Liên kết phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả nhằm khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương. Năm 2025, ngành du lịch thành phố tập trung duy trì và mở rộng phạm vi, nội dung hợp tác, chú trọng triển khai liên kết các địa phương trong và ngoài nước, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp…
Khách quốc tế đến Đà Nẵng đầu năm 2025. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tạo cơ hội quảng bá điểm đến
Thời gian qua, việc mở rộng liên kết giữa Đà Nẵng và các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi trong quảng bá điểm đến cũng như xây dựng sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm hiện có. Theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, liên kết du lịch giữa Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là mô hình hiệu quả nhất nước với thông điệp “một hành trình – 3 điểm đến”. Tính đến nay có 20 đường bay đến Đà Nẵng, trong đó 5 đường bay nội địa, 15 đường bay quốc tế thường kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước tới Đà Nẵng cũng như các điểm đến lân cận như Huế, Hội An.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vitraco Đà Nẵng cho biết, năm 2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, UBND thành phố Huế và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế – Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” hay hai địa phương đưa vào khai thác di tích Hải Vân Quan đã tạo thêm bước ngoặt của sự liên kết, gián tiếp đưa thêm nhiều du khách đến Đà Nẵng.
Cuối năm 2024, trao đổi với phóng viên báo chí tại Đà Nẵng, ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu nhìn nhận, Lai Châu là một tỉnh giàu tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên hiện vẫn còn ít sản phẩm, ít thông tin trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vì vậy, Lai Châu đã lựa chọn Đà Nẵng – một thành phố trung tâm của khu vực miền Trung để quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch hằng năm.
Tỉnh Lai Châu kỳ vọng rằng sự khác biệt về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là truyền thống văn hóa độc đáo của các dân tộc… sẽ mang đến cho du khách các sản phẩm du lịch đặc sắc. Tỉnh Lai Châu cũng mong muốn kết nối các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng như xây dựng các chương trình tour kết nối, trao đổi nguồn khách đến và đi giữa hai địa phương trong thời gian sớm nhất.
Tuần lễ văn hóa – du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng hằng năm góp phần quảng bá điểm đến của hai địa phương. Ảnh: NGỌC HÀ |
Mở rộng liên kết
Đối với liên kết, hợp tác trong nước, ngành du lịch thành phố tập trung liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định – Quảng Ngãi – Quảng Nam- Đà Nẵng – Huế) với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Cụ thể, tổ chức các đoàn famtrip, presstrip từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội về miền Trung; phối hợp triển khai chương trình thu hút đối tượng khách du lịch MICE (du lịch kết hợp triển lãm, hội nghị) cao cấp từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; phối hợp quảng bá du lịch, xây dựng cẩm nang du lịch chung 7 địa phương; phối hợp quảng bá, giới thiệu thông tin sự kiện, chương trình kích cầu du lịch trên website của các địa phương.
Đối với liên kết 5 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế – Quảng Trị- Quảng Bình thì xây dựng các gói kích cầu du lịch, tổ chức chương trình kích cầu du lịch; phối hợp hiệp hội du lịch tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm liên kết; triển khai các gói sản phẩm ưu đãi dành cho khách golf, MICE; triển khai các biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 5 địa phương với Quảng Ninh, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, mở rộng, tăng cường hợp tác với các địa phương khác (Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn La, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Cần Thơ…); cùng chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch; hỗ trợ thực hiện các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế giữa các địa phương, tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho doanh nghiệp; liên kết quảng bá du lịch trên kênh truyền thông các địa phương; phối hợp hội lữ hành tổ chức các đoàn Famtrip Đà Nẵng kết nối giao lưu với các địa phương.
Song song, ngành du lịch đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch quốc tế thông qua hiệp hội du lịch tại các thị trường trọng điểm để trao đổi thông tin, trao đổi khai thác các thị trường khách. Bên cạnh đó, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch, điểm đến du lịch đặc sắc của Đà Nẵng tại các hội chợ, hội thảo du lịch quốc tế; tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát du lịch, kết nối sản phẩm du lịch; liên kết với các hãng hàng không quốc tế để xúc tiến, truyền thông kế hoạch mở đường bay quốc tế mới đến Đà Nẵng…
“Trong năm 2025 và thời gian tới, công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch được tập trung duy trì và mở rộng phạm vi, nội dung hợp tác, chú trọng triển khai liên kết các địa phương, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Malaysia Airlines… để tăng cường quảng bá điểm đến, xúc tiến thị trường và đường bay, liên kết các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế để kết nối kinh doanh, trao đổi nguồn khách.
Hiệp hội du lịch và các hội thành viên, Quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố phát huy vai trò hội nghề nghiệp, kết nối hội viên, tham gia đồng hành cùng thành phố trong các chương trình kích cầu, lan tỏa thông tin và nỗ lực triển khai tổ chức một số sự kiện du lịch chuyên đề để xúc tiến mở rộng thị trường, liên kết doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, tư vấn chuyển đổi số hoạt động du lịch”, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay.
NGỌC HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202502/day-manh-lien-ket-phat-trien-du-lich-4000264/