựng 1.719m vuông, diện tích sàn 6.950m vuông).
Về tổng nhu cầu đầu tư vốn, theo đại diện lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, tổng nhu cầu vốn cần đầu tư của Dự án khoảng 12.587 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí ngân sách Nhà nước đã cấp cho Dự án từ năm 1997 đến nay là 3.612 tỷ đồng (nguồn ngân sách Nhà nước là 1.497 tỷ đồng và nguồn từ nước ngoài là 2.115 tỷ đồng). Cụ thể, giai đoạn 1997-2015 ngân sách Nhà nước cấp 235 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2000 ngân sách Nhà nước cấp 600 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 ngân sách Nhà nước đã bố trí 2.777 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương là 662 tỷ đồng và nguồn từ nước ngoài là 2.115 tỷ đồng).
Chia sẻ thêm về nguồn vốn từ nước ngoài, đại diện lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cho hay, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hoà Quý- Điện Ngọc được thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế gới (WB) với tổng mức đầu tư 2.777 tỷ đồng (Dự án ODA).
27 năm kể từ ngày được Thủ tướng phê duyệt nhưng hiện trạng khu vực làng Đại học Đà Nẵng vẫn còn rất ngổn ngang… |
Người dân gánh nhiều hệ lụy
Qua tìm hiểu thực tế tại các khu vực có dự án thuộc 02 địa phương Quảng Nam và TP Đà Nẵng cho thấy, khó khăn vướng mắc, đồng thời cũng là bức xúc lớn nhất của Dự án Làng Đại học Đà Nẵng thời gian qua là dự án bị “treo” kéo dài.
Nói trong bức xúc vì dự án kéo dài, ông Trương Hà, Khối trưởng khối phố Tứ Hà (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng phần diện tích nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cụ thể là đi qua 04 khối phố Tứ Hà, Câu Hà, Tứ Ngân và Ngọc Vinh thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc về 02 khối phố Tứ Hà và Câu Hà. Riêng với Tứ Hà, tổng số hộ dân có hộ khẩu thường trú tại đây bị ảnh hưởng trực tiếp của Dự án khoảng 300 hộ dân; ngoài ra còn có khoảng 300 hộ khác là các hộ tạm trú tính đến hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng bởi Dự án. Chính vì dự án bị “treo” kéo dài đến 27 năm qua đã gây nên rất nhiều khó khăn cho bà con; trong đó bức xúc nhất là nhiều gia đình qua nhiều thế hệ, con cháu trưởng thành nhưng không thể tách hộ, không thể thừa kế, chuyển nhượng nhà cửa, đất đai. Cạnh đó, hầu hết các công trình hạ tầng dân sinh như đường sá, điện nước, nhà cửa không thể đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa được.
Theo đại diện UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), Dự án Làng Đại học Đà Nẵng phần nằm trên địa phận phường Điện Ngọc có diện tích 190ha, trong đó diện tích cần phải giải phóng mặt bằng là 170ha, có hơn 1.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo đó, nhu cầu đất để bố trí tái định cư là hơn 1.300 lô đất và kinh phí giải phóng mặt bằng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Dự án cứ “ngâm” mãi, kéo dài đến 27 năm. Trong khoảng thời gian dài như vậy đã nảy sinh nhiều hệ luỵ, gây nên bao nỗi khổ của người dân trong vùng Dự án. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là tình hình an ninh, trật tự, đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của các cấp chính quyền cũng hết sức bức xúc, không có hướng giải quyết tốt.
Trong khi đó, theo ông Phan Quang Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc, nguyên nhân chưa giải toả đền bù là do chủ đầu tư chưa bố trí vốn; trong khi bố trí tái định cư cho Dự án của phía Quảng Nam đã chiếm đến hơn 50% diện tích đất Dự án. Trước thực trạng Dự án kéo dài và nguồn vốn cần quá lớn, nên chăng Dự án cần được xem xét điều chỉnh thu hẹp diện tích hoặc khoanh lại, khu vực nào thực sự cần thiết thì mới đầu tư.
Đến nay Dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa bàn TP Đà Nẵng (đã giải phóng mặt bằng được 78,95ha/110ha); còn toàn bộ diện tích Dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. |
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, nếu không bố trí vốn được thì xem xét điều chỉnh lại khu vực Dự án, chỉ nên giải phóng khoảng 50ha, tập trung tại các khu vực thuận lợi để Đại học Đà Nẵng xây dựng công trình phụ trợ, phần còn lại để địa phương chỉnh trang tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền của họ, khi đó chính quyền thị xã cũng dễ dàng đầu tư các công trình phục vụ dân sinh ở đây.
Đồng quan điểm về nhận định trong những khó khăn, vướng mắc của Dự án Làng Đại học Đà Nẵng thời gian qua thì bức xúc nhất là Dự án “treo”, kéo dài, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết: Người dân trong khu vực quy hoạch “treo” thuộc Dự án Làng Đại học Đà Nẵng không được thực hiện một số quyền mà pháp luật cho phép như lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất; không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa…; các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế- xã hội tại khu vực Dự án cũng không được đầu tư, nâng cấp; các công trình văn hoá, thể dục, thể thao cũng chưa được đầu tư xây dựng; nhà trẻ, nhà mẫu giáo tại khu vực Dự án chỉ xây dựng tạm bợ, thiếu thốn. Do đó, nếu Dự án vẫn tiếp tục kéo dài sẽ chồng chất thêm khó khăn cho người dân; đồng thời cũng gây khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự xã hội và xây dựng trên địa bàn, gây mất uy tín của Đảng bộ, chính quyền 02 địa phương và các Bộ, ngành có liên quan.
Có thể nói, chủ trương đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng là một Dự án lớn, có ảnh hưởng không chỉ đối với 02 địa phương là Quảng Nam và Đà Nẵng mà còn là dự án động lực, tác động đến cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Dự án đến nay đã kéo dài hơn 27 năm, thế nhưng việc giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình có liên quan mới chỉ được khởi động ở phía diện tích trên địa phận TP Đà Nẵng, còn phía tỉnh Quảng Nam vẫn chưa khởi động. Trong khi đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện cũng chưa được xây dựng nhiều và hoàn chỉnh, chủ yếu mới tập trung vào khâu quy hoạch và vài công trình của Dự án. Đây là điều rất đáng tiếc và theo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là nguồn vốn chưa đủ.
Thực trạng trên cho thấy Dự án Làng Đại học Đà Nẵng cần sớm được “giải cứu” để chấm dứt những khó khăn, bức xúc của người dân!